Đại Việt sử ký toàn thư do Ngô Sỹ Liên làm chủ biên, ghi sự việc như sau: “Tháng 8, ngày mồng 4 (năm Nhâm Tuất 1442) vua (Lê Thái Tông) đi tuần thú trở về đến huyện Gia Định (nay là huyện Gia Bình, Bắc Ninh), bỗng bị bệnh ác rồi băng. Trước đây vua thích vợ của thừa chỉ Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ, người đẹp, văn chương hay, gọi vào cung làm Lễ nghi học sỹ, ngày đêm hầu bên cạnh. Đến khi đi tuần miền Đông, về đến vườn Lệ Chi, xã Đại Lại, trên sông Thiên Đức, vua thức suốt đêm với Thị Lộ rồi băng. Các quan bí mật đưa về, ngày mồng 6 đến kinh sư, nửa đêm đem vào cung mới phát tang. Mọi người đều nói là Nguyễn Thị Lộ giết vua... Ngày 16, giết Hành khiển Nguyễn Trãi và vợ là Nguyễn Thị Lộ, giết đến ba đời”.
Sự việc gây dư luận sôi nổi trong xã hội, không ai có thể nghi ngờ lòng trong sáng, trung quân của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Giữa lúc ấy thì câu chuyện “rắn báo oán” được tung ra làm lạc hướng suy nghĩ của mọi người.
Chuyện kể rằng: thời Nguyễn Trãi còn dạy học ở quê là làng Nhị Khê, một đêm nằm mê thấy một phụ nữ mặc quần áo trắng dẫn theo một đàn con đến xin tha chết, hoãn việc dọn vườn để mẹ con họ đi khỏi. Ông thiếp đi, dậy muộn, thì người nhà vào báo khi dọn vườn thấy một ổ rắn, con rắn mẹ màu trắng bị nhát cuốc bổ vào đứt khúc đuôi chạy mất, còn lũ rắn con bị giết. Tối hôm ấy, Nguyễn Trãi ngồi bên án thư đọc sách, nghe thấy tiếng động trên mái nhà, ngó lên xem thấy con rắn trắng thò cổ nhìn ông. Ông đứng lên đuổi. Con rắn bò đi, cái đuôi cụt nhỏ xuống một giọt máu vào đúng chữ “đại” thấm qua ba trang sách. Đó là điểm báo trước ông sẽ bị tru di ba đời.
Về sau, Nguyễn Trãi trở về Thăng Long, một hôm đi qua đền Quán Thánh bên phía Hồ Tây gặp một cô gái xinh đẹp bán chiếu. Ông bèn ướm hỏi: Ả ở đâu ta bán chiếu gon?/ Hỏi chăng chiếu ấy hết hay còn?/ Xuân xanh chừng độ bao nhiêu tuổi?/ Đã có chồng chưa, được mấy con? Cô bán chiếu đáp: Thiếp ở Tây Hồ bán chiếu gon/ Cớ chi ông hỏi hết hay còn/ Xuân xanh vừa độ trăng tròn lẻ/ Chồng còn chưa có, hỏi chi con. Giai nhân và tài tử gặp nhau nên bén duyên từ độ ấy. Nguyễn Trãi có biết đâu con rắn trắng đã hóa vào nàng Thị Lộ để trả thù về sau. Cho nên khi Nguyễn Thị Lộ bị đem đi hành quyết đã rùng mình cựa đứt dây trói, hóa thành con rắn bò xuống nước biến mất.
Câu chuyện “rắn báo oán” đã xóa nhòa dư luận đang cố gắng tìm ra kẻ hại người trung thực. Thời gian cứ trôi đi. Đến khi Hoàng tử Tư Thành lên ngôi vua Lê Thánh Tông đã vì tình xưa cứu giúp mẹ con ông bị Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh khép tội, Nguyễn Trãi và Thị Lộ đã đưa bà phi Ngô Thị Ngọc Giao ra ẩn ở chùa Huy Văn để sinh con, Nguyễn Trãi được nhà vua hạ chỉ tẩy oan sau đó 20 năm và ca ngợi công đức của ông là: Ức Trai tâm thượng quang Khuê Tảo (Tấm lòng của Ức Trai với nước sáng vằng vặc như sao Khuê, sao Tảo). Lại 20 năm nữa, triều Lê mới phong tặng Nguyễn Trãi tước Tế Văn Hầu, thấp hơn nhiều chức tước mà ông đã nhận khi trước.
Nhưng chỉ có Nguyễn Trãi được minh oan, còn bà Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ vẫn nguyên án giết vua.
Chuyện “rắn báo oán” rõ ràng do triều đình thêu dệt để tránh búa rìu dư luận mà thôi. Vì nếu minh oan cho bà Lộ thì sai trái là do triều đình - một việc mà triều Lê không dám làm.
Việc huyền thoại hóa bà Lộ nguyên là rắn có thể là một phiên bản khác của Trung Quốc về Chu Tuệ và Kiều Oanh. Vào thời Minh, vua Mục Tông lên ngôi đã gạt bỏ các gian thần và những người không tin tưởng, trong đó lại có đại thần Chu Tuệ tài năng vào bậc nhất triều đình. Ông không oán giận, lui về quê ở Hàng Châu gần sông Tiền Đường. Một ngày, ông đi dạo gặp người con gái xinh đẹp đi bán hoa bèn cất lời ướm hỏi: Người ngọc từ đâu tới/ Hoa tươi hết hay còn/ Xuân xanh chừng bao tuổi/ Có chồng chưa, mấy con? Người con gái ấy là Kiều Oanh, cảm kích trước câu hỏi phong tình đã nở nụ cười và đáp lại: Thiếp ở Hàng Châu bán hoa tươi/ Cớ sao chàng hỏi hết hay còn/ Xuân xanh vừa độ trăng tròn lẻ/ Chưa có chồng sao lại có con. Qua cuộc đối thơ, Kiều Oanh trở thành tiểu thiếp của ông Chu.
Lần ấy, Thái tử đi du ngoạn đến Giang Nam nghe Chu Tuệ có người thiếp tài sắc tuyệt vời, bèn ghé thăm. Chu Tuệ mở tiệc chiêu đãi và để Kiều Oanh chủ trì cuộc tiếp. Cuộc xướng họa đã khuya, Chu Tuệ cáo tuổi già lui về nghỉ. Trong phòng khách chỉ còn Thái tử và Kiều Oanh. Sáng ra, Chu Tuệ vào phòng thấy Thái tử đã chết, Kiều Oanh nằm gục ở cuối phòng. Triều đình xử tội Chu Tuệ với án tru di tam tộc. Trước khi chết, Chu Tuệ kể cho vợ con nghe về câu chuyện đã xảy ra từ lâu. Một đêm, ông nằm mơ thấy người đàn bà đẹp đến xin hoãn việc dọn nhà. Sáng ra, ông tỉnh giấc thì đã muộn, gia nhân đã dọn vườn, chặt cây, giết chết 5 con rắn con. Đến tối, ông đang ngồi đọc sách lòng băn khoăn về giấc mơ thì thấy một con rắn hoa bò trên xà nhà, ông chắp tay khấn vái xin lượng thứ, nhưng rắn mẹ đã há miệng để rơi xuống một giọt máu thấm qua 3 trang sách. Ông lại chợt nhớ ra người con gái trong mơ có khuôn mặt rất giống Kiều Oanh.
Câu chuyện “rắn báo oán” của Trung Quốc phải chăng đã được cải biên thành chuyện “rắn báo oán” nói về Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ? Điều cốt yếu là phải gạt bỏ những điều huyền bí, lấy lại sự trong sáng cho Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ đã bị bọn quyền thế trong triều ghép tội bà để có cớ hãm hại trung thần Nguyễn Trãi. Vua chúa phong kiến bao đời không minh oan cho bà, ngày nay nhân dân ta phải khôi phục sự trong trắng và minh oan cho bà xứng đáng là một anh thư trong lịch sử đất nước.
Tại thôn Khuyến Lương, xã Trần Phú, huyện Thanh Trì trước đây, nay là phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, là nơi duy nhất ở Thủ đô Hà Nội có đền thờ bà Nguyễn Thị Lộ. Đây là nơi hai ông bà có một thời mở trường dạy học mà trong thơ Nguyễn Trãi từng viết là “góc thành Nam lều một gian”.
Giang Quân