Chuẩn mực đạo lý song hành với chuẩn mực pháp lý

Nhật Linh 17/04/2013 08:36

Những khía cạnh tiêu cực của văn hóa ứng xử đang làm phiền lòng nhiều người, thậm chí ảnh hưởng đến hình ảnh của Hà Nội - thành phố ngàn năm tuổi. Để giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả, trước hết cần xác định thái độ đúng với những nguyên tắc ứng xử không phù hợp với thuần phong mỹ tục và các quy định của xã hội; chuẩn mực đạo lý luôn song hành với chuẩn mực pháp lý để điều chỉnh hành vi của con người.

 Chuẩn mực đạo lý song hành với chuẩn mực pháp lý ảnh 1
Nguồn: ITN

Có thể nói, chưa thời điểm nào mà vấn đề văn hóa ứng xử ở Hà Nội và của người Hà Nội lại được đặt ra cấp thiết như hiện nay. Những phân tích về sự xuống cấp của văn hóa ứng xử trong cộng đồng, những hiện tượng tiêu cực trong văn hóa ứng xử đã ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của một thành phố có bề dày văn hóa, lịch sử, đang hội nhập mạnh mẽ. Vì vậy, nhiệm vụ bảo tồn và phát huy văn hóa người Hà Nội thanh lịch không chỉ của một cá nhân, tổ chức mà cần được chuẩn hóa, tuyên truyền và thấm nhuần vào mọi hoạt động của người dân, tổ chức, cơ quan công quyền để hình thành nét văn hóa ứng xử xứng tầm của một thành phố - thủ đô ngàn năm tuổi. Nhận thức được điều này, Sở VH, TT và DL Hà Nội đang nghiên cứu lập đề án Xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, nơi công cộng thành phố Hà Nội. Theo đó, phạm vi khách thể nghiên cứu gồm: cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp thương mại và dịch vụ, khu dân cư và khu vực công cộng. Đề án sẽ tập trung phát triển hệ thống quy tắc ứng xử, sử dụng các lý thuyết và nội dung căn bản của các vấn đề văn hóa, hành vi ứng xử, đạo đức, trách nhiệm xã hội trong từng ngành và lĩnh vực hoạt động của khách thể nghiên cứu.

Ứng xử từ chỗ là hành vi của cá nhân nhưng đã để lại hậu quả xã hội, nên trước hết cần thể chế hóa, quy định các ứng xử, vì suy cho cùng khi mỗi cá nhân thể hiện thái độ ứng xử là đã thực hiện giao tiếp xã hội. Những quy định cụ thể, đơn giản, dễ thực hiện nhưng lại cơ bản, thiết thực, vừa đảm bảo được quyền của mỗi công dân nhưng cũng làm rõ được nghĩa vụ của mỗi cá nhân trước cộng đồng, xã hội. Ứng xử như một hành vi văn hóa, thể hiện quan niệm sống gắn với những giá trị văn hóa trong quá trình vận động của đời sống. Giám đốc Sở VH, TT và DL Hà Nội Phạm Quang Long khẳng định: “Xây dựng các nguyên tắc ứng xử không có nghĩa là chúng ta bắt đầu từ con số 0, xây dựng mới toàn bộ, mà đúc kết từ những nguyên tắc mang tính truyền thống kết hợp với việc điều chỉnh, bổ sung, xây mới phù hợp với nhu cầu của đời sống. Đây là cách làm hợp lý, mang tính thực tiễn chứ không phải chỉ là những nguyên lý xơ cứng, giáo điều, xa đời sống”.

Chuẩn mực đạo lý song hành với chuẩn mực pháp lý ảnh 2
Nguồn: flickr.com

Theo nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ, Gs, Ts Nguyễn Minh Thuyết, từ xưa tới nay, hành vi ứng xử của mỗi cá nhân với cộng đồng thường được điều chỉnh bằng hai loại chuẩn mực là chuẩn mực đạo lý và chuẩn mực pháp lý. Trong xã hội hiện đại, ngoài chức năng điều chỉnh hành vi của con người trong quan hệ với cộng đồng, các chuẩn mực đạo lý và pháp lý còn điều chỉnh hành vi của họ trong quan hệ với môi trường sống. Chuẩn mực pháp lý được thể hiện bằng các văn bản quy phạm pháp luật do thực thể có thẩm quyền ban hành, bắt buộc mọi người phải tuân theo và có chế tài xử lý các vi phạm với mức cao nhất là cách ly hoặc loại trừ vĩnh viễn cá nhân vi phạm ra khỏi đời sống cộng đồng. Chuẩn mực đạo lý là những quy ước thành văn hoặc không thành văn, có phạm vi điều chỉnh rộng hơn chuẩn mực pháp lý, mức độ bắt buộc không cao, chế tài không nặng nhưng vi phạm chuẩn mực đạo lý có khi bị cộng đồng lên án mạnh hơn cả một số vi phạm chuẩn mực pháp lý.

Xét theo lịch sử, chuẩn mực đạo lý bất thành văn là cái có trước. Khi được văn bản hóa, chuẩn mực đạo lý phần nào mang tính pháp lý. Qua diễn tiến lịch sử, nhiều chuẩn mực đạo lý như nghĩa vụ của con cháu đối với ông bà, cha mẹ, của vợ chồng đối với nhau, quan hệ hôn nhân cận huyết... đã trở thành những quy phạm pháp luật, bắt mọi người phải tuân theo. Những văn bản thể hiện chuẩn mực đạo lý theo kiểu “điều lệ” như vậy đã xuất hiện từ xưa. Đó là các hương ước (còn gọi là hương biên, hương khoán, hương lệ, khoán ước, khoán lệ, điều ước, điều lệ, lệ làng...), tức là những quy ước về tổ chức và hoạt động của các tổ chức dân sự, các hoạt động xã hội (như hội hè đình đám, tế lễ, tuần phòng, khao vọng, giao hiếu) và hoạt động kinh tế trong làng xã. Đối với làng nghề thì hương ước chứa đựng nhiều chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Ví dụ, phường chạm bạc Đồng Xâm quy định người nào làm đồ giả để lừa người khác, gây sự bất tín thì bị phạt thật nặng hoặc đem đánh đòn trước nhà thờ tổ, thậm chí phải xóa tên trong phường...

Gs, Ts Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức là những chuẩn mực đạo lý luôn song hành với chuẩn mực pháp lý (pháp luật) để điều chỉnh hành vi của con người. Từ nhiều năm nay, thực hiện chủ trương của Đảng và quy định của Nhà nước, nhiều bộ, ngành, tổ chức, đơn vị, thôn xóm đã ban hành quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức của tổ chức hoặc địa phương mình. Những văn bản này là căn cứ để ban hành hoặc là tài liệu tham khảo bổ ích để xây dựng quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức của các ngành, các đơn vị và địa phương ở Hà Nội. PGs, Ts Phạm Quang Long hy vọng, “mỗi cá nhân chúng ta, dù chỉ là một ngọn lửa nhỏ, nhưng khi cháy lên nó sẽ góp sức cùng với những ngọn lửa khác, thắp sáng khát vọng vươn tới một quan niệm sống tích cực, một thái độ ứng xử đúng mực, cùng cả cộng đồng chung tay xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh, tạo tiền đề cho sự phát triển toàn diện của mỗi cá nhân”.

Nhật Linh