Hàng Bồ ông đồ từng bán chữ
Phố Hàng Bồ ở trung tâm khu vực 36 phố phường sầm uất của Hà Nội, một đầu từ phố Hàng Ngang, Hàng Đào, đầu kia nối vào phố Hàng Thiếc. Thời trước, cả Hà Nội chỉ phố Hàng Bồ có ông đồ bán chữ. Ngày nay, diện mạo dãy phố dài gần 300m này thay đổi nhiều. Đặc biệt, Hàng Bồ đã không còn bán bồ, và phố ông đồ giờ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Hồi thế kỷ XIX, khi các phố hàng của Hà Nội phát triển nhanh, phần đầu phố Hàng Bồ tiếp giáp phố Hàng Ngang, Hàng Đào có tên là phố Hàng Dép. Các hiệu bán dép, guốc tập trung ở quãng này, đủ loại. Các cửa hàng bên số lẻ đều rất hẹp, lưng xây áp vào tường nhà bên phố Hàng Đào, diện tích chỉ đủ cho người bán hàng ngồi, guốc, dép xếp chung quanh. Cửa hàng bên số chẵn rộng hơn, nhưng cũng xây áp vào lưng nhà bên phố Hàng Ngang, nên không có sân sau. Những cửa hiệu bán giày, dép có uy tín ngày ấy như Đông Hưng Long (nhà số 4), Đức Mậu (nhà 20), Phúc Lý (nhà 7), Lương Quảng (nhà 21)... được khách hàng gần xa ưa chuộng.
![]() | |
Cho chữ | Nguồn: hanoilavie |
Một việc rất đáng kể là năm 1915, những người thợ kim hoàn quê ở làng Định Công đã xây ngôi đình, để thờ Tổ nghề tại nhà số 51. Hơn 10 năm sau, những thợ kim hoàn này lui về làng, bán ngôi đình cho ông Phạm Lê Bổng. Ông này xây tại đây một tòa nhà ba tầng, làm cửa hiệu lớn. Tòa nhà số 51, sau là Tòa soạn báo Lao động. Ông Phạm Lê Bổng còn là chủ nhân ngôi nhà số 44, nơi đặt trụ sở của hai tòa báo do ông chủ trương, tờ báo tiếng Pháp tên là Patrie Annamite (Tổ quốc Việt Nam) xuất bản từ năm 1932 - 1945, và tờ báo tiếng Việt Nam Cường, xuất bản từ năm 1936 - 1939. Chủ trì biên tập nội dung của hai tờ báo này là nhà báo nổi tiếng Tiêu Lang Nguyễn Đức Bính. Nhà in Hồng Khê và NXB Lê Cường ở số nhà 75, thoạt đầu chỉ in toa thuốc, bao bì, quảng cáo cho nhà thuốc Hồng Khê, sau ít lâu họ phát triển, chuyên xuất bản các tiểu thuyết và sách nghiên cứu. Nhà viết kịch Trúc Đường (anh trai nhà thơ Nguyễn Bính) có thời gian là người biên tập trụ cột ở đây.
Một số người Hoa gốc ở Triều Châu, Quảng Đông, Trung Quốc đã đến mua nhà, mở cửa hiệu tại phố Hàng Bồ, bán các mặt hàng nhập từ Singapore, Trung Quốc, Pháp như máy khâu, hóa chất, táo Tàu, nho, sữa..., dịp giáp Tết còn nhập cả củ hoa thủy tiên. Hoa kiều cũng đã mở những hiệu chụp ảnh đầu tiên ở Hà Nội, nổi tiếng là hiệu Tắc Ký, hiệu Vĩnh Xương; và, hãng sản xuất đĩa hát đầu tiên tại Hà Nội tên là Thiên Nhiên. Từ năm 1940, một số thương gia Nhật Bản cũng đến phố Hàng Bồ mở cửa hiệu kinh doanh, như Tanake, Dainan Cosi...
Thời trước, cứ vào dịp gần Tết, nhiều nhà Nho hay chữ mà dân gian, do ảnh hưởng của bài thơ Ông đồ của nhà thơ Vũ Đình Liên quen gọi là “ông đồ”, thường bày mực tàu và giấy đỏ bên vỉa hè phố Hàng Bồ để viết chữ bán cho người chuộng chữ thánh hiền treo đón xuân mới. Cả Hà Nội chỉ phố Hàng Bồ có ông đồ bán chữ. Có thể, do ở đây nhiều cửa hiệu của Hoa kiều bán bút lông, mực tàu và các loại giấy màu loại tốt, nhập từ Hong Kong; và có lẽ, phố này có nhiều tòa soạn báo và nhà xuất bản, nên không khí sinh hoạt văn chương chữ nghĩa cũng sinh động hơn. Hình ảnh những ông đồ bán chữ trên phố Hàng Bồ là ký ức đẹp trong đời sống văn hóa người Hà Nội, nhất là từ năm 1935, nhà thơ Vũ Đình Liên sáng tác bài thơ Ông đồ bất hủ: Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực Tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua…
Sau này, có thời người ta ưa treo tranh thiếu nữ Hong Kong và tranh thủy mặc (in) của Trung Quốc, nên chữ của ông đồ có như phượng múa rồng bay trên nền giấy tầu, giấy đại hồng cũng trở nên thất thế: Năm nay hoa đào nở/ Không thấy ông đồ già/ Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ…