Ký ức Weimar

Quốc Đạt
Theo PS
02/02/2013 08:54

Cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất của chủ nghĩa tư bản kể từ thời kỳ đại suy thoái những năm 1930 đang gợi lại những ký ức tồi tệ ở cả hai bờ Đại Tây Dương.

Hồn ma Franklin Delano Roosevelt đang ám ảnh nước Mỹ của Barack Obama khi những tranh cãi lịch sử liên quan đến chính sách Kinh tế mới (tổ hợp các đạo luật, chính sách, giải pháp nhằm đưa Mỹ thoát khỏi cuộc đại suy thoái 1929 - 1933) trở thành chủ đề của cuộc tranh luận về chính sách tài chính - tiền tệ nói chung và các biện pháp nới lỏng định lượng của Cục Dự trữ Liên bang nói riêng. Còn tại châu Âu, nơi thất bại kinh tế từng dẫn đến sự sụp đổ của các nền dân chủ những năm 1930, người ta đang tự hỏi liệu lịch sử có lặp lại? Một số người đã nhìn thấy “những khoảnh khắc Weimar” trong chính sách thắt lưng buộc bụng không được lòng dân và tỷ lệ thất nghiệp cao chót vót ở các nước châu Âu hiện nay, điều từng là đặc trưng của nước Đức thời Heinrich Brüning. 

Ký ức Weimar ảnh 1
Nguồn: latuff cartoons

Thoạt đầu, người ta có nhiều lý do để không tin vào một kịch bản tồi tệ. Nếu phải kể đến một thành công nào đó của Liên minh châu Âu, thì hẳn đó là việc liên minh này đã ngăn chặn thành công chiến tranh Pháp - Đức, huống chi bối cảnh địa chính trị hiện tại không còn đáng ngại như thời những năm 1930. Hơn nữa, chủ nghĩa cực đoan từng gây kích động và chia rẽ lục địa già trong quá khứ mặc dù nhen nhóm trở lại nhưng khó trở thành làn sóng rộng khắp như trước kia. Những nhà nước thừa kế từ Chủ nghĩa phát xít là Đức, Italy, Pháp phải sống với nỗi ám ảnh quá khứ. Ký ức sống động về chiến tranh và diệt chủng thường xuyên sống dậy, đập tan bất kỳ ý tưởng cực hữu nào manh nha. Đó cũng là lý do tại sao người ta không thấy sự trở lại của chế độ quân phiệt ở Nam Âu hay bất kỳ nơi nào khác. Cuối cùng, một sự khác biệt cơ bản nhất nhưng ít được chú ý, đó là sự thờ ơ của công chúng đối với đời sống chính trị. Vào những năm 30 của thế kỷ trước, người ta chứng kiến hàng triệu người tuần hành vì những sự kiện lớn trong ngày và hàng trăm ngàn người tham gia hoạt động trong các đảng phái chính trị như một phần cuộc sống của họ. Ngày nay, các cuộc tuần hành hay biểu tình chỉ là sự gợi nhớ yếu ớt của quá khứ trong khi chính đảng ở khắp các quốc gia châu Âu đang đối mặt với tình trạng chảy máu thành viên.

Nhưng sẽ là vội vàng nếu kết luận rằng cuộc đại khủng hoảng kinh tế giữa hai cuộc chiến tranh thế giới không để lại cho châu Âu bài học nào. Trong những năm 1930, Mỹ và Anh nằm trong số ít các quốc gia ở phương Tây mà hệ thống lưỡng đảng sống sót. Còn ở hầu hết những nơi khác, các nước đều chuyển hướng sang cánh hữu. Ở Đức và Italy, các đảng phái phát xít lên nắm quyền trong khi ở những nơi khác, các chế độ kẻ độc tài lên ngôi nhờ sự hậu thuẫn của quân đội hoặc hoàng gia.

Dường như chủ nghĩa cực đoan sẽ nảy mầm khi nền chính trị dân chủ sụp đổ. Điều đó chứng tỏ rằng, dân chủ không phải là một điều kiện sẵn có, càng không phải là đích đến cuối cùng của lịch sử, nơi sự ổn định và trường tồn của nó là tất yếu. Ngược lại, sức sống của dân chủ có thể suy giảm nhanh chóng nếu nó khuất phục trước những thất bại mang tính hệ thống, dù thất bại đó được thể hiện trên chiến trường như ở nước Pháp những năm 1940 hay trong các tập đoàn, các nhà máy ở nước Đức những năm 1930.

Những người không tin ký ức Weimar trở lại có thể nhìn vào quốc gia châu Âu đang gặp khó khăn nhất trong cuộc khủng hoảng hiện nay – Hy Lạp. Sau khi chính quyền quân sự sụp đổ năm 1974, chính quyền dân chủ được tái thành lập tại Hy Lạp và bản hiến pháp dân chủ được ban hành vào năm 1975. Đảng Dân chủ mới của cựu Thủ tướng Constantine Karamanlis và đảng Phong trào Xã hội Chủ nghĩa Hy Lạp (PASOK) của Andreas Papandreou thay nhau nắm quyền, thúc đẩy tiến trình gia nhập châu Âu và trở thành nhân tố giúp ổn định chính trị.

Năm 2011, khủng hoảng ập đến, Chính quyền trung tả PASOK buộc phải đáp ứng mọi đòi hỏi của các chủ nợ châu Âu để giữ cho Hy Lạp chiếc ghế thành viên EU và tránh cho Hy Lạp nguy cơ vỡ nợ. Kết quả là, tỷ lệ ủng hộ của người dân đối với chính phủ giảm từ 44% xuống còn 12%. Đúng vào dịp châu Âu kỷ niệm 67 năm ngày chiến thắng phát xít Đức, người ta dường như không tin nổi việc các cử tri Hy Lạp giận dữ với chính quyền hiện hành, đã dành tới 7% số phiếu bầu cho đảng Bình minh vàng - một đảng cực hữu phát xít mới có tư tưởng bài ngoại. Bình minh vàng trở thành đảng cực hữu đầu tiên có mặt trong Quốc hội Hy Lạp kể từ khi chế độ độc tài quân sự sụp đổ. Tuy việc giành được 21/300 ghế tại Quốc hội không đủ để đưa đảng Bình minh vàng lên nắm quyền, nhưng điều đó không ngăn cản thủ lĩnh của đảng này là Nikos Michaloliakos nói về chiến dịch “làm sạch Athens”, hay kêu gọi gài mìn dọc biên giới để ngăn chặn những người nhập cư bất hợp pháp.

Ngay sau đó, người ta chứng kiến một làn sóng cực đoan lan khắp châu Âu. Chúng ủng hộ việc quay về quá khứ, chấm dứt Liên minh châu Âu (EU), trở lại các quốc gia dân tộc, tập trung vào sự “thuần khiết” chủng tộc và văn hóa, từ bỏ NATO và trật tự kinh tế toàn cầu. Ở Pháp, con gái nhà sáng lập đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (FN), Marie Le Pen, khiến dư luận sửng sốt bằng kỷ lục phiếu bầu 18% trong cuộc bầu cử hồi tháng 6.2012, cao hơn cả tỷ lệ của cha mình thời kỳ thăng hoa nhất của FN cách đây 10 năm. Tại Italy, phong trào Năm sao có tư tưởng bài EU, chống nhập cư và nhà thờ do nghệ sỹ hài Beppe Grillo đứng đầu, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử địa phương ở Sicily, tiếp tục chạy đua chuẩn bị cho cuộc bầu cử toàn quốc. Ở Áo, đảng Tự do cực hữu nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ, còn ở Phần Lan, đảng cực hữu đã giành được đến 19% số ghế Quốc hội trong kỳ bầu cử Quốc hội. 

Nora Langenbacher, người đứng đầu dự án chống lại chủ nghĩa cực đoan cánh hữu thuộc Quỹ Friedrich Ebert tại Béclin, nói: “Trong những thời điểm khủng hoảng, những kẻ cực đoan và dân túy cánh hữu tìm cách lợi dụng sự lo sợ của công dân để thúc đẩy sự nghiệp của chúng bằng cách đưa ra những câu trả lời đơn giản cho các thách thức xã hội phức tạp”. 

Hy Lạp ngày nay không phải nước cộng hòa Weimar của nhiều thập kỷ trước, nhưng những gì diễn ra tại đây cho thấy những nền dân chủ đầu thế kỷ XXI bị phá hủy và xói mòn nhanh chóng như thế nào bởi khủng hoảng kinh tế, bởi các chính sách thắt lưng buộc bụng và sự thất bại của các nhà lãnh đạo. Châu Âu vẫn chưa biết điều gì sẽ chờ đón họ sau khủng hoảng, nhưng điều đó không có nghĩa là bóng ma Weimar không có thực.

Quốc Đạt<BR>Theo <I>PS</I>