Nền kinh tế đang đối mặt với những thách thức nào?

Tự Cường 06/05/2013 10:48

Tại hội thảo bàn về những thách thức của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2013 do Viện Kinh tế Tài chính tổ chức mới đây, các chuyên gia tiếp tục chỉ ra những thách thức lớn mà nền kinh tế đang phải đối mặt, trong đó nhấn mạnh sự suy giảm niềm tin vào nền kinh tế của người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Bên cạnh những tín hiệu tích cực như lạm phát giảm, xuất khẩu và thu hút FDI khả quan, nền kinh tế 4 tháng đầu năm 2013 vẫn chưa giải quyết được những khó khăn đã tích tụ từ trước, nội lực kinh tế chưa được phục hồi, công cuộc tái thiết hãy còn dở dang đang gây áp lực cho sự phát triển của cả năm 2013. Nhìn vào dữ liệu tăng trưởng và lạm phát 20 năm trở lại đây có thể thấy, các yếu tố tăng trưởng của nền kinh tế đang có xu hưởng giảm dần do năng lực sản xuất bị giới hạn bởi năng suất lao động thấp, công nghệ lạc hậu cũng như việc phân bổ nguồn lực chưa hợp lý.

Chỉ số giá tiêu dùng 4 tháng đầu năm 2013 chỉ tăng 6,61% so với cùng kỳ cho thấy trước mắt, chúng ta đang thành công trong mục tiêu kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, lạm phát vẫn có nguy cơ tăng trở lại. Theo ông Long, năng suất, hiệu quả của nền kinh tế và của doanh nghiệp còn thấp, “sức đề kháng” của nền kinh tế trước những cú sốc bên ngoài và thiên tai dịch bệnh chưa cao, lộ trình tăng giá một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như xăng, điện, dịch vụ công tiếp tục được triển khai… nhiều khả năng sẽ đẩy lạm phát tăng cao hơn mức từ 6- 8% như mục tiêu QH, Chính phủ đề ra.

Lạm phát thấp thời gian vừa qua có một phần nguyên nhân bởi tổng cầu trong nước hiện đang rất yếu. Theo Bộ Công thương, tính đến hết quý I/2013, một số mặt hàng có lượng tồn kho lớn như nhựa và xi măng (40%), chỉ số tồn kho của sắt, thép, gang tăng 40,6%. Nhiều doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng khoảng 1/3, 1/2 công suất. Cùng với đó là tồn kho bất động sản vẫn chưa được giải quyết, mà theo ước tính, xấp xỉ 1 tỷ USD. Lãi suất cao, hàng tồn kho nhiều đang làm cho cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục gặp khó. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong quý I/2013 thấp hơn số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động và phá sản. Tỷ lệ thất nghiệp có chiều hướng gia tăng, ở khu vực thành thị là 3,4% và thiếu việc làm ở nông thôn là 4%.

Nợ xấu của các ngân hàng thương mại đang được ví như “cục máu đông” làm tắc nghẽn kênh huy động vốn của nền kinh tế, cản trở quá trình tái cấu trúc các ngân hàng thương mại. Nợ xấu được cho là hệ quả tất yếu của quá trình tăng trưởng tín dụng quá "nóng", cộng với cơn sốt cho vay đầu tư vào bất động sản, chứng khoán một cách dễ dãi những năm trước. Nhiều chuyên gia hết sức băn khoăn về sự minh bạch nợ xấu của các ngân hàng. Theo số liệu mới nhất mà NHNN công bố, tính đến hết tháng 2/2013, tỷ lệ nợ xấu còn khoảng 6%. Theo bà Vũ Thị Phương Nga, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, việc giải quyết nợ xấu với bối cảnh kinh tế Việt Nam sẽ phải kéo dài, làm giảm sút cung tín dụng, gây ra các hệ lụy như đẩy doanh nghiệp vào tình trạng khó khăn hơn, nợ xấu tiếp tục tăng cao và hệ thống ngân hàng tiếp tục bất ổn.

Một trong những thách thức lớn nữa của nền kinh tế là áp lực thu NSNN ngày càng khó khăn. Thu NSNN trong quý I/2013 chỉ đạt 20,6% dự toán năm, trong khi thông thường các năm đạt từ 25-27%. Theo Ts Vũ Đình Ánh, thực hiện dự toán thu NSNN trong năm 2013 rất khó khăn do tác động của kinh tế trì trệ. Đến lượt mình, thu NSNN khó khăn có thể làm gia tăng quy mô thâm hụt NSNN, tăng nợ công, tạo nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô, đồng thời, hạn chế khả năng tăng chi NSNN để kích thích kinh tế, tăng đầu tư công và xử lý nợ xấu cũng như miễn giảm thuế để hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Chính sách quản lý giá và phí tác động tới lạm phát nhưng không hỗ trợ nhiều cho tăng thu NSNN vì sức tiêu thụ bị hạn chế.

Ngoài ra, những khó khăn của nền kinh tế trong và ngoài nước cũng đang đè nặng lên ngành nông nghiệp và dịch vụ, du lịch. Theo Chuyên gia Nguyễn Minh Phong, giá lương thực thực phẩm xuất khẩu giảm mạnh trọng năm 2012 và những tháng đầu năm trong khi chi phí đầu vào gia tăng đang làm cho nông dân thêm khốn khó. Hơn nữa, thiên tai, dịch bệnh đang làm tăng rủi ro trong sản xuất nông nghiệp của người nông dân. Đối với ngành công nghiệp không khói, lượng khách du lịch sụt giảm khá mạnh tới 6,2% so với cùng kỳ năm trước là dấu hiệu cho thấy áp lực tiết giảm chi tiêu của người dân các nước đang ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch của Việt Nam.

Đặc biệt, nhiều chuyên gia nhấn mạnh đến sự sụt giảm niềm tin của người dân, của doanh nghiệp và của nhà đầu tư vào nền kinh tế. Chính sự sụt giảm niềm tin đã khiến người dân tiết kiệm, hạn chế chi tiêu kéo theo tổng cầu giảm trong khi nhà đầu tư thận trọng và hạn chế trong việc đưa vốn vào nền kinh tế. Ông Ngô Trí Long cho rằng, với thị trường bất động sản, khủng hoảng niềm tin còn đáng sợ hơn nhiều so với những khó khăn khác mà các doanh nghiệp này đang phải đối mặt. Để lấy lại niềm tin vào thị trường này, để người mua quay lại thị trường đòi hỏi không chỉ nỗ lực của các doanh nghiệp địa ốc mà cả sự can thiệp của Chính phủ trong việc tạo dựng niềm tin chung cho nền kinh tế.

Để giải quyết các thách thức này, các chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần tiếp tục mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời đẩy mạnh công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế, thực hiện các biện pháp đủ mạnh để có thể thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nền kinh tế; khơi thông dòng tiền lưu thông trong sản xuất và tiêu dùng. Chuyên gia Ngô Trí Long đề xuất, cần tập trung vào chính sách trọng cung, trong đó giảm thuế phí để cho các doanh nghiệp phát triển, cải thiện thị trường để cung gặp cầu, chính sách tiền tệ uyển chuyển, không quá lỏng hoặc quá chặt. Ngoài ra, ông Long cũng đề xuất cần cải thiện năng suất và hiệu quả của nền kinh tế thông qua đổi mới mô hình tăng trưởng. Từ việc nâng cao năng suất của doanh nghiệp và của nền kinh tế sẽ gia tăng năng lực cạnh trạnh của doanh nghiệp và của quốc gia, góp phần vào sự tăng trưởng bền vững.

Ngoài ra, theo chuyên gia Nguyễn Minh Phong, bên cạnh việc doanh nghiệp phải tự đổi mới để nâng cao năng lực quản trị, chất lượng sản phẩm thì Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ chuyển giao công nghệ, xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu, giảm các gánh nặng thuế, phí, chi phí vốn và chi phí hành chính cho doanh nghiệp. Đồng thời, cần có giải pháp mạnh hơn đối với các nút thắt của nền kinh tế, nhất là với thị trường bất động sản và tái cơ cấu ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước và đầu tư công. Nhà nước cần có vai trò điều tiết mở rộng để khơi thông thị trường đầu ra cho nền kinh tế, nhất là nông nghiệp. Theo TSKH Nguyễn Thị Hiền, cần tập trung nguồn lực để tái cơ cấu những khâu then chốt, trong đó ưu tiên hàng đầu là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng gắn với giải quyết nợ xấu nhằm bảo đảm nguồn tín dụng cho nền kinh tế; cần tiếp tục củng cố trụ cột nông nghiệp trong điều kiện kinh tế khó khăn để ngành kinh tế quan trọng này “đi trước một bước” trong nỗ lực thoát khỏi nền kinh tế; cần kiên trì định hướng thị trường, giảm dần các can thiệp hành chính đối với thị trường.

Tự Cường