“Trân Châu Cảng” ở Việt Nam
Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân ta diễn ra trên khắp miền Nam là đòn tấn công bất ngờ, gây chấn động cho Mỹ và thế giới. Đánh giá về sự kiện này, trong cuốn Vietnam - A History (Việt Nam - Một thiên lịch sử), nhà báo Stanley Karnow ví đây là trận “Trân Châu Cảng” ở Việt Nam.
![]() Quân ta tiến công |
Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân được xem là một điểm hay về nghệ thuật quân sự, một đòn bất ngờ lớn đối với đế quốc Mỹ. Bởi những cuộc tập kích diễn ra trên tất cả các vùng chiến lược, từ đô thị, nông thôn, miền núi khắp miền Nam. Việc xác định hướng tiến công và mục tiêu như vậy nhằm khiến cho địch không kịp phản ứng, đồng thời cũng gây tiếng vang lớn, nhất là việc tấn công vào các cơ quan đầu não, các trung tâm chỉ huy và các kho tàng lớn của địch. Ngoài ra, thời điểm để ta tiến công cũng được xem là một bất ngờ, vì đúng vào thời khắc giao thừa, đón Tết, khiến cho địch mất cảnh giác. Bên cạnh đó, cuộc tấn công này còn được xem là bất ngờ đối với đế quốc Mỹ khi nội tình lúc đó đang có những bất đồng lớn, “tiến thoái lưỡng nan”, ngập ngừng về chiến lược, sách lược trong cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam. Đây cũng là năm nhạy cảm bởi sẽ diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống. Hơn nữa, những thất bại trên chiến trường ở hai mùa khô (1967 - 1968) đã, đang và đẩy Mỹ sa lầy, dẫn đến khủng hoảng trầm trọng trên chiến trường miền Nam. Việc cử tướng Eagle G.Wheeler, Tham mưu trưởng liên quân Mỹ sang thị sát ở miền Nam trước khi cuộc Tổng tấn công diễn ra, cùng với bản đề nghị tăng thêm 206.756 quân Mỹ, dưới con mắt của nhiều người, đây là bằng chứng rõ nhất về sự phá sản của chiến lược quân sự của Mỹ ở Việt Nam, nhất là chiến lược “chiến tranh cục bộ”.
![]() Những chuyến hàng chi viện cho chiến trường |
Đòn tấn công bất ngờ của quân và dân ta đã làm cho địch thực sự lúng túng, nên chỉ trong một thời gian ngắn, quân và dân ta đã làm chủ nhiều vùng chiến lược. Ở hướng tấn công vào đô thị Sài Gòn, chúng ta đã đánh chiếm toàn bộ các mục tiêu trọng yếu như Tòa Đại sứ Mỹ, dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Bộ Tư lệnh biệt khu thủ đô, Tổng nha Cảnh sát, sân bay Tân Sơn Nhất, Đài phát thanh, Sở chỉ huy các sư đoàn bộ binh số 1, 9, 25, 101... Có những trận đánh diễn ra rất nhanh, địch không có đủ thời gian để đối phó. Ví như trận đánh vào Đại sứ quán Mỹ, sau khi nổ súng ta đã chiếm ngay được tầng một và chỉ 5 phút sau đã đánh chiếm được tầng hai, bắt được một số tù binh, thu toàn bộ vũ khí, trang thiết bị và khóa trái cửa lại. Hay như trận đánh ở đài phát thanh Sài Gòn, cũng chỉ 5 phút sau khi nổ súng ta đã làm chủ hoàn toàn khu vực.
Trên hướng tấn công vào vùng nông thôn, rừng núi và hệ thống giao thông, thông tin, kho hàng... kết hợp cùng với nhân dân, chúng ta đã kiểm soát được 37/44 tỉnh, 4 thành phố, 64 thị xã, thị trấn, quận lỵ... trên khắp miền Nam. Ở Huế, sau 4 ngày tiến công (từ 2h33 ngày 31.1.1968), quân và dân ta đã đánh chiếm hầu hết mục tiêu quan trọng của địch như dinh Tỉnh trưởng, đồn cảnh sát, đài phát thanh, khách sạn Thuận Hóa, Hương Giang... và làm chủ thành phố trong 25 ngày đêm, trước khi địch tổ chức hàng trăm trận phản kích. Đi đôi với tiến công quân sự, hàng chục vạn quần chúng nhân dân ở khắp miền Nam, từ nông thôn, rừng núi và đô thị đã nổi dậy phối hợp với lực lượng vũ trang, trừng trị bọn ác ôn ngoan cố, phá ách kìm kẹp, giành quyền làm chủ, làm tê liệt hệ thống giao thông và thông tin liên lạc của địch.
Có thể thấy, nhờ có sự chỉ đạo tài tình, sắc bén và sáng tạo của Đảng, cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 đã giáng một đòn bất ngờ, đánh vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 150.000 địch, trong đó có 45.000 lính Mỹ và chư hầu; phá hủy khối lượng hàng hóa vật chất và phương tiện chiến tranh của địch, bắn rơi 2.370 máy bay các loại, bắn chìm 233 tàu chiến, bắn cháy 3.500 xe quân sự, trong đó có 1.750 xe bọc thép...
Trong cuốn Việt Nam - cuộc chiến tranh mười nghìn ngày, tác giả Misen Madia đã viết: “Chiến tranh Việt Nam có nhiều bất ngờ, nhưng không có bất ngờ nào làm người ta phải sửng sốt nhiều hơn trận tấn công Tết, đặc biệt nó diễn ra ngay trong Sứ quán Mỹ ở Sài Gòn. Nó đã làm cho một số người phải ra đi. Đó là Bộ trưởng Macnamara, tướng Westmoreland và chính Tổng thống Johnson nữa”.