Học thuyết né tránh
Khi chương trình đối nội của các Tổng thống Mỹ lâm vào bế tắc thì mặt trận đối ngoại thường là nơi họ hướng tới để tìm kiếm những cuộc khủng hoảng mà chỉ Mỹ mới có thể giải quyết được. Thế nhưng, bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Barack Obama lại vạch ra cách tiếp cận hoàn toàn trái ngược.
![]() |
Obama và ê-kíp của ông tin rằng sứ mệnh tuyệt đối trong nhiệm kỳ thứ hai của vị Tổng thống da màu này là bảo tồn di sản đối nội mà ông đã gây dựng được trong nhiệm kỳ trước. Họ lo sợ việc Mỹ vướng vào các cuộc khủng hoảng ở nước ngoài đe dọa tới mục tiêu trên. Trong chiến dịch vận động tái tranh cử năm 2012, Obama đón nhận sự hưởng ứng nồng nhiệt của người dân khi cam kết sẽ rút toàn bộ quân khỏi Afghanistan. Obama không ngừng tái khẳng định rằng, đã đến lúc cần phải xây dựng lại nước Mỹ ngay tại chính quê nhà.
Song, các vấn đề quốc tế vẫn tiếp tục gõ cửa Nhà Trắng: từ cuộc khủng hoảng ở dải Gaza tới các vấn đề ở Syria, Jordan, Ai Cập, Iran, tranh chấp biển đảo liên quan tới Trung Quốc cho đến khủng hoảng nợ công ở Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone)… đều có nguy cơ khiến Obama đi chệch hướng. Trái đắng đầu tiên Obama phải nếm là vụ tấn công nhằm vào Đại sứ quán Mỹ ở Libya hồi tháng 9 vừa qua, làm Đại sứ Mỹ tại nước này thiệt mạng. Tại cuộc điều trần đối với những phụ tá của Obama ở Quốc hội, các nghị sỹ đảng Cộng hòa đối lập, do cựu ứng cử viên Tổng thống kiêm kỳ phùng địch thủ của Obama trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2008 John McCain dẫn đầu, đã không ngừng công kích chính quyền Obama. Các nghị sỹ đảng Cộng hòa cho rằng ê-kíp của Tổng thống Obama đã tìm cách cung cấp thông tin sai lệch nhằm giấu giếm thực chất của vụ việc trên trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11. Vụ tấn công được cho là do các phần tử khủng bố thực hiện đã đe dọa làm tổn hại tới hai chính sách vốn được xem là những thành công đối ngoại của Obama là việc can thiệp một cách hạn chế của các lực lượng của Mỹ trong chiến dịch quân sự giúp lật đổ chính quyền Gaddafi ở Libya và cuộc chiến chống al-Qaeda. Vụ việc còn kéo Obama vào rắc rối chính trị không lường trước khi các nghị sỹ Cộng hòa cản trở việc Obama muốn cất nhắc Đại sứ Mỹ tại LHQ Susan Rice lên làm Ngoại trưởng Mỹ trong nhiệm kỳ Tổng thống mới của ông với cáo buộc nữ chính khách này chịu một phần trách nhiệm trong sự việc trên.
Nhìn ra thế giới bộn bề, có thể thấy sự nghi ngại bao trùm khắp mọi nơi. Washington giữ cái nhìn thận trọng trước mọi khả năng can thiệp. Các quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, Tổng thống Obama chủ trương duy trì sự hiện diện của mỹ nhưng không can thiệp quá sâu trong các vấn đề quốc tế. Nước Mỹ vẫn được mệnh danh là “chất xúc tác không thể thiếu” và trụ cột của trật tự quốc tế, mà trọng tâm là tính cạnh tranh về kinh tế. Bằng việc kết thúc di sản mà người tiền nhiệm George W.Bush để lại từ cuộc chiến chống khủng bố được phát động sau vụ 11.9, Obama đã giải phóng nước Mỹ khỏi mối lo về an ninh quốc gia để tham gia vào các vấn đề của thế giới với tất cả các khía cạnh phức tạp của nó. Đây có thể xem là một cuộc thử nghiệm của chính quyền Obama khi đưa ra chính sách vĩ mô về thực hiện cam kết quốc tế, nhưng tránh xa giải pháp can thiệp kiểm soát vi mô.
Một điểm đáng lưu ý là đã có ý kiến cho rằng việc có hành động quân sự cứng rắn giáng trả al-Qaeda đã giúp Obama dễ thở hơn và đảng Dân chủ cầm quyền không còn phải tìm cách né tránh sự chỉ trích về vấn đề an ninh quốc gia. Song, khi bàn tới khả năng can thiệp quân sự quy mô lớn, giới chức Mỹ vẫn hết sức thận trọng. Trong vấn đề Syria, chính quyền Obama tin rằng phần đông các thượng nghị sỹ hoài nghi sâu sắc vào giải pháp can thiệp quân sự trực tiếp. Tuy vậy, nội bộ chính quyền Mỹ cũng không thực sự đồng thuận với cách Mỹ chọn đứng ngoài cuộc khủng hoảng Syria. Một dấu hiệu có thể thấy là khi NATO chấp thuận đề nghị của Thổ Nhĩ Kỳ cho triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot ở biên giới nước này với Syria, một số quan chức Mỹ đã hy vọng rằng kế hoạch này là lối cửa sau để mở đường cho kế hoạch thiết lập vùng cấm bay trên không phận của Syria. Thế nhưng, giới chức quân sự Mỹ vẫn khẳng định kế hoạch này không khả thi.
Nội bộ chính quyền Mỹ bắt đầu xuất hiện những cuộc tranh luận về việc chính sách đối ngoại của Obama có tồn tại được trong thực tiễn rối ren của thế giới hay không. Câu hỏi tương tự này từng được nêu ra trong những nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ trước đây. Sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, người Mỹ vật lộn với việc có nên chấp nhận vai trò của nước Mỹ là một “sen đầm quốc tế”. Phát biểu tại Thượng viện năm 1993, Ngoại trưởng thứ 65 của Mỹ Colin Powell - khi đó là một người lính - từng ví von rằng, khi thế giới gọi tới số điện thoại khẩn cấp 911, thì nước Mỹ được kỳ vọng là người sẽ trả lời ở đầu dây bên kia. Song, so với thập niên 1990, nước Mỹ ngày nay đơn độc hơn rất nhiều. Nếu như Mỹ đã từng kỳ vọng Liên minh châu Âu (EU) trở thành lực lượng đóng vai trò là “cảnh sát toàn cầu” thứ hai, còn Nga và Trung Quốc sẽ là những bên liên quan có trách nhiệm hơn trong trật tự thế giới mới, thì thực tế cho thấy rằng điều trái lại. Tham vọng của châu Âu chỉ dừng lại ở việc làm nhà huấn luyện cảnh sát, trong khi các vấn đề nội tại cùng với khó khăn về tài chính đã khiến châu Âu thậm chí còn không hoàn thành được mục tiêu này. Nga ngày càng trở nên ngờ vực vào các mục tiêu của Mỹ còn Trung Quốc chỉ quan tâm tới lợi ích quốc gia. Ngay cả những người đồng minh của Mỹ ở NATO cũng chứng tỏ sự hữu hạn khi liên minh này hoạt động quá dàn trải, vượt quá khả năng về tài chính và nguồn lực.
Các cuộc khủng hoảng mới chắc chắn sẽ tiếp tục đến tìm Mỹ và việc dấn thân quá sâu vào những vấn đề này là hoàn toàn đi ngược lại với học thuyết đối ngoại của Obama. Tổng thống Obama có kế hoạch của riêng mình, song kế hoạch của ông không phải là cứu thế giới, mà nó chỉ tập trung vào sứ mệnh giải quyết các vấn đề trong nước.