Chân dung Thủ tướng tương lai Lý Khắc Cường

Huỳnh Vũ 06/03/2013 08:48

Theo dự báo của giới quan sát trong và ngoài nước, tại kỳ họp Quốc hội thường niên vừa khai mạc hôm qua, 5.3, ông Lý Khắc Cường sẽ chính thức được bầu giữ cương vị Thủ tướng, cùng với ông Tập Cận Bình, Tổng bí thư Đảng Cộng sản, người dự kiến được bầu vào chức Chủ tịch nước, tạo nên bộ đôi quyền lực mới tại Trung Quốc.

Được biết đến là một quan chức khá kín tiếng, ông Lý Khắc Cường, 57 tuổi, là đại diện tiêu biểu cho thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc, thông thạo tiếng Anh, có tư tưởng khá mở đối với các vấn đề cải cách kinh tế mà một số chuyên gia cho rằng là điều mà Bắc Kinh đang rất cần hiện nay.   

Ông sinh và ra lớn lên tại tỉnh An Huy nghèo khó ở miền Đông Trung Quốc. Tốt nghiệp khoa luật trường Đại học Bắc Kinh danh tiếng và học vị tiến sĩ về kinh tế nông thôn. Sau khi gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc, Lý Khắc Cường đã nhanh chóng thể hiện năng lực lãnh đạo của mình trong cả chính quyền và đảng, kinh qua các cương vị Bí thư tỉnh ủy tỉnh Hà Nam và Liêu Ninh trước khi vươn lên ghế Ủy viên thường trực Bộ chính trị, Phó thủ tướng Quốc vụ viện.

Ông Lý Khắc Cường, người sẽ được bầu vào chức Thủ tướng Trung Quốc Nguồn: Bloomberg
Ông Lý Khắc Cường, người sẽ được bầu vào chức Thủ tướng Trung Quốc
Nguồn: Bloomberg
Đường hoan lộ của ông Lý Khắc Cường dường như không mấy gian nan, thậm chí có thể xem là khá thuận lợi. Tuy nhiên thành công của Lý Khắc Cường không hề dựa vào sự may mắn, mà nhờ vào sự chăm chỉ hiếu học, làm việc nghiêm túc kỷ luật và bản tính bình dị, khiêm tốn. Trong thời gian giữ chức vụ lãnh đạo tỉnh tại Hà Nam và Liêu Ninh, Lý Khắc Cường gần như không hề có chuyến thăm nước ngoài nào, và cũng rất ít khi tham dự các cuộc chiêu đãi tiệc tùng. Sự kín tiếng của Lý Khắc Cường khiến cho giới bên ngoài khó đoán biết phong cách cá nhân của ông. Nhưng thực tế ngay từ những năm 1980, Lý Khắc Cường đã đưa ra những tổng kết sâu sắc về hoạt động chính trị. Ông cho rằng, trong điều kiện xã hội Trung Quốc, người làm cán bộ cần phải có 3 khí chất: khí chất cán bộ, khí chất trí thức và nghĩa khí. Khí chất cán bộ là khi gặp việc lớn có thể điềm tĩnh đối diện; khí chất trí thức là có hiểu biết và tầm nhìn theo kịp thời đại; nghĩa khí là có thể khiến cho lãnh đạo, đồng nghiệp và cấp dưới yên tâm và tin cậy.

Tuy nhiên, con đường phía trước của ông Lý Khắc Cường trong vai trò Thủ tướng sẽ không hề bằng phẳng. Người đứng đầu chính phủ là một vị trí khác hẳn và vì thế, không phải là không có những quan ngại về khả năng của chính khách này. Nhiều ý kiến cho rằng điều phối hoạt động của các bộ và các địa phương tại một quốc gia rộng lớn như Trung Quốc không phải là điều dễ dàng, đòi hỏi lãnh đạo chính phủ các tố chất như sự hiểu biết, bao quát vấn đề, kỹ năng quản lý kinh tế, sự linh hoạt và mềm dẻo trong điều hành. Theo Willy Lam, một nhà phân tích chính trị thuộc Đại học Trung Quốc tại Hong Kong, ông Lý Khắc Cường là một người am hiểu tường tận về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này, song ông cần thêm các tố chất và uy tín để có thể đảm nhiệm vị trí then chốt này.

Ngoài ra, không thể bỏ qua một thực tế là phía trước của ban lãnh đạo Trung Quốc là chồng chất những khó khăn đang chờ họ giải quyết và đây thực sự là những thách thức lớn. 

 Đối với trong nước, có thể nói rằng những thành tích về kinh tế của Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Hồ Cẩm Đào trong 10 năm qua rất đáng khích lệ. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã đứng vị trí thứ hai thế giới, để lại một “cơ sở” tốt đẹp cho thế hệ lãnh đạo sau. Việc đưa ra “quan niệm phát triển khoa học” cũng đã giúp Trung Quốc tìm ra con đường đúng đắn cho phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, do chịu sự tác động của tình hình kinh tế thế giới ảm đạm, kinh tế Trung Quốc cũng đang ở vào giai đoạn giảm tốc và thậm chí là sụt giảm. Cùng với đó là nạn tham nhũng trong Đảng vẫn hết sức nghiêm trọng, xã hội phát triển mất cân bằng, sự phân hóa hai cực cùng với sự tranh giành của các nhóm lợi ích khiến mâu thuẫn gia tăng gay gắt.

Về mặt quốc tế, cùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, áp lực mà các nước phương Tây và đặc biệt là Mỹ tạo ra đối với Trung Quốc ngày càng lớn. Bên cạnh đó, sự hoài nghi của các nước xung quanh đối với Trung Quốc ngày một sâu sắc, mâu thuẫn giữa các nước như Nhật Bản, Philippines… với Trung Quốc ngày càng gay gắt. Trong bối cảnh Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược trở lại châu Á - Thái Bình Dương, quan hệ Trung - Mỹ đang đối diện với thách thức mới. 

Trung Quốc đặt mục tiêu tới năm 2020 xây dựng thành công toàn diện xã hội phát triển thịnh vượng, thời kỳ Tập Cận Bình – Lý Khắc Cường cầm quyền chính là giai đoạn then chốt cho mục tiêu này. Một mặt, những ưu thế giúp Trung Quốc thời gian qua tạo ra “kỳ tích” kinh tế đang thay đổi, mặt khác, các thách thức trên đều liên quan đến củng cố chính quyền và vận mệnh quốc gia. Do đó, giai đoạn cầm quyền tới đây của bộ đôi Tập - Lý sẽ không hề đơn giản.

Huỳnh Vũ