Thờ cúng tổ tiên – nét văn hóa quý báu của dân tộc

Phạm Liên thực hiện 16/02/2013 11:26

Đã bao đời nay, thờ cúng tổ tiên là nét đẹp trong đời sống văn hóa, là chỗ dựa tâm linh của người Việt. Dưới con mắt khoa học và văn hóa, GS.TS Phạm Đức Dương, nguyên Viện trưởng Viện Đông Nam Á, Chủ tịch Hội nghiên cứu Đông Nam Á của Việt Nam, một chuyên gia đầu ngành về ngôn ngữ và văn hoá Đông Nam Á, cho rằng: Thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng văn hóa bắt nguồn từ rất xa xưa, là chỗ dựa tinh thần luôn đi cùng người Việt Nam. Đặc biệt, trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, tất cả việc làm của người Việt Nam đều hướng đến tổ tiên của mình. Việc làm đó vừa thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, nhớ ơn tổ tiên, vừa làm cho con người sống trung thực hơn, tốt đẹp hơn, xứng đáng với công đức của tổ tiên.

- Thưa Giáo sư, trong các hình thái tín ngưỡng dân gian của người Việt Nam, có lẽ thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng mang tính phổ quát nhất, ai ai là người Việt Nam cũng đều thờ cúng tổ tiên của mình. Là một nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, Giáo sư có thể cho độc giả biết tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam xuất hiện từ khi nào?

- GS.TS Phạm Đức Dương: Thật ra, người ta cũng khó mà nói được rằng việc thờ cúng tổ tiên của người Việt bắt nguồn từ khi nào. Có lẽ là từ khi hình thành người Việt. Bởi theo kết quả nghiên cứu của tôi, đồng bằng sông Hồng có bao nhiêu tuổi thì người Việt có bấy nhiêu tuổi, tức là cùng thời với văn hóa Đông Sơn. Tôi và và GS Hà Văn Tấn có đưa ra giả thiết là khi đồng bằng Bắc bộ còn ngập nước, tại vùng thung lũng dưới chân núi có người Tày cổ cư trú và làm ruộng nước. Trong khi đó ở vùng núi, do những bậc thềm cổ của các dòng sông quá hẹp, mặt khác sức ép về mặt dân số và thấy rằng ở vùng dưới người Tày cổ sinh sống với nghề trồng lúa cho năng suất cao, cuộc sống ổn định hơn, nên hàng loạt cư dân Môn Khơme (còn gọi là cư dân Tiền Việt Mường) sống ở trên núi đã xuống đồng bằng sông Hồng cộng cư với người Tày cổ. Quá trình biển rút, người ta khai phá đồng bằng sông Hồng và làm nghề nông nghiệp lúa nước. Cho nên, tôi thấy rằng, mô hình văn hóa lúa nước của người Việt là phỏng theo mô hình văn hóa lúa nước của người Tày cổ đã thể nghiệm thành công vùng thung lũng chân núi và đưa xuống đồng bằng.

Vì thế, người Việt ngay từ thời kỳ mà lịch sử ghi bằng huyền thoại “Con rồng cháu tiên” đã nói lên sự hòa huyết giữa hai cộng đồng: mẹ Tiên (trên núi) và cha Rồng (dưới nước) sinh ra người Việt Mường. Khi nghiên cứu về người Việt thì người ta sẽ nghiên cứu cả 2 dân tộc, đó là người Tiền Việt Mường (Môn Khơme) và người Tày Thái. Qua nghiên cứu, tôi tìm thấy trong mô hình văn hóa lúa nước của người Tày Thái mà người Việt đã mô phỏng, người Tày Thái đã có thờ cúng tổ tiên và họ đã chia ra ba loại ma (những người đã chết) là: phi hươn (ma nhà), phi bạn (ma của làng) và phi mường (ma của mường, tức là của cả cộng đồng lớn).

Rõ ràng quan niệm của người Việt đã mô phỏng theo mô hình ấy. Cho nên người Việt Nam ta cũng thờ cúng tổ tiên trong gia đình, dòng họ rồi tổ tiên trong cộng đồng. Tổ tiên trong cộng đồng bao gồm: ông tổ của làng là Thành hoàng làng (tương ứng với phi bạn) và Vua Hùng, tổ tiên của dân tộc (tương ứng với phi mường). Như vậy, rõ ràng ở nước ta, việc thờ cúng tổ tiên có từ khi hình thành người Việt và chia ra tổ tiên trong gia đình, tổ tiên trong một làng và tổ tiên trong cộng đồng của cả dân tộc. Tín ngưỡng này được duy trì đến ngày nay.

- Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên mang một ý nghĩa nhân văn lớn lao, thưa Giáo sư?

- GS.TS Phạm Đức Dương: Thờ cúng tổ tiên là 1 trong những loại tín ngưỡng cổ sơ nhất của con người và nó mang một ý nghĩa vô cũng nhân văn với con người. Việc làm này có hai nghĩa, một là thể hiện lòng biết ơn đối với người đã sinh thành ra mình, biểu thị đạo lý “uống nước nhớ nguồn”; thứ hai là cầu mong cho tổ tiên sống được bình yên và phù hộ, độ trì cho con cháu được mạnh khỏe, tốt đẹp trong cuộc đời này. Ngày xưa cụ Nguyễn Đình Chiểu gọi đó là “đạo nhà” tức là cái đạo của người Việt Nam. Và người Việt Nam coi thờ cúng tổ tiên là đạo, giúp cho con người giữ được phẩm chất, đạo đức của mình.

Người Mường là dân tộc rất gần với người Việt. Khi có người chết, người Mường tổ chức rất trang trọng để tiễn đưa người chết về thế giới bên kia. Nó thể hiện tính chất nhân văn của nó. Ở người Mường có sử thi Đẻ đất đẻ nước và những bài mo gọi là tang ca, tức là những bài ca trong nghi lễ đưa tang. Nếu tổ chức hoàn thiện, thầy mo phải đọc tang ca 12 ngày đêm cho 1 linh hồn đi ra. Trong tang ca ấy, lời kể của thầy mo làm cho người chết nhớ đến con cháu, nhớ lại từ luống cày, con chó, con mèo… ở cạnh mình khi còn sống; tang ca cũng dẫn linh hồn người chết đi về nhìn họ hàng ở thế giới bên kia, đi lên trời để hầu kiện bởi vì những súc vật bị con người ăn thịt thưa kiện, trở về thăm lại người đang sống… Tất cả những thủ tục, nghi thức đó đều nói lên sự yêu mến, yêu thương người ra đi của con cháu và chia sẻ những yêu thương của người ra đi với người còn lại, làm cho tình cảm của người chết và người sống càng da diết, càng sâu sắc.

- Thưa Giáo sư, trong ngày Tết của người Việt Nam, việc thờ cúng tổ tiên có vị trí và ý nghĩa như thế nào?

- GS.TS Phạm Đức Dương: Tết đến là dịp vui nhất, trong niềm vui ấy có sự thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên. Dù ai đi đâu về đâu người ta cũng muốn trở về quê hương, sum họp gia đình và để được thờ cúng tổ tiên. Bây giờ xã hội hiện đại rồi, thậm chí có những người xa quê không thể chuẩn bị nồi bánh chưng, không có thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, nhưng người ta vẫn có thể làm một cái gì đó để ngày Tết người ta nhớ đến tổ tiên. Trong ngày Tết, những nghi thức mời tổ tiên về rất trọng vọng.

Hơn thế nữa, tất cả việc làm của người ta trong ngày Tết đều nghĩ đến tổ tiên. Từ việc chọn một cành đào, một bông hoa, một mâm ngũ quả cho đến sắm sửa các đồ trang hoàng, lễ lạt trong nhà thì đều là chuẩn bị một không khí Tết, nhưng thực ra đó là không khí đón tổ tiên. Việc cúng bánh chưng ngày Tết tức là đem những thành quả lao động trong một năm của mình để dâng lên tổ tiên… Tất cả những gì tốt lành nhất, trang trọng nhất, thì việc đầu tiên người ta thờ tổ tiên, sau đó con cái mới thụ lộc. Việc làm đó vừa thể hiện sự nhớ ơn tổ tiên, vừa làm cho con người sống trung thực hơn, tốt đẹp hơn, xứng đáng với tổ tiên, có tác dụng giáo dục con người rất sâu sắc.

- Có thể nói, chính bởi có đức tin thiêng liêng, lành mạnh mà người Việt Nam đã xây dựng cho mình một nét văn hóa tâm linh đặc sắc. Nhưng ranh giới giữa chính tín và mê tín cũng rất mong manh, thưa Giáo sư?

- GS.TS Phạm Đức Dương:
Khoảng cách giữa chính tín và mê tín mỏng manh như một sợi tóc. Khả năng mê tín rất dễ bởi vì cùng một cái đó, chính tín là trong anh có một đức tin tâm linh và anh thể hiện đức tin ấy bằng tất cả tấm lòng của anh và thực hành đức tin ấy theo tâm nguyện của anh. Nhưng anh lại nghĩ rằng anh dựa vào cúng lễ để mưu cầu một cái lợi gì đó thì là mê tín. Ngay trong thờ cúng tổ tiên và đời sống tâm linh, ranh giới giữa chính tín và mê tín rất mỏng manh, con người ta hay nhầm lẫn, thêm vào đó còn có những người lợi dụng để kiếm ăn, đó là những người “buôn thần bán thánh”. Trong xã hội nào cũng thế, lúc nào cũng tồn tại song song 2 mặt, đi kèm mặt tích cực là mặt tiêu cực; trong xã hội dân trí thấp thì có khi mặt tiêu cực rất lớn. Vì thế phải giúp cho con người nhìn một cách toàn diện hơn, đa dạng hơn để họ thấy cả mặt phải, cả mặt trái; mặt phải thì hướng cho người ta hành động, mặt trái hướng cho người ta sự răn đe.  

Con người khác với con vật, một trong những điều ấy chính là đức tin tâm linh. Như thế, còn con người là còn đức tin tâm linh mà ai đó muốn xóa đi tức là không hiểu con người, ai đó muốn tô vẽ thêm cũng không hiểu con người. Còn con người thì còn đức tin tâm linh và do đó tín ngưỡng, tôn giáo đồng hành cùng khoa học bởi vì khoa học giúp cho con người lý giải những hiện tượng mà con người chưa biết và do đó khoa học vì con người càng phát triển thì đức tin tâm linh của con người ngày càng trong sáng hơn và càng không bị sai lầm.

- Thưa Giáo sư, làm thế nào để giữ gìn và phát huy vốn văn hóa tốt đẹp này của dân tộc trong thời đại hiện nay?

- GS.TS Phạm Đức Dương: Khi xã hội càng hiện đại, đồng tiền càng “lên ngôi” thì các giá trị đạo đức của con người càng bị xói mòn, cho nên thờ cúng tổ tiên bây giờ lại mang một ý nghĩa thời đại sâu sắc. Làm sao để người Việt Nam giữ được văn hóa tốt đẹp của mình trong bối cảnh giao lưu văn hóa diễn ra mạnh mẽ  và cuộc sống ngày càng hiện đại, nhiều giá trị văn hóa truyền thống bị lãng quên?

Cái may nhất của chúng ta là còn lại một thứ không thể gì bào mòn đi được là thờ cúng tổ tiên. Vì thế chúng ta phải phát huy cái đó lên. Những yếu tố cũ chắc chắn sẽ phải thay đổi, ngày nay người ta không phải vui Tết bằng thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ… mà còn có nhiều thứ khác tốt hơn, nhưng giá trị tinh thần, giá trị của dân tộc phải được thể hiện. Nếu anh thay đổi những hình thức biểu hiện bên ngoài, đó là điều tất nhiên vì anh đi vào hiện đại, nhưng làm sao để anh giữ được giá trị truyền thống. Cho nên tôi cho rằng không phải chúng ta đưa nguyên xi truyền thống vào trong đời sống hiện đại mà chúng ta phải hóa thân truyền thống ấy vào trong đời sống hiện đại.

Chúng ta không những gìn giữ mà phải phát triển theo tâm thức mới, tức là chúng ta làm cho người dân hiểu biết được bản chất của đức tin tâm linh là bản chất người của con người và càng hiểu sâu sắc thì nó càng làm cho con người hoạt động, làm việc, tư duy có định hướng giá trị, tránh những điều làm hại đến con người, bớt lừa lọc, bớt bon chen, bớt đố kỵ lẫn nhau, làm xã hội hiền hoà hơn.

- Xin cảm ơn Giáo sư

Phạm Liên thực hiện