SẮC MÀU
Truyện ngắn của Hoàng Hải Lâm

27/03/2013 08:39

Minh họa của Thúy Hằng
Minh họa của Thúy Hằng

Ba mang về mấy hộp màu, ba vẽ năm hình người nhiều màu sắc không giống nhau. Bức hình thứ nhất có khuôn mặt đàn ông cười, ba nói người đàn ông này vui. Bức thứ hai khuôn mặt người đàn ông hơi méo mó, ba nói hình này buồn. Bức thứá ba nhìn người đàn ông rệu rã, con nói rằng người đàn ông này đang đau. Ba ngăn ánh mắt con nhìn bức hình thứ tư nhưng kể như đã muộn, con thấy rồi đó là khuôn mặt của ba. Xem xong con khóc, ba ngước mắt nhìn trời. Cái thằng này biết gì về tranh mà nghĩ ra bao điều xằng bậy. Ba tự dối lòng mình hay ba đang thương con. Từ ngày học vỡ lòng con đã biết đứng thu mình sau cột để giấu giọt nước mắt khi chia tay ba. Cái giây phút đó ba mãi nhắc đến đó là gì. Ba bảo con trai đừng khóc, con cũng muốn nghe lời. Bức tranh đó tật nguyền đến nỗi nhìn muốn trào máu. Con cũng không ngờ ba làm nên được một tuyệt phẩm buồn đến vậy. Thì ra trong lòng ba nó bi kịch và ẩn chứa nhiều nỗi đau chỉ có thể trào ra bằng cái nhìn xuyên vào tim người khác. Chỉ tiếc rằng ánh nhìn đó không xuyên được qua con tim của mẹ, chỉ tiếc rằng mẹ luôn nghĩ trên tờ tiền mắt cười còn mắt người ngoài đời thì không. Đời ba như hộp bột màu, ba đã vắt cạn nó để vẽ bức tranh cuối cùng tặng con. Con biết ba sắp đi rồi dù ngày đó có thể muộn hơn hôm sau một chút. Ánh mắt ba trong tranh như lá thu rơi rụng hết. Bức tranh này đẹp quá phải không ba, đẹp cả khi nó buồn đến ớn lạnh. Ba vịn vào vai rồi xoa nhẹ cánh tay con, không đến như những điều con nghĩ.

Mấy hôm sau đó con hầu như thức dậy muộn, con cố nén để khỏi phải hốt hoảng khi không nhìn thấy ba. Nhưng khi thấy đèn nhà không sáng vào mỗi sớm mai con biết ba đã đi rồi. Con ngồi dậy ôm bức tranh vào lòng cho đỡ lạnh. Một sáng mùa đông, cái rét trườn mình về trên những phố nhỏ. Trên đường có mấy người lại qua nhưng vội vã hơn. Có ai biết mùa đông sinh ra từ bao giờ, riêng con thấy mùa đông bắt đầu từ ngày từ giã người con yêu thương nhất trên đời là ba. Chắc ba hiểu con khi không ngăn ba vào sáng hôm ấy, con để ba đi cho nhẹ lòng, con để ba đi rồi có ngày gặp lại. Ở đây không có chỗ dành cho ba ngoài tình yêu của con. Cái được mất ở trên đời, con gần như không định phương được khi lạc vào gia đình ta. Khi tâm hồn con nhìn thấy được ba ra đi và ánh mắt con thấy được mẹ ở lại. Người ngăn ba sáng hôm đó phải chi là mẹ của con. Phải chi mẹ dậy sớm một hôm thôi để ngăn ba lại, chỉ có một lần mà không được.

Ba không kiếm được nhiều tiền bằng mẹ. Con biết, khi chiếc laptop máy tính xách tay mang về không đặt tên ba mặc dù ba nâng niu từng phím chữ. Cũng như chiếc xe màu xanh là của mẹ còn chiếc xe màu đỏ là của ba. Chiếc xe màu xanh ít hỏng hơn, có mấy lần ba bận việc phải đi trước, mẹ nghiêm nhìn đi trước thì lấy xe anh mà đi. Lúc đó con mới tám tuổi không hiểu sao con đã thấy được cái màu sở hữu của con người. Sắc màu của xe không như sắc màu ba vẽ lên tranh. Sắc màu ba vẽ lên tranh mang tâm trạng của con người còn màu sắc trên xe là sắc màu của những đồng tiền lúng liếng. Có lần ba nói với con bi kịch của người đàn ông thời hiện đại là không có được nhiều tiền. Ba thì thiếu trước hụt sau, ba trăm sáu mươi lăm ngày nhờ vào đồng lương từ nhà nước. Mẹ một ngày làm cò đất bằng của ba một năm thưởng, có lúc hơn. Đó là những tháng ngày khó khăn của gia đình nên ba rất yêu thương mẹ, nên ba đạp xuống chân nhân phẩm của một con người để họp cò kiếm năm trăm ngàn một lô, có lúc triệu rưỡi. Ba từng chạy theo chân mấy thằng xã hội đen để xin năm trăm ngàn tiền phiếu. Ngửa tay lấy năm trăm ngàn ba mới chột dạ tay mình giờ sao nhiều đường kẻ chằng chịt lắm thay. Ngày hai mươi sáu đến thị xã để kiếm cò ba bị bọn lạ mặt đánh. Máu chảy từ miệng. Lúc đó ba chỉ lo giữ khư khư bảy mươi sáu triệu đồng mẹ đưa nộp tiền ký quỹ. Khi thoát ra khỏi thị xã ba mới nhấc máy điện cho mẹ an lòng. Tiền còn chứ không bị mất đâu… chỉ mất mấy giọt máu quanh miệng người, chỉ mất khi con đường về của ba buồn rệu rạo. Hôm đó mẹ hỏi ba có buồn không ba chỉ cười. Ăn của người ta hoài bị đánh đâu có oan, mà bị bọn xã hội đen đánh oai bỏ mẹ. Mấy ngày sau đó mắt ba vẫn nhưng nhức và máu tụ, mẹ đâu có nhìn vào mắt ba nên ba thấy yên lòng. Có đau một người chịu được. Thế giới của những sắc màu tùy vào tay người vẽ, trộn cho nó nỗi buồn, pha cho chút niềm vui. Màu sắc đó dùng để vẽ chân dung của mình thì ba là người thứ nhất. Cái điểm xuất phát buồn đó khiến mãi tận bây giờ con không dám vẽ hình con… 

Con đi tìm ba nhưng ba bảo con quay về với mẹ. Đường xa lắm nỗi nhọc nhằn con chiều theo ý ba. Cho đến tận sau cùng còn có một chút lòng ba vẫn dành cho mẹ. Nhưng mẹ bảo đó là sự giả tạo của ba. Biết làm sao được khi mỗi con mắt là một ánh nhìn, mẹ nhìn lão đại gia hôm nay về nhà mình long lanh. Thấy con có vẻ buồn mẹ dựng mắt lên, tiếc cho bố mày thì cuốn đồ đi theo hắn. Và con biết mẹ hận ba rồi.

Con đi chiều hôm sau đó và con không mang theo gì ngoài bức tranh của ba. Ngày bước chân vào nhà con thấy lão đại gia nhìn chằm chằm con sợ lão sẽ làm bức tranh nát vụn. Ở gần ba có mấy năm nhưng con lặng thầm không nói. Chỉ cách có một bức tường thôi, chiều chiều con đứng trông ba quét lá bồ đề nơi sân chùa mà nỗi buồn con vương vãi. Ba cứ vẫn là ba của những ngày xưa ấy, sống mỗi một ngày với những công việc bình thường đến ngẩn ngơ. Con vẫn còn nhớ lắm cái ngày xưa, mỗi lần đi làm về ba thường phụ bếp mẹ rồi chăm sóc con. Việc làm đó lúc đầu khiến mẹ xúc động nhưng đến hồi gia đình mình gặp nhiều khó khăn, đó là năm trượt giá rồi mẹ đem mọi thứ quy đổi ra tiền. Những việc ba làm không mang lại mấy đồng xu cắc bạc. Ba thất thế với nhiều đàn ông ở đời mà không có hay…

Con đã làm việc cật lực để dành dụm được ít nhiều theo mong ước của ba, để không bước đi trên con đường ba từng đi hôm trước. Nhưng biết bao nhiêu cho đủ khi mọi thứ quy đổi ra tiền và còn biết bao nhiêu người không đồng quy tại một điểm. Không ai dừng lại ở điểm mà ba nghĩ, không ai đứng lại ở một tương lai theo ý nghĩ của con. Ba và con giống nhau đôi mắt mất rồi, con chỉ mong ước sao có người nhìn ra con trước khi bước vào đôi mắt đó.

Buổi đấu giá hôm nay nếu có ba xem sẽ là một điều thú vị. Con không biết ba sẽ vui hay buồn khi bức tranh của ba đang đứng ở vị độc tôn. Có mấy đại gia sẵn sàng dốc hết túi tiền để mua bức tranh ba tự họa. Hôm đó cũng có một vị khách đặc biệt đó ba, con không biết từ bao giờ mẹ chen chân vào làng nghệ sỹ. Con thấy mẹ đứng nhìn bức tranh của ba hồi lâu rồi mẹ khóc, mẹ nói với người bên cạnh cái hình người này thấy quen quen, nỗi đau này thấy quen quen và không gian thời gian như chững lại. Người mua bức tranh cuối cùng vẫn là mẹ và con không lý giải làm sao mẹ lại có lắm tiền.

Bây giờ con đã là người đàn ông lắm tiền từ sự kế thừa những đau khổ của ba, từ sự vắt hết những tinh lực của mình để ba có bức tranh đẹp. Mẹ không biết rằng con mang đấu giá bức tranh đó, càng không thể biết tác giả của nó là ai. Chủ nhật tuần trước số tiền đã được chuyển vào tài khoản và mẹ đem bức tranh về chiều hôm đó. Mẹ hỏi trung tâm đấu giá về một số thông tin tác giả nhưng theo cam kết của con ban đầu nên họ không thể cho biết tên. Một sắc màu nữa lại hiện ở trong con. Mẹ không hề biết bức tranh đó được vẽ từ tay ba, ba không hề biết con đã mang bức tranh đi bán cho mẹ. Và ba vẫn còn yêu mẹ dưới gốc bồ đề trụi lá.

Có mấy lần con trở về nơi căn nhà xưa, con thấy mẹ ngồi nhìn bức vẽ đến ngẩn ngơ. Mẹ nói với con giúp mẹ tìm ra chủ nhân của bức vẽ, con bảo mẹ đó là tác phẩm của một thầy chùa và họ đang ở trong một thế giới bình yên. Mẹ lang thang từ chùa này đến tự nọ rồi quay trở về ngồi nhìn bức tranh. Con không biết mẹ kiếm tìm để làm gì trong vòng đời đã biết bao xoay chuyển. Mẹ có gặp ba không?

Rồi có một hôm mẹ đem bức tranh ra nhìn con giáo huấn, phải học người ta đây này, người ta kiếm bộn tiền với chỉ một bức tranh. Con cười, mẹ lại quy đổi ra tiền. Mẹ bảo học họ ấy, chứ cứ như ba mày rồi vợ cũng bỏ thôi con…

Và con bước đi một mạch đến chỗ ba hôm nay, con nói với ba rằng nỗi đau của ba đã được bán và người mua chính là mẹ. Ba nhủ con đem tiền về cho mẹ còn bức tranh thì tác giả gửi tặng không. Về đến nhà nghe câu nói ấy mẹ đâm ra hoảng. Nước mắt rơi trên gói tiền và mẹ cầu mong được gặp. Con không ngại ngần dẫn mẹ đến gặp ba.

Ba thấy không, mẹ đã không thấy ba như một chiếc lá rụng dưới gốc bồ đề. Con nhặt chiếc lá vàng đem về ép. Sư trụ trì nói với mẹ chắc có sự nhầm lẫn đây, ở chùa Sắc Không đâu có ai là họa sỹ. Rồi mẹ rảo bước đi về, thêm một lần nữa mẹ đi ngang gốc bồ đề mà không thấy được ba.