Khơi khơi về một nan y mới
Tôi có vinh hạnh một quãng đời tuổi trẻ khá dài tá túc ở khu trường thuốc. Ở lâu thì đương nhiên bị phơi nhiễm. Nhiễm tư duy thuốc và bệnh. Các giáo sư ở đây dồn sức nghiên cứu về ung thư, về tứ chứng nan y để cứu người bệnh. Tôi làm báo, làm thơ văn, biết được người thời nay nhiễm thêm hai nan y nữa là Vô Cảm và Khoe Khoang. Tôi tự cười có ý bằng lòng và có lúc đã định viết thành sách.
Nơi tôi mới đến gần bệnh viện, nhà xác, bãi xe, chợ búa, siêu thị tùm lum. Đường vào chằng chịt chữ Chi chữ Z. Chằng chịt Ngõ, Hẻm, Ngách… rối rắm như chính cuộc đời. Nhiều bạn bè tinh quái và tinh tướng hỏi tôi: anh ở quãng nào. Ngõ Vô Cảm, hẻm Vô Cảm hay là ngách Vô Cảm. Tôi mới đến nên không biết.
Người ta kháo nhau, đi qua quãng ấy phải cẩn thận. Vô cảm nổi tiếng. Nhỡ có việc gì là người ta nhất loạt kemeno (kệ mẹ nó), nhất loạt quay mặt đi. Tai nạn xe cộ va chạm trong nháy mắt. Hễ choang một tiếng, là kèm những tiếng phụ họa: xong rồi! Thấy người nằm máu me đầy mình, xô nhau ra xem, rồi buông một tiếng thơ: thôi rồi Lượm ơi! Thậm chí còn nghe cả tiếng vỗ tay nữa.
Có hôm tôi dành thời gian đi qua khảo sát xem sao. Cũng chỉ là khơi khơi. Lạ nhất ở đây là những đôi mắt người. Như ma quái, như trắng dã, bất động. Người ta quen nhìn trong vô cảm. Trước tai nạn và tai họa của người khác, không một tia xung động nào. Dù chỉ là khơi khơi, tôi đã nhận diện được một điểm nhấn về sự vô cảm.
Đi lên một quãng phố nữa, là cơ ngơi của ông bạn tôi, một nhà nghiên cứu về kiến trúc và mỹ học nổi tiếng. Ông lại nói cho tôi biết về một biểu hiện bệnh lý nan y vô cảm khác. Ông thều thào: thời nay lạ quá anh ạ. Năm mới rồi tôi nghiên cứu tìm ra một điểm bất hợp lý của một bức ảnh lịch sử nổi tiếng. Tôi đăng báo, nhiều lần đưa lên blog, nhưng tịnh không có một tờ báo nào, một cơ quan nghiên cứu nào đả động đến. Lại nói một điểm rất cụ thể. Lâu nay có tờ báo thậm chí là sách nghiên cứu nhầm lẫn hai vị có tên là Nguyễn Lân. Một vị là giáo sư nhà giáo nhân dân, một vị là kiến trúc sư trưởng thành phố. Thậm chí còn đưa nhầm cả ảnh. Vậy mà đăng lên báo chí rồi, đánh động công khai rồi, cũng không hề có tiếp thu, đính chính. Sợ quá, người ta vô cảm hết rồi ông ạ!
Ông bạn thủ trưởng cũ thỉnh thoảng ghé tôi đàm đạo về thơ văn, về thế thái nhân tình. Có một chuyện cũ mà tôi vẫn nhớ. Số là cái thời mà tôi và ông còn là lớp trẻ của cơ quan, ông thủ trưởng cũ bấy giờ bị ốm. Ông phó tạm thời điều hành công việc. Nhân tình thế nào mà có lần cô con gái của ông thủ trưởng mới được nhận vào cơ quan phải thốt lên: chú ấy, tức ông phó, chỉ mong bố cháu chết sớm đi thôi. Câu nói của cô gái mới bước vào đời thật là linh nghiệm. Linh nghiệm về một điều rất cơ bản. Các anh phó thời này chỉ mong anh trưởng chết đi. Nghe lạ và có gì đó rờn rợn.
Tôi hỏi đùa ông bạn: sao các ông là đồng chí đồng đội của nhau mà chỉ mong nhau chết đi vậy hử?
Và tôi muốn nghiên cứu về những nan y mới, đi từ những tế bào gốc này đây.
Đó là căn nguyên sâu thẳm của nan y vô cảm.
Hoặc là một biến chứng khó lường của nan y vô cảm.