3 mũi tên của Nhật Bản

Ngọc Điệp
Theo The Diplomat
14/04/2013 09:15

Thành ngữ Nhật Bản có câu “3 mũi tên không thể bị bẻ gãy”. Chính phủ Nhật Bản hy vọng, với 3 mũi tên bao gồm chính sách tài chính, chính sách tiền tệ và chính sách tăng trưởng, Nhật Bản sẽ thoát khỏi giai đoạn tăng trưởng trì trệ kéo dài từ năm 1990.

Từ khi trở lại vị trí Thủ tướng hồi tháng 12 năm ngoái, ông Shinzo Abe đã bắt tay cụ thể hóa kế hoạch đầy tham vọng trên bằng cách bắn đi 2 mũi tên chính sách tiền tệ và chính sách tài chính. Tiếp nối các biện pháp nới lỏng tiền tệ trước đó, đầu tuần này, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tiếp tục khởi động chương trình mua trái phiếu Chính phủ có quy mô khổng lồ là 1.200 tỷ yen. Cùng với những biện pháp khác, Chính phủ Nhật dự định bơm thêm khoảng 70.000 tỷ yen vào thị trường mỗi năm. Đồng thời, BOJ cũng mở rộng đầu tư vào các tài sản rủi ro hơn, thông qua việc dành 30 tỷ yen vào các quỹ đầu tư bất động sản và 1.000 tỷ yen vào các quỹ đầu tư tập thể. Ngân hàng Nhật cũng sẽ tăng lượng mua giấy tờ có giá và trái phiếu doanh nghiệp lên các mức tương ứng là 2.200 tỷ yen và 3.200 tỷ yen. Mục tiêu của những biện pháp mạnh tay này là đạt mức lạm phát 2%/năm trong vòng 2 năm.

Chính sách tài chính không phải là điều gì mới mẻ ở Nhật. Mặc dù có thể thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn, song tác dụng phụ mà các gói kích thích kinh tế của Chính phủ đem lại chính là núi nợ công khổng lồ của Nhật Bản. Tuy nhiên, hiệu ứng tạm thời mà biện pháp này mang lại không chỉ giới hạn ở kinh tế. Khi bắt buộc phải ban hành những chính sách dễ bị phản đối như tăng thuế tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh cuộc bầu cử Thượng viện chuẩn bị diễn ra vào tháng 7 tới, việc ông Abe quyết định bơm một khoản tiền khổng lồ vào thời điểm này cũng là điều dễ hiểu.

Đây cũng không phải lần đầu tiên Chính phủ Nhật nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, chính sách này hầu như chưa bao giờ đạt được hiệu quả mong muốn là kích thích doanh nghiệp mở rộng đầu tư, trong bối cảnh thị trường nội địa luôn có xu hướng thu hẹp còn hàng hóa Nhật lại khó cạnh tranh với bên ngoài bởi giá cả cao. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay thực tế ở Nhật thực ra không thấp nếu tính đến ảnh hưởng của giảm phát. Có lẽ đó là lý do khiến BOJ có quyết định táo bạo là bơm thẳng tiền vào nền kinh tế. Số tiền BOJ cho các doanh nghiệp vay còn lớn hơn tổng số tiền các ngân hàng thương mại có thể cung ứng đến 50%.

Hai mũi tên đầu tiên do Chính phủ Nhật bắn đã có hiệu quả tức thời. Tính đến hết ngày 10.4, tức chỉ 2 ngày sau khi BOJ khởi động chương trình mua trái phiếu, chỉ số chứng khoán Nikkei của Nhật đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 11.2008. Tỷ giá giữa đồng yen với đồng USD cũng xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Mặc dù vậy, về lâu dài, Chính phủ Nhật sẽ phải đối mặt với những hậu quả phức tạp. Thứ nhất, việc BOJ dành tới 7.500 tỷ yen để mua trái phiếu hàng tháng, tương đương với khoảng 70% lượng trái phiếu trên thị trường, chắc chắn sẽ hướng dòng tiền đầu tư ra khỏi Nhật Bản. Để tránh những lời chỉ trích về việc trực tiếp can thiệp vào thị trường tài chính, Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda đã tỏ ý sẽ không mua thêm trái phiếu nước ngoài. Tuy nhiên, dù trực tiếp hay gián tiếp thì sự thật là bước đi của Chính phủ Nhật có khả năng tạo ra xu thế phá giá đồng nội tệ tương tự ở các quốc gia láng giềng. Thứ hai, bong bóng tài sản xuất hiện là điều không thể tránh khỏi. Thứ ba, liệu lạm phát (hay nỗi lo lạm phát) có đủ để kích thích tiêu dùng và đầu tư? Thực tế, theo số liệu năm 2012, các hộ gia đình Nhật có mức tiết kiệm vào loại thấp nhất trong số các thành viên của Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế. Trong khi đó, số vốn nhàn rỗi lớn của các doanh nghiệp lại khó tìm được lĩnh vực đầu tư hiệu quả. Thứ tư, việc mua trái phiếu với số lượng lớn trong thời gian ngắn chắc chắn khiến tính thanh khoản bị giảm sút. Về lâu dài, BOJ có khả năng buộc phải bơm tiền liên tục hoặc trường hợp xấu nhất là tuyên bố vỡ nợ.

Động thái của Tokyo khiến một số chuyên gia vội vã dự báo tương lai của Nhật dựa trên tình hình của một quốc gia khác cũng đang áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ là Mỹ. Tuy nhiên, đó là sự so sánh khập khiễng bởi xuất phát điểm của Mỹ và Nhật hoàn toàn khác nhau. Hiện nay, Nhà Trắng vẫn đang chật vật giải quyết hậu quả của các bong bóng tài sản bị vỡ sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008. Trong khi đó, Nhật Bản đã trải qua giai đoạn trên từ cách đây hơn 20 năm. Điều Nhật Bản cần là những cải cách cơ cấu. Đó là lý do ông Abe thiết kế mũi tên chính sách tăng trưởng. Mũi nhọn của chính sách này nằm ở nỗ lực ký kết Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình dương (TPP). Mất đi những bảo hộ về pháp lý, doanh nghiệp Nhật Bản không chỉ đứng trước một thị trường lớn đầy tiềm năng mà còn phải đối mặt với áp lực cạnh tranh từ các nước thành viên khác. Một số chuyên gia ước tính, TPP có thể mang lại cho Nhật Bản 0,5% tăng trưởng.

Dự kiến trong tháng 5 tới, Thủ tướng Abe sẽ công bố một loạt biện pháp mới nhằm tăng tỷ lệ sinh như thiết kế nhiều khoản vay ưu đãi cho các cặp vợ chồng mới cưới và cải thiện chế độ nghỉ thai sản cho phụ nữ. Dĩ nhiên, hiệu quả kinh tế của những biện pháp này phải mất nhiều thập niên mới thấy được. Trước mắt, Nhật Bản cần cân nhắc các biện pháp mở rộng thị trường lao động, ví dụ như dỡ bỏ bớt các quy định hạn chế nhập cư. Kích thích tăng trưởng - một nhiệm vụ không dễ dàng. Đối với Thủ tướng Abe và Nhật Bản, phần khó khăn bây giờ mới bắt đầu. 

Ngọc Điệp<br>Theo <i>The Diplomat</i>