2013: phim về chế độ nô lệ
Không phải một vài phim mà có tới bảy bộ phim mới về chế độ nô lệ trong năm nay. Hiện các nhà phê bình đang đặt câu hỏi, liệu đây có phải là một điều đáng mừng? Bài nhận định và tổng hợp của Allison Samuels – cây bút phê bình thâm niên của Newsweek cùng các báo Rolling Stone, O, Essence, và Vibe.
![]() Tổng thống Lincoln giải phóng nô lệ không phải vì yêu người da đen? |
Sau chiến thắng lớn của câu chuyện nô lệ trả thù trong Django thoát khỏi xích xiềng (Django Unchained) của đạo diễn Quentin Tarantino ở các phòng vé và tại lễ trao giải Oscar năm nay, không ngạc nhiên khi sẽ có bảy bộ phim về chủ đề nô lệ sẽ tung lên màn bạc.
Các bộ phim khắc họa một khoảng thời gian đau đớn trong lịch sử của nước Mỹ. Tuy nhiên, trong khi một số người hoan nghênh, những người khác lại cho rằng việc phát hành những bộ phim này trong nhiệm kỳ của tổng thống da màu đầu tiên là gây khó hiểu hết sức nếu không muốn nói là đáng lo ngại.
Trong số bảy bộ phim tập trung vào chủ đề chế độ nô lệ sẽ phát hành năm nay, có lẽ khả năng gây “sốt” phòng vé là 12 năm nô lệ (12 Years A Slave) do Brad Pitt sản xuất, đạo diễn Steve McQueen. Kịch bản dựa theo một cuốn tự truyện viết vào năm 1853 của người đàn ông da màu mang tên Solonmon Northup, tập trung vào quãng đời của Solonmon Northup (do Chiwetel Ejiofor thủ vai) từ khi sống ở New York trong những năm 1800 cho đến lúc bị bắt cóc và bán làm nô lệ ở Deep South.
Đó là những gì đáng kể mà đạo diễn Steve McQueen – một người Anh gốc Phi và những người thực hiện sáu bộ phim khác đang trình bày từ quan điểm của các nhân vật da đen. Hai trong số bảy bộ phim được sản xuất độc lập và thực hiện bên ngoài các hãng phim Hollywood.
![]() |
Tuy nhiên, nối kết các bộ phim này với Tổng thống Obama làm cho một số người trong ngành giải trí phải suy ngẫm: tại sao chúng xảy ra vào thời điểm này? Đạo diễn Reginald Hudlin, người sản xuất Django thoát khỏi xích xiềng nói: “Những phim như Django và Lincoln là những ý tưởng tốt được tiến hành trước khi Tổng thống Obama được bầu, đó là điều quan trọng cần lưu ý. Nhưng... tôi cảm thấy rằng một số ăn theo kết quả của thời kỳ đáng nhớ này. Tôi nghĩ rằng Tổng thống Obama đã phải chịu rất nhiều sự thiếu tôn trọng vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi chuyện về thời người Mỹ gốc Phi không được đối xử như bây giờ sẽ làm nhiều người thú vị”.
Nhà văn, nhà phê bình phim lịch sử, giảng dạy nghiên cứu điện ảnh tại Đại học New York là người Mỹ gốc Phi Donald Bogle thừa nhận ông ngạc nhiên khi thấy danh sách dài các bộ phim về chủ đề nô lệ. “Thật khó mà không đặt câu hỏi về thời gian xảy ra của các bộ phim và chúng thực sự có ý nghĩa gì” – Bogle nói. “Nhưng tôi cũng không chắc chắn rằng bất kỳ bộ phim nào cũng sẽ thu hút được như Django. Bộ phim kể câu chuyện về chế độ nô lệ một cách rất độc đáo này chưa từng có trước đó và có thể sẽ không lặp lại lần nữa. Chế độ nô lệ không phải là một chủ đề có thể vội vàng dựng thành phim như một công thức”. Bộ phim gần đây nhất của Hollywood theo chủ đề chế độ nô lệ là Chuyến tàu nô lệ (Amistad) của đạo diễn lừng danh Steven Spielberg. Mặc dù được quảng bá trên các phương tiện truyền thông lớn, nó chỉ bán được số vé vừa phải.
Nhà làm phim Ava Du Vernay, người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên giành chiến thắng giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Sundance năm 2012 cho bộ phim Ở giữa hư không (Middle of Nowhere), cho rằng thực tế tất cả những bộ phim này cho thấy sự khó chịu kéo dài với người Mỹ gốc Phi hiện nay. “Nói thật, tôi nghĩ rằng nhiều người có nhận thức bình đẳng, thoải mái với người da đen quá muộn màng – cũng như những bộ phim”, bà nói. “Điểm lại các bộ phim của mười năm qua, ngoài ông Tyler Perry (nhà viết kịch, làm phim, đạo diễn, diễn viên, nhạc sĩ – nổi tiếng với Nhật ký của người đàn bà da đen phi thường và nhân vật Madea trở thành biểu tượng) thì bạn sẽ thấy một sự mất cân bằng về hình ảnh của người da đen trên phim ảnh giữa hiện nay so với trong lịch sử. Lần gần nhất bạn thấy một bộ phim về người da đen là khi nào?” Bà Du Vernay đánh giá loạt phim truyền hình từ thập niên 1970 mang tên Tháng ngày tốt đẹp (Good Times) về một gia đình da đen nghèo khó nhưng đầm ấm trong một dự án nhà ở tại Chicago – là cơ sở chính cho những hình ảnh chuyển biến ngày nay.
![]() Christoph Waltz và Jamie Foxx trong phim Django thoát khỏi xích xiềng |
Những người khác trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi nói rằng họ có thể không quan tâm đến sự tăng nhanh của các phim trên nếu chúng là một cuộc thảo luận cởi mở và trung thực về chế độ nô lệ, có ý nghĩa và tác động tích cực với cuộc sống của người Mỹ gốc Phi từ nay về sau. Nhưng William Jelani Cobb, giáo sư lịch sử và là giám đốc của Viện Nghiên cứu người Mỹ gốc Phi tại Đại học Connecticut, không tin vào giả định “nếu” đó: “Tôi thực sự không thấy đây là một phong trào tiến bộ cho người Mỹ gốc Phi và là cuộc thảo luận về chế độ nô lệ, nếu theo cách các bộ phim trước giờ xử lý về chế độ nô lệ”. Giáo sư Cobb công khai phê bình bộ phim nổi tiếng Lincoln (do Steven Spielberg đạo diễn) và chân dung Tổng thống Lincoln trong phim này như một vị cứu tinh của nô lệ người Mỹ gốc Phi. Ông nói: “Lincoln giải phóng nô lệ không phải vì yêu người da đen hoặc vì ông cảm thấy người da đen đáng được bình đẳng. Ông đã lập kế hoạch để đưa người da đen đến Haiti sau khi hủy bỏ chế độ nô lệ”.
Nghệ sĩ nhạc jazz Wynton Marsalis ghi tên vào lịch sử năm 1997 khi ông được trao giải thưởng Pulitzer cho tác phẩm âm nhạc chưa từng có ngoại lệ là Blood on the Fields – những bi kịch đau lòng về chế độ nô lệ được kể bằng các trường đoạn âm nhạc mạnh mẽ 40 làn mi (40 Lashes) qua đôi mắt của hai người yêu nhau. Hơn hai thập kỷ sau đó, Marsalis thực hiện công việc một lần nữa vào tháng trước về jazz tại Trung tâm Lincoln cho một thế hệ người hâm mộ mới. Ông tin rằng mọi người phải nỗ lực để giáo dục tốt hơn về lịch sử người Mỹ da đen, bao gồm cả thời kỳ đen tối của chế độ nô lệ. Marsalis nói: “Trước hết, tôi không nghĩ rằng đây là một xu hướng có liên quan đến Tổng thống Obama. Tôi không biết chắc lý do tại sao có rất nhiều phim về chế độ nô lệ ra đời vào thời gian này, nhưng tôi biết rằng chúng ta không thể chỉ phụ thuộc vào một bộ phim kể lại câu chuyện về lịch sử người Mỹ da đen. Nếu bạn muốn biết về chế độ nô lệ hoặc về Lincoln hoặc bất cứ điều gì, bạn cần phải tìm hiểu trong trường học, đọc sách hoặc hỏi mọi người. Đó là cách để biết được sự thật. Thật đơn giản”.