Bảo đảm mức tăng và thời điểm tăng lương tối thiểu hợp lý

Hoa Lê 13/05/2013 10:06

Tiền lương là một trong những nội dung quan trọng của quan hệ lao động. Trong đó, điều chỉnh mức lương tối thiểu là công cụ nhằm góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của người lao động; là cơ sở để xác định trách nhiệm bồi thường vật chất và thực hiện một số chế độ khác. Bởi, tiền lương tối thiểu có thể phản ánh tình hình của người lao động, các doanh nghiệp và của nền kinh tế.

Mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Mức lương tối thiểu được xác định theo tháng, ngày, giờ và được xác lập theo vùng, ngành. Căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động, Chính phủ công bố mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia.

 

Theo báo cáo nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về tác động của chính sách tăng lương tối thiểu đến vấn đề việc làm và quản trị doanh nghiệp điều tra trên 50 doanh nghiệp chủ yếu tại miền Bắc, tiến hành từ tháng 10/2012 - 1/2013, có tới 52% doanh nghiệp cho rằng, lương tối thiểu hiện quá thấp, không có tác dụng “đòn bẩy” kinh tế, không có lợi cho người lao động và doanh nghiệp mà chỉ có lợi cho bảo hiểm. Do đó, doanh nghiệp đang cố gắng giải bài toán thu nhập thực tế nhằm bảo đảm cuộc sống tối thiếu cho người lao động. Đa số doanh nghiệp đánh giá chính sách tăng lương tối thiểu sẽ có tác động tiêu cực, bởi nó gây xáo trộn hoạt động doanh nghiệp về quản lý sản xuất và nhân lực, làm tăng chi phí sản xuất do thay đổi cách tính lương, đóng bảo hiểm tăng, nên làm tăng giá thành và giảm sức cạnh tranh của sản phẩm. Trong đó, 42% doanh nghiệp cho rằng, nên áp dụng thời điểm tăng lương tối thiểu vào đầu năm tài chính, 32% cho rằng nên có một khoảng thời gian từ khi thông báo tới thời điểm áp dụng để doanh nghiệp chuẩn bị, 26% đề nghị dời thời điểm áp dụng tăng lương tối thiểu vì doanh nghiệp đang gặp khó khăn...

Điều chỉnh lương là chính sách cần thiết để bảo đảm cuộc sống người lao động. Trong hơn 10 năm qua, nước ta liên tục cải cách tiền lương tối thiểu với những nỗ lực đáng được ghi nhận. Tuy nhiên, có thể thấy mỗi lần tăng lương tối thiểu là một lần gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, Phó Chủ tịch VCCI Phạm Gia Túc cho biết. Bởi khi có thông tin điều chỉnh có thể khiến người lao động dao động không tập trung công việc và phát sinh các hoạt động đình công, bãi công. Trong khi đó, do lao động ngành nghề khan hiếm, các doanh nghiệp phải thực hiện nhiều chính sách để chăm lo đời sống xã hội, vật chất, tinh thần cho người lao động và đóng góp cộng đồng xây dựng an sinh xã hội nhằm xây dựng mối quan hệ hài hòa lợi ích giữa 3 bên: người lao động, người sử dụng lao động và nhà nước. Với các chi phí cho người lao động như đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tai nạn theo quy định của pháp luật, cùng các chế độ khác như chế độ tiền lương, tiền thưởng, nhà ở cho công nhân, chăm sóc khi ốm đau, thai sản… khiến chi phí lao động gia tăng, năng lực cạnh tranh quốc gia giảm. Cùng với đó, doanh nghiệp còn phải chịu thêm chi phí công đoàn, chi phí ngân hàng, phí bảo lãnh, phí thủ tục… đầu tư cho máy móc thiết bị hiện đại để tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho người lao động… đã tạo thêm gánh nặng doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ LĐ, TB và XH Phạm Minh Huân cũng cho biết, có ba yếu tố ảnh hưởng đến kết quả của chính sách tăng lương tối thiểu là nhu cầu của người lao động, khả năng của doanh nghiệp và tình hình cung cầu của thị trường. Trong khi doanh nghiệp muốn không tăng hoặc tăng chậm, thì người lao động lại muốn tăng cao. Đây là hai thái cực không bao giờ gặp nhau, mà nhà nước cần lắng nghe để đưa ra được chính sách phù hợp nhất. Tuy nhiên, nếu chỉ đưa ra chính sách tăng lương tối thiểu đơn thuần có thể làm triệt tiêu những ảnh hưởng tích cực đang hướng tới, mà cần có các chính sách đồng bộ đi kèm để nhằm bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động và hỗ trợ doanh nghiệp. Bởi các doanh nghiệp có thể sẽ cắt giảm lao động nếu tăng lương tối thiểu trong thời điểm hiện nay, chuyên gia tư vấn Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Nguyễn Minh Chi nhấn mạnh. Việc tăng lương tối thiểu cần được thực hiện theo kế hoạch và có lộ trình được công bố trước nhằm giúp doanh nghiệp chủ động. Đặc biệt, cần xây dựng chế độ giám sát viên nhằm bảo đảm quy định lương tối thiểu được thực thi nghiêm minh và công bằng, có nhóm nghiên cứu để bảo đảm mức tăng và thời điểm tăng hợp lý.

Có thể thấy, tác động của chính sách đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của nói chung và với doanh nghiệp nói riêng là phạm trù rộng và có tính quyết định. Chính sách, cơ chế đúng đắn, phù hợp quy luật phát triển có thể phát huy tiềm năng, lợi thế, qua đó tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế, xã hội. Ngược lại, chính sách không phù hợp với quy luật và dòng chảy của thời đại có thể kìm hãm, thậm chí đẩy lùi sự phát triển, làm cho quốc gia tụt hậu so với khu vực và thế giới. Quy định về lương tối thiểu là chính sách quan trọng nhưng cần được đưa ra vào thời điểm phù hợp, để vừa bảo đảm đời sống người lao động, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
 

Hoa Lê