Học càng cao, sống càng thọ
Gần đây, một số nhà khoa học đã phát hiện thêm những yếu tố cho thấy sự liên quan giữa hoạt động tư duy và học tập với tuổi thọ của con người. Theo đó, tuổi thọ có xu hướng tỷ lệ thuận với trình độ học vấn.
Những năm qua, ngành lão khoa thế giới đã tiến hành nhiều cuộc nghiên cứu về quá trình lão hóa của con người. Kết quả nghiên cứu đã cung cấp nhiều bằng chứng quý giá về bí quyết giúp cho nhiều người có thể sống khỏe mạnh, dù đã cao tuổi. Chế độ ăn uống, lối sống, gene di truyền là những thành tố của bí quyết trường thọ đã được công nhận từ lâu. Gần đây, một số nhà khoa học đã phát hiện thêm được những yếu tố cho thấy sự liên quan giữa hoạt động tư duy và học tập với tuổi thọ của con người, quan trọng chẳng kém so với các bài tập thể dục và chế độ ăn hợp lý.
Theo kết quả một công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học Tổng hợp Bocconi ở Milan, Italy, những người có trình độ học vấn càng cao, càng thọ. Nghiên cứu được thực hiện trên những nhóm đối tượng có trình độ học vấn khác nhau. Gs Maccheroni, trưởng nhóm cho biết, ông và đồng nghiệp đã tiến hành nghiên cứu dựa trên số liệu của cơ quan thống kê nhà nước Italy (ISTAT). Kết quả, tuổi thọ của mỗi người có xu hướng tỷ lệ thuận với trình độ học vấn. Những người tốt nghiệp đại học sống lâu hơn những người chỉ học hết trung học tới 6 năm rưỡi.
![]() Không ngừng học tập là một trong những yếu tố khiến tuổi thọ ngày càng cao |
Theo Gs Marmot, kết quả nghiên cứu kể trên phù hợp với mọi nhóm người trong xã hội, từ chính khách đến người nghèo. Nói cách khác, tuổi thọ của con người có xu hướng tỷ lệ thuận với trình độ học vấn và địa vị xã hội. “Người ta thường nghĩ rằng tuổi thọ của chúng ta ngắn hay dài là do chế độ ăn uống, lối sống quyết định. Những yếu tố này rất quan trọng, nhưng đó mới là một phần của bí quyết. Học vấn và địa vị xã hội cũng tốt cho sức khỏe. Người có học vấn và địa vị xã hội càng cao thì càng sống lâu” - Gs Michael Marmot nói.
Gs Carlo Maccheroni giải thích, một phần nguyên nhân là bởi người học cao hơn có thể áp dụng những điều mình đã học được vào cuộc sống, quyết định một cách tích cực thái độ ứng xử với xã hội. Những người có trình độ học vấn cao hơn có khuynh hướng ít uống rượu và hút thuốc lá hơn, do đó cũng ít bệnh tật hơn. Trong khi đó, những người ít học thường có chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng thiếu khoa học, nên dễ bị bệnh tật, dẫn đến sức khỏe và tuổi thọ kém hơn.
Tuy nhiên, quan trọng hơn, các nhà khoa học đều thống nhất, khi tham gia nhiều hoạt động tinh thần tích cực, con người sẽ có cơ hội rèn luyện trí não và tăng cường sự liên kết giữa não bộ và các tế bào, dẫn đến gia tăng tuổi thọ một cách đáng kể. Cũng giống như các cơ bắp, bộ não của con người sẽ teo đi nếu ít được sử dụng. Từ lâu, các chuyên gia lão khoa đã thấy rằng những người sống qua tuổi 90 thường không chỉ có một thể chất tốt hơn, mà tinh thần cũng minh mẫn hơn nhiều người trẻ hơn họ đến 20 tuổi. Việc không ngừng học hỏi và hoạt động trí não sẽ củng cố và duy trì tốt hơn sự phối hợp làm việc giữa hệ thống thần kinh và các bộ phận khác trên cơ thể, làm tăng sức khỏe và tuổi thọ cho con người.
Từ kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học kêu gọi những nhà hoạch định chính sách coi lĩnh vực giáo dục như một phần quan trọng trong chiến lược chăm sóc sức khỏe người dân. Bên cạnh những lợi ích khác, việc cải thiện trình độ học vấn còn có vai trò rất lớn trong việc nâng cao sức khỏe và tuổi thọ cho con người.