Chuyện cô Út Trẹm
Truyện ngắn của Nguyễn Quốc Trung

27/04/2013 09:23

Đâu giữa tháng chạp năm kia, anh Cang dẫn về nhà người phụ nữ chừng ngoài ba mươi tuổi, dáng thon, cái cần cổ trắng nổi lên trên màu áo bà ba đen nháng, má sưng bầm, quầng mắt sâu, thỉnh thoảng giật mình hoảng sợ. Tên cô là Út Trẹm, tôi đưa cô ấy về đây là để tránh đòn chồng. Anh thì thầm với tôi vậy. Anh hàng xóm là chủ tịch tổng công ty kinh doanh hàng điện máy thường nói chuyện đủ mình tôi nghe. Anh ghét người nói to khi không cần thiết. Tôi tưởng anh nói giỡn. Nhưng Út Trẹm đã nói:

- Anh Sáu đã bỏ ra năm mươi triệu để đền cho chồng cũ mới đưa tôi ra khỏi động ông chằng ấy đó.

Anh Cang gắt nhẹ:

- Nhắc làm gì chuyện tiền nong, em.

Út Trẹm ném cho anh hàng xóm của tôi cái nguýt tình tứ rồi lôi quần áo từ trong va li, túi xách ra gấp xếp lại, lấy thực phẩm từ những cái cần xế đưa vào bếp. Rồi cô lau chùi cái bếp ga hiện đại nhưng ít khi dùng tới, cứ như đã quen thuộc ngôi biệt thự liền kề này lắm. Thỉnh thoảng cô hỏi anh Cang gia vị chế biến thức ăn để ở chỗ nào, nhưng khi lôi ra thì đã quá hạn sử dụng. Anh Cang cúi đầu, gạt nước mắt, những thứ ấy vợ anh mua, vậy mà đã hơn ba năm rồi bếp này tắt lửa. Anh xếp những gói, những chiếc chai lọ ấy vào một cái giỏ cất vào chạn, rồi bấm điện thoại, một hồi sau, nhân viên siêu thị lớn ở gần đây nhanh chóng mang các thứ vào tận cửa. Một hồi sau, đã nghe tiếng lửa reo, mùi thức ăn chín thơm dậy căn hộ bấy lâu lạnh lẽo như phòng khách sạn. Thì đã bảo sự sống của gia đình phải do người phụ nữ tạo ra mà.

Chuyện cô Út Trẹm<br><i>Truyện ngắn của Nguyễn Quốc Trung</i> ảnh 1
Minh họa của Kim Duẩn

 Ông hàng xóm của tôi đang cám cảnh đơn chiếc, vợ anh bị tai nạn giao thông trong khi đi thể dục buổi sáng chết vừa mới đoạn tang. Khuôn viên nhà rộng, có đường đi vòng quanh, nhưng hôm đó chị lại ra đường lớn đi bộ, đang đi trên vỉa hè, đường vắng tới độ nghe rõ gió đẩy lá khô trên nền nhựa, một chiếc tắc xi chồm lên khiến chị tử nạn tại chỗ. Tai nạn ngẫu nhiên vậy mà tưởng như một vụ ám sát. Hai đứa con được anh cho sang Úc học từ lúc bước sang trung học phổ thông. Có gì khủng khiếp hơn đàn ông đứng tuổi phải sống đơn thân. Thực ra, anh dư sức để tục huyền, khi chúng tôi ngồi ở quán cà phê hay nhà hàng rất nhiều cặp mắt phụ nữ hướng về anh. Nhưng anh cho biết, nỗi đau mất người vợ chưa nguôi đã cho anh điểm tựa làm nên cuộc sống hôm nay, anh không thể gặp người khác được. Tôi đọc được nỗi cô đơn khủng khiếp trên gương mặt vốn rất sắc lạnh của anh. Để giải khuây, ngày nghỉ cuối tuần, anh thường đi thăm thú miệt vườn, sở thích đến nghiền của anh là nghe đờn ca tài tử. Anh kết thân như bà con với mấy nhà là chủ câu lạc bộ đờn ca ở miệt vườn, có lúc anh tới đó ở cả tuần. Vọng cổ là phải nghe bản sơ khởi, ca từ nguyên thủy, chớ còn đã lai căng là mất hứng. Anh bảo vậy.

Khoảng một giờ sau, Út Trẹm tới bên anh Cang:

- Em đã dọn đồ ăn, anh mời khách đi.

Một mâm cơm với những thức ăn đồng bằng, cá rô mề chiên, cá lóc kho tộ, và những tấm bánh đa, ngó thật bắt mắt. Cô Út không ngồi cùng mà đứng sau lưng anh Cang tiếp đồ ăn cho chúng tôi, quen thuộc như là vợ anh từ lâu.

@

Tối hôm ấy, anh Cang dẫn Út Trẹm sang gọi chuông nhà tôi. Chị trao cho tôi một túi. Nghe anh Sáu Cang biểu anh thích dùng tôm khô. Chị có giọng nói ngọt, đôi mắt đen lúc nào cũng như cười. Người cười mắt như vậy là rất hiếm. Tôi mời hai người vào phòng khách nhưng Út Trẹm đã đi thẳng vào bếp, nhìn quanh một lát rồi chị xắn tay áo lau chùi, xếp lại đồ đạc, bát đũa trên các giá.

Trong lúc đó, vẫn bằng giọng thì thầm, anh Cang cho tôi biết, Út Trẹm sinh ra ở một ấp nhỏ bên sông Trẹm, chắc ba má cô lấy tên sông đặt cho con gái để có kỷ niệm gì đó chăng, xứ ấy con người sống dân dã, hồn nhiên hơn nơi khác. Nhà không có ruộng đất nên ba má phải đi làm mướn, đang học lớp chín, Út Trẹm phải bỏ ngang để làm mướn, ai thuê gì làm nấy, vào mùa thì đi cấy, sạ, gặt, lúc nông nhàn hái dừa, cắt cỏ. Một hôm, tới sạ lúa cho một gia đình chỉ có ông bà già và cậu con trai vào tuổi bẻ gãy sừng trâu nhưng chẳng biết làm gì ngoài chuyện ôm gà đến các sới chọi. Thấy Út Trẹm ngoan hiền, sạ lúa nhanh mà khéo, về nhà là vào bếp phụ giúp nấu nướng với chủ nhà, bà già nói với má cô:

- Cho con Út này làm dâu nhà tui đi.

Má cô cười:

- Nó được làm dâu nhà chị thì phước đức nhà tui lớn lắm.

Hai người đàn bà qua lại với nhau những lời nói nửa đùa nửa thật, còn Út Trẹm chỉ cười mắt. Trong lúc đó, cậu con trai đang chăm con gà chọi. Tối hôm đó, bên mâm cơm má cô hỏi:

- Ông bà Chín muốn mày làm dâu, mày ưng không?

Út Trẹm cười rồi nói:

- Ba má ưng thì con ưng.

Một tuần sau, chiếc ghe đầu rồng đậu bến gần nhà, ông bà Chín mang lễ tới, Út Trẹm cứ núp trong bếp ngó ra thấy ông Chín đóng đồ lụa hoa cà, đầu vấn khăn xếp, bà Chín mặc áo dài màu lam, theo sau là mấy cô gái bưng những cái mâm lớn đựng bánh trái, đồ lễ dạm ngõ. Đi cuối cùng là cậu Hai, đóng com lê nhưng đầu hớt theo lối thằng Bờm, vào tới sân, cậu như dán mắt vào con gà trống đang rượt gà mái quanh đụn rơm bên góc vườn. Con trống kia có bộ cựa, cái mỏ chọi tốt đó, nhưng đã đụng gà mái rồi, coi như đồ bỏ. Cậu nói trống không. Dân sới gà có khác.

Thấy ngôi nhà lá sui gia tương lai xập xệ, cột gỗ mục mọt, mái lợp lá dừa nước thủng từng mảng, cha chú rể trao cho năm chục triệu để xây ngôi nhà mới. Bà con xóm ấp trầm trồ, Út Trẹm vậy mà tốt số, lấy được người chồng hiếu thảo.

Sau đám cưới rình rang, Út Trẹm về nhà chồng, tưởng đâu cuộc đời sang trang, nhưng ngay trước giờ hợp cẩn, thằng chồng đã lao vào đánh vợ. Út Trẹm không hiểu sao mình bị đánh. Hóa ra đó là trận đòn phủ đầu để cậu lột hết nữ trang trên người cô, trả cho cai đầu dài ở sới gà, tuần trước cậu thua liền mấy keo. Gia đình chồng cũng nghèo lắm, ngày ba bữa cơm nhưng thức ăn chỉ có mắm khô quẹt. Mấy tháng sau ba chồng qua đời đột ngột, kế đó má chồng tạ thế, gia cảnh sa sút đến độ phải cắt mấy công ruộng bán rồi sa vào cảnh làm mướn. Anh chồng luôn thường trực ở trường gà, nợ dồn đội lên đến độ phải bán luôn mấy sào đất còn lại để trả vẫn chưa hết. Hễ thua gà là hắn trút giận hờn lên vợ. Vì mầy mà tao làm ăn thua lỗ vậy. Mầy nên nhớ, ba má mầy còn nợ tao năm chục triệu đó.

Nhà ấy ở cạnh gia đình anh Cang tới ở để đêm đêm thưởng thức tiếng nhạc, tiếng hát của nghệ sỹ làng ấp. Ngày nào anh cũng nghe tiếng người chồng chửi mắng vợ thậm tệ, kèm theo là tiếng gậy quất, đấm đá, nhưng tuyệt nhiên không thấy người phụ nữ phản ứng. Ông chủ nhà cho hay, ở xứ này, chồng dạy vợ bằng tay, bằng gậy gộc là chuyện đương nhiên, chớ có dại mà can. Nghe vậy, nhưng anh Cang vẫn day dứt, anh là trí thức, là người thường phản ứng quyết liệt trước hành động ngang trái, anh không thể làm ngơ trước sự bạo hành này được. Nhưng bước sang nhà người ta để can thiệp chuyện riêng, cũng ngại lắm.

Tối hôm ấy, dân làng tới xem đờn ca rất đông, ngồi chật ba gian nhà rộng. Có thêm một nữ nghệ sỹ cải lương nổi tiếng một thời hết duyên ở thành phố dạt về vườn biểu diễn nên bà con các làng lân cận đến thưởng thức, thuyền ba lá đậu kín bến. Giữa lúc nữ ca sỹ đang ca bản Dạ cổ hoài lang, thì có tiếng chửi từ ngoài ngõ rồi một người đàn ông nhào tới đánh, đấm một người đàn bà đang ngồi ở rìa sân. Người đàn bà cúi đầu chịu đựng những cú đá, những cái tát trời giáng của thằng đàn ông vũ phu. Anh Cang vội chạy tới ngăn, thằng người ấy phả hơi men vào mặt anh:

Minh họa của Kim Duẩn
Minh họa của Kim Duẩn

- Mầy có quyền gì mà xía vô chuyện gia đình tao?

- Anh đánh người, bất cứ ai là phạm pháp.

Mặt người đàn ông bầm tím:

- Mày can tao đánh con đàn bà này, tao đập bể mặt mày cho coi.

Vốn xuất thân là dân từng hoạt động trong hội Sơn Lâm mãi võ, thế võ của anh cao cường, cạnh bàn tay cứng đủ chặt vỡ cả chồng gạch, anh Cang đâu có ngán cái gã đang say mèm này. Nhưng anh vẫn từ tốn:

- Anh đánh người coi chừng ăn cơm tù đấy.

- Tao phải đánh chừng nào con này sặc ra năm chục triệu mới cho nó ra khỏi nhà tao.

Hắn nói và lừ mắt ngó anh Cang một chặp rồi cầm tay người đàn bà đang ôm mặt vì đau đớn lôi về.

Sáng hôm sau, anh Cang đến nhà đôi vợ chồng đã ly hôn ấy, ngôi nhà lá cất bên con rạch nhỏ, anh chồng vừa thức dậy, mắt chớp dính vì còn muốn ngủ nướng, khuôn mặt biếng bợm của kẻ vô công rồi nghề, đang ngồi bên ly cà phê đá. Chị vợ đang lúi húi nấu nướng trong cái chái bếp ra chào khách rồi quay vào ngay. Lát sau bưng cái mâm đồng có hai tô hủ tiếu bốc khói ra đặt lên bàn rồi nói nhỏ nhẹ với chồng:

- Mình mời anh Hai dùng bữa sáng luôn cho vui.

Nhìn khuôn mặt người đàn bà có vết đánh từ lâu tím bầm, vết mới đánh sưng tấy, cổ họng anh Cang nghèn nghẹn. Mà tại sao chị này lại hầu anh ta tử tế vậy? Thỉnh thoảng, chị giật nẩy mình, sợ hãi. Sau này, Cang mới vỡ lẽ, ở xứ này, đàn bà bị chồng bạo hành thường xuyên. Và, cái số của tui vậy, đành phải chịu, anh Hai à.

Đến khuya, khi anh Cang vừa đặt lưng trên võng, đã nghe tiếng người đàn ông lè nhè chửi rủa, tiếng đấm đá của người chồng. Anh nhào sang:

- Anh làm vậy, giết chị luôn sao?

- Tao đã bỏ ra năm chục triệu làm nhà cho ba nó. Nếu đứa nào bù cho tao số tiền đó, tao cho con nhỏ này luôn.

Chiều hôm ấy, anh Cang lên ủy ban xã phản ánh tình trạng cặp vợ chồng này. Chủ tịch xã cho anh hay, mọi việc chính quyền đã biết, từng triệu tập người chồng lên cảnh cáo, thực ra hai người đã ly hôn, nhưng ngặt nỗi, Út Trẹm còn nợ anh ta năm mươi triệu. Anh có thể giúp Út Trẹm thoát cảnh ấy được không, nếu trên thành phố có việc làm cho chị ấy thoát ly khỏi bi kịch, thì hay quá. Trước tiên phải trả cho người chồng năm chục triệu ấy.

Tổng công ty của anh Cang doanh thu luôn phát triển cho dù cuộc khủng hoảng kinh tế đã vùi dập hàng chục ngàn công ty, xí nghiệp ở thành phố này đến phá sản.

Hôm sau, anh Cang gặp người chồng trao cho gói tiền mệnh giá năm trăm ngàn đồng. Xem ra cũng là tay quen đếm tiền, xài tiền lớn, nên hắn lật xấp tiền nhanh như máy, rồi lỉa ra bốn tờ:

- Dư hai triệu.

- Tôi cho ông uống rượu.

- Không, tao chỉ lấy đủ số tiền trước kia ba má tao đưa cho ba nó, không tính lãi. Cho mầy hay, dân chọi gà tụi này chịu chơi và luôn chơi đẹp.

Hắn nói và thảy vào tay Cang bốn tờ giấy năm trăm ngàn rồi nói:

- Mầy đưa con đờn bà này đi giùm cho rảnh mắt tao.

@

Bà con trong khu phố khen anh Cang hết lời. Thời này có người bỏ ra năm mươi triệu để cứu một phụ nữ khỏi nạn bạo hành, lại còn rước về nuôi nấng, cưng chiều vậy thiệt là hiếm. Người giàu lòng trắc ẩn mừng cho cô Út Trẹm được sự cưu mang của một đại gia hào hiệp. Mấy cô gái muộn chồng trong khu phố phát ghen, nhạo anh Cang, thiếu gì người mà đi rước con đàn bà nhà quê, bị chồng thải ra về hầu. Rồi họ đặt cho Út Trẹm biệt danh Út Lúa. Hàm ý là dân ruộng, quê mùa, tương tự như Hai Lúa. Họ còn bảo, Út Lúa là cháu nội Tư Ếch, cháu ngoại Năm Lươn.

Lời dèm pha đối với anh Cang là vô nghĩa. Anh là người thấy việc cần làm là làm, giúp ai được là giúp. Vậy mà từ khi vợ tử nạn, anh lâm vào cảnh sống tạm bợ, sáng sớm anh dậy chạy vòng quanh biệt thự, nhảy xuống hồ bơi một hồi để luyện thân thể, rồi lên xe đi làm, dọc đường ghé quán cơm tấm hay hàng phở ăn qua quýt, trưa ăn cơm văn phòng, chiều nào không tiếp khách là anh ghé quán bên kênh Nhiêu Lộc ăn cơm bụi. Đại gia mà ăn uống vậy, để tiền làm gì? Có lần tôi hỏi vui vậy, anh cười: “Cái thời thích ăn ngon qua rồi, mình muốn bảo trọng thân thể nên ăn uống đạm bạc”. Vậy mà vóc dáng anh vẫn cường tráng trong com lê cổ cồn, nghe đâu nhiều cô gái trong tổng công ty từ lâu đã tìm cách xáp gần anh nhưng không thể kiếm nổi cái gật đầu, cái nụ cười trên khuôn mặt lạnh băng của anh. Làm ngơ trước các cô gái thành phố, xinh đẹp, học thức cao, nghề nghiệp ổn định để rước người đàn bà từ ấp làng hẻo lánh ở đồng bằng xa xôi về? Đúng là cù lần. Họ đâu biết rằng, người phụ nữ miệt vườn đã làm cho cuộc đời anh Cang thay đổi, sáng sớm khi anh thể dục xong đã có bữa điểm tâm khi là phở, khi là hủ tiếu, chiều anh về đã có mâm cơm với những món ăn đồng quê, hợp khẩu vị bày sẵn.

Mà người đàn bà mà các cô gái đặt cho biệt hiệu Út Lúa cũng đã nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống khu phố biệt thự cao cấp này, chị đi siêu thị, đi làm đẹp, quen thuộc như chính người sống ở thành phố đô hội này đã chục năm. Chị cũng đã hết những cơn giật mình hoảng sợ, khuôn mặt tươi rói, đôi má mịn màng căng lên, đã xóa hết những vết bầm hậu quả bạo hành của người chồng cũ. Tôi thực sự mừng, đúng là người có lúc, sông có khúc.

Công việc của anh Cang rất bận, sáng sớm anh tới cơ quan, sâm sẩm tối mới về. Cứ độ một quý, anh lại đi công tác ở nước ngoài, mỗi đợt khoảng một tháng. Út Trẹm ở nhà một mình trong ngôi biệt thự sang trọng nhưng lạnh lẽo vì thiếu hơi người ấy. Bạn bè đều mong, hai người sẽ làm lễ thành hôn để ngôi biệt thự ấy có tiếng trẻ.

@

Nhưng sự đời không bao giờ như ta tưởng. Những lúc anh Cang đi làm hay ra nước ngoài công tác, Út Trẹm thường ra quán cà phê cao cấp đầu khu phố, thời gian đầu cô chỉ uống sinh tố trái cây điểm một ít cà phê, lâu dần thành nghiền cà phê đặc, sáng nào không ra quán là không thể chịu nổi.

Một hôm, sau chuyến đi Hàn Quốc nửa tháng về, anh Cang sang nhà tôi:

- Cô Út Trẹm sắp lấy chồng.

- Thì anh chị làm lễ cưới là phải lắm.

- Không phải lấy tôi?

- Vậy…

- Lấy thằng người Canada thuê nhà anh dạo trước. Cô ấy đã dọn sang ở với người đó rồi.

Tôi bàng hoàng, me xừ ấy tên đầy đủ là Frank Owen Moore, gọi nôm na là Mua, làm nhân viên tiếp thị tại Sài Gòn cho một hãng sản xuất thuốc chữa bệnh ở Canada đã ngót chục năm, da bạch tạng, tiếng Việt rất sõi, ở nhà mướn của tôi hai năm, đột ngột xin cắt hợp đồng. Nghe đâu hãng dược ấy thua lỗ đến độ phá sản, dĩ nhiên đại diện ở Việt Nam cũng phải dẹp tiệm, hiện hắn đang sống cảnh lay lắt với tiền trợ cấp thất nghiệp.

- Anh đối xử với cô ấy như vậy, nỡ nào cô ấy bỏ chạy theo thằng đó.

- Cô Út bảo muốn lấy người ngoại quốc để được sang nước ngoài sinh sống. Thôi thì mình tôn trọng quyết định của cô ta.

Tôi im lặng một hồi, thời này có nhiều việc nghe rất khó tin, nhưng là sự thực. Tôi cảm thấy uất thay anh nên nói thẳng tuột:

- Anh cũng chẳng tiếc gì cái mụ đàn bà Út Lúa ấy. Chẳng trách chồng trước đập cho bể mặt.

Anh Cang vẫn điềm tĩnh:

- Thôi thì, cô ấy lựa ai mặc cô ấy. Tôi chỉ mong cuộc đời cô ấy hạnh phúc, đừng như trước đây.

@

Chiều thứ bảy tuần ấy, tôi đang ngồi một mình trong quán cà phê ở Tân Sơn Nhất, thật bất ngờ gặp Út Trẹm khoác tay thằng Mua đi vào. Út Trẹm mặc quần jean, áo phông rộng, khoe vòm ngực mây mẩy đội lên rồi. Nhác thấy tôi, cả hai đều giật mình. Họ nhanh chóng đến cái bàn ở góc quán. Một lát, Út Trẹm đến gần tôi rụt rè giới thiệu:

- Anh ấy là chồng sắp cưới của tôi.

Mua lúng túng đưa hai tay lên cao tay chào tôi. Út Trẹm tiếp lời:

- Anh Cang đã cứu tôi ra khỏi cảnh đánh đập của thằng chồng cũ, tôi không bao giờ dám quên ơn. Nhưng sống với anh, lúc nào anh cũng lạnh lùng, rất ít khi trò chuyện với tôi, đã vậy, anh thường đi công tác đâu đó cả tháng mới về, tôi không thể chịu thấu khi sống một mình trong ngôi nhà to ấy. May sao, tôi gặp anh Mua này, khi tôi vào bếp nấu nướng, anh ấy phụ giúp tôi, lại biết nói chuyện rất vui. Nói thiệt, anh đừng buồn, đàn ông Việt Nam các anh chán lắm.

Tôi đứng như trời trồng để nghe Út Trẹm phán quyết. Một hồi sau, chị chàng nói:

- Chuyện vợ chồng phải có số, phải có duyên từ kiếp trước. Tôi đã bàn với ông xã này sau đám cưới sẽ lấy tiền mừng để thanh toán lại cho anh Cang năm mươi triệu. Nhưng anh Cang bảo biếu tôi luôn.

Nói xong, Út Trẹm đến với người yêu đang chờ chị ở cái bàn góc quán. Người đàn ông mắt xanh lấy thêm đường cho vào ly cà phê rồi bưng ghé tận môi cho Út Trẹm thử. Út Trẹm nhăn mặt, lắc đầu, anh ta lại lấy thêm đường cho vào ly. Một lát sau, anh ta dợm bước đến chỗ tôi:

- Sống ở Việt Nam gần chục năm, bây giờ tôi mới được sống thử với gái miền Tây. Đúng là trên cả tuyệt vời.

Mặt tôi đông cứng lại, nhưng không biết phản ứng thế nào. Mua liếc nhanh Út Trẹm rồi nói với tôi:

-  Cả năm nay tôi sống bằng trợ cấp thất nghiệp, ở phòng trọ tạm bợ, giờ lại phải nuôi thêm người đàn bà miền Tây này, thật tốn kém. Còn khoản nợ ba tháng tiền nhà của anh, chừng nào có việc làm, tôi sẽ trả. Tôi khẩn khoản xin anh đừng cho cô ấy biết, nhục cho tôi lắm.