Đẩy nhanh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước tạo động lực tái cơ cấu nền kinh tế

Anh Tú thực hiện 06/03/2013 08:46

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020... Trong đó, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong quá trình tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế nước ta. Theo TS VŨ XUÂN THUYÊN, CỤC PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP - BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chính là tạo động lực để tái cơ cấu nền kinh tế.

- Thưa ông, vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 khóa XI đã được khởi động trong năm 2012 và một trong 3 nội dung cơ bản là tái cơ cấu các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước. Vậy theo ông, đến nay nhiệm vụ này đang được triển khai thực hiện như thế nào?

- Ngay từ đầu năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 03, yêu cầu các bộ, các cơ quan của chính phủ, các tỉnh, các cơ quan trực thuộc trung ương các tập đoàn kinh tế tổng công ty nhà nước trong giai đoạn 2011-2015 đẩy mạnh tái cơ cấu nhà nước. Tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế tổng công ty nhà nước theo Quyết định 929 (ban hành ngày 15.11.2012 và có hiệu lực ngày 30.12.2012 về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp). Với nội dung, mục tiêu giải pháp rõ ràng giao nhiệm vụ, tiến độ cụ thể cho các bộ, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Thủ tướng phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp của tất cả các doanh nghiệp, bộ ngành, địa phương, Tổng công ty 91, trong đó có sắp xếp lại tập đoàn tổng công ty này. Quan trọng về phía chủ thể từng tập đoàn tổng công ty đã xây dựng đề án tái cơ cấu toàn diện từ chỗ xác định mô hình tổ chức quản lý tài chính, kế hoạch sản xuất kinh doanh đầu tư phát triển cơ cấu sản phẩm, nguồn nhân lực trên cơ sở xác định rõ ngành nghề chiến lược phát triển và đánh giá hiệu quả sử dụng các nguồn lực. Cho đến thời điểm này, Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt đề án tái cơ cấu của 13 Tập đoàn, Tổng công ty 91.

Nguồn: ITN
Nguồn: ITN
- Chúng ta đã bắt tay vào làm một số công việc, nhưng ý kiến của chuyên gia kinh tế lại tỏ ra sốt ruột với những gì làm được còn ít, ông nghĩ sao về thực tế này?

- Không chỉ các chuyên gia kinh tế sốt ruột, ngay cả các lãnh đạo các Tập đoàn Tổng công ty liên quan cũng sốt ruột vì phải chờ đợi ý kiến chỉ đạo của cấp trên do trong 1 số văn bản thực hiện Quyết định 929 nêu trên chưa cụ thể, rõ ràng. Mặc dù vậy, cá nhân tôi cho rằng, trong năm 2012 tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước có những bước tiến quan trọng, đặc biệt phải kể đến soạn thảo khung pháp lý việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Thứ nhất, về phía Trung ương Đảng có kết luận 50 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI về đề án tái cơ cấu, đổi mới doanh nghiệp nhà nước. Thứ hai, quyết định 929 như đã nêu ở trên. Thứ ba, Nghị định 99 về phân công các cấp thực hiện các quyền, chủ thể các doanh nghiệp nhà nước và đối với vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Như vậy khung pháp lý đã có rồi, nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể đã được quy định rõ ràng có thể triển khai, nếu có vướng mắc phản ánh với Văn phòng Chính phủ, các bộ Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính để phối hợp giải quyết.

- Trên thực tế việc sắp xếp, đổi mới hoạt động của doanh nghiệp nhà nước đã được quan tâm trong nhiều năm qua và từng được kỳ vọng khi bắt tay vào thực hiện theo Nghị quyết Trung ương 3 Khóa XI, nhưng tại sao đến nay vẫn còn nhiều bất cập, thưa ông?

- Nghị quyết Trung ương 3 Khóa XI đã đề cập việc đẩy mạnh đổi mới sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, nâng cao hoạt động khu vực này, tại mỗi thời kỳ phát triển của đất nước đều có vấn đề phát sinh mới trong thực tiễn quản lý và lý luận. Lúc đầu ta thí điểm quản lý doanh nghiệp nhà nước theo Nghị định 28, sau một loạt nghị định về cổ phần hóa được ban hành, từ chỗ cổ phần hóa một bộ phận doanh nghịệp đến cổ phẩn hoàn toàn doanh nghiệp nhà nước rồi tập đoàn tổng công ty, đến nay có thể cổ phần hoá cả một tập đoàn, từng giai đoạn phải có thí điểm tổng kết sau đó mới thực hiện diện rộng. Ngay việc tính giá trị quyền sử dụng đất, giá trị lợi thế địa lý, giá trị thương hiệu và giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá cũng mất nhiều thời gian cho hội thảo, trình các cấp phê duyệt, có trường hợp phải trình lên Thủ tướng. Tương tự vấn đề bán cổ phần ưu đãi cho người lao động, đấu giá cổ phần, bán cổ phần cho người đầu tư chiến lược, tiêu chí  lựa chọn nhà đầu tư chiến lược tham gia công tác cổ phần hóa hiện nay đòi hỏi thời gian, công sức của nhiều người nghiên cứu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Mặt khác chúng ta triển khai việc sắp xếp doanh ngiệp nhà nước không có khung pháp lý mẫu để xác định nên sau 12 năm vẫn còn nhiều việc phải giải quyết, ngay việc thực hiện quyền của chủ thể nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và đối với phần vốn doanh nghiệp nhà nước cũng đang tìm bước đi thích hợp.

- Theo ông, việc tái cơ cấu các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước theo Quyết định 929 của Thủ tướng Chính phủ sẽ tập trung vào nội dung gì và đang được triển khai như thế nào?

- Có 5 nội dung. Thứ nhất, Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước phải xây dựng được chiến lược phát triển kinh doanh gắn với thị trường quốc tế, tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính; thứ hai, xem xét lại trên cơ sở quyết định 14 năm 2011 là phân loại doanh nghiệp nhà nước, loại nào giữ 100% vốn, loại nào 50%, loại nào dưới 50%, loại cần chuyển, bán toàn bộ, công tác cổ phần hoá phải tiếp tục ngay trong quyết định 929; thứ ba, thoái vốn đã đầu tư ra khỏi ngành kinh doanh chính; thứ tư là phải rà soát lại kế hoạch sử dụng nguồn nhân lực một cách có hiệu quả, áp dụng thông lệ quản trị quốc tế, tìm thông lệ tốt, học những nước khu vực và châu Âu để áp dụng vào thực tiễn tập đoàn tổng công ty mình; thứ năm, phải chú trọng vào chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh đầu tư và đổi mới công nghệ, tham gia vào hội nhập, chiếm lĩnh thị trường để 2015 tham gia vào thị trường chung ASEAN.

- Theo Quyết định 929 của Thủ Tướng Chính phủ, việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước phải tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính và đây là yêu cầu cần thiết, nhưng cốt lõi yếu kém của doanh nghiệp nhà nước không hẳn nằm ở đầu tư dàn trải. Vậy theo ông, phải làm gì để cải cách doanh nghiệp nhà nước đem lại hiệu quả?

- Đầu tư dàn trải là căn bệnh cố hữu và là yếu kém của doanh nghiệp nhà nước, ngoài ra phải kể đến trình độ trang bị công nghệ của các doanh nghiệp lạc hậu, quản trị doanh nghiệp yếu, hiệu quả thấp, cán bộ điều hành chưa được đào tạo, một số doanh nghiệp vi phạm pháp luật gây thất thoát lãng phí. Ở tầm vĩ mô chưa thống nhất về nhận thức đối với doanh nghiệp nhà nước, thực hiện chủ trương của Đảng còn chậm, thiếu sót, nhiều cán bộ quản lý chưa đáp ứng được nhu cầu, lựa chọn cán bộ phải có thay đổi có thể công khai, thi tuyển, thưởng phạt và nên ký quỹ quản lý doanh nghiệp.

- Như ông trao đổi ở phần đầu thì có vướng trong triển khai tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước là công văn hướng dẫn của Bộ Tài chính về thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành theo cơ chế thị trường nhưng phải bảo toàn vốn của nhà nước, có doanh nghiệp chỉ xin thoái vốn một phần hoặc chậm nộp lại phần vốn thoái đầu tư ra ngoài ngành, theo ông phải tháo gỡ vấn đề này như thế nào?

- Đầu tiên phải rà soát lại. Trong Nghị định 99, Thủ tướng phân công nhiệm vụ cho các bộ ngành tổng hợp nghiên cứu các văn bản, rất may chúng tôi phát hiện ra những cái vênh khi rà soát, trao đổi phải điều chỉnh. Thứ hai phải chấp hành kỷ cương, không thể đề nghị giữ lại tiền. Chúng tôi kiến nghị doanh nghiệp muốn giữ lại cũng được nhưng phải đóng phần lãi suất để theo lãi suất thị trường chứ không phải ưu đãi. Mục đích là anh đã có tiền thì anh nộp lên cơ quan quản lý vốn của nhà nước chứ không thể giữ lại.

- Theo Nghị định 99 của chính phủ về phân công phân cấp thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước và vốn đầu tư nhà nước vào doanh nghiệp sẽ tạo ra khung pháp lý quan trọng để doanh nghiệp thực hiện. Theo ông Nghị định này có giúp đẩy nhanh tái cơ cấu các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước  không?

- Chắc chắn rồi, điểm mới nhất của Nghị định này có mấy ý: thứ nhất, Thủ tướng chỉ đạo trực tiếp thực hiện một số quyền, nghĩa vụ chủ sở hữu đối vói 9 Tập đoàn, Tổng công ty so với trước đây là 21, tức là đã giảm rất nhiều để tập trung vào công việc khác. Thứ hai là Nghị định quy định rõ trách nhiệm, quyền của Bộ trưởng trong việc giám sát Tập đoàn kinh tế, cụ thể các bộ ngành cấp trên trực tiếp giám sát hội đồng thành viên. Thứ ba, chủ sở hữu Nhà nước thực hiện quyền, trách nhiệm đối với doanh nghiệp có phần vốn góp của nhà nước thông qua người đại diện. Cuối cùng Nghị định 99 có quy định là bộ ngành tổng công ty. Như vậy thực hiện Nghị định sẽ thúc đẩy rất nhanh tái cơ cấu Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước. Mỗi người đã được phân công, khó khăn trong thực hiện thì phản ánh về cơ quan Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch - đầu tư, Bộ tài chính và các bộ khác để giải quyết.

- Ông có cho rằng, việc tái cơ cấu Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động sẽ giúp ngân hàng xử lý được nợ xấu?

- Câu trả lời là hoàn toàn có cơ sở, chính các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước phải rà soát các khoản nợ, cơ cấu lại, tìm các nguồn để trả nợ, sau khi thực hiện tái cấu trúc tự thân các Tập đoàn, Tổng công ty điều chỉnh kế hoạch kinh doanh quy hoạch đầu tư, thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính và sẽ cùng với các ngân hàng rà soát các khoản nợ, tìm các nguồn xử lý nợ xấu. Tôi tin các Tập đoàn, Tổng công ty tìm được lời giải cho nợ xấu của mình và của ngân hàng.

- Xin cám ơn Ông!

Anh Tú <i>thực hiện</i>