Thẩm quyền và chức năng

Minh Thy 01/02/2013 08:48

Trong số các thẩm quyền của tư pháp, kiểm hiến là hòn đá tảng của quyền lực tư pháp trong hầu hết các nền dân chủ hiện đại. Kiểm hiến đặt ra yêu cầu cần bảo đảm rằng luật và các hành vi của chính quyền phải tuân thủ hiến pháp, cho dù nội dung luật và các hành vi đó liên quan đến vấn đề thẩm quyền của chính quyền để hành động, đến cấu trúc chính quyền, đến sự phân chia quyền lực hay những điều bị cấm thực hiện như vi phạm quyền tự do cá nhân được ghi nhận bởi Hiến pháp.

Bên cạnh kiểm hiến, hiến pháp còn có thể trao cho tòa án quyền tác động đến việc làm luật thông qua những phương tiện khác. Một trong số đó là quyền đưa ra các ý kiến tư vấn về tính hợp hiến của đạo luật, trước hoặc sau khi nó được ban hành. Phương cách thứ hai là cho phép sự tham gia của tư pháp vào quá trình sửa đổi hiến pháp. Tư pháp còn có thể có cả quyền giám sát chung đối với các nhánh quyền khác hoặc đối với các cơ quan hành chính. Hiến pháp có thể trao cho tư pháp vai trò nhất định trong quá trình luận tội nguyên thủ quốc gia hay trong việc giải tán quốc hội. Ngoài ra, tòa án còn có thể điều hòa các đảng phái chính trị hoặc giám sát quá trình bầu cử. Một số hiến pháp – để duy trì trật tự và tránh lạm quyền trong thời gian khủng hoảng - yêu cầu nhánh hành pháp phải có sự đồng thuận của tư pháp trước khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

Để thực hiện các thẩm quyền của mình, tòa án có chức năng cơ bản là áp dụng pháp luật không thiên vị đối với các tranh chấp đưa ra trước tòa. Chức năng này có mối liên hệ mật thiết với sự ổn định và tính chính danh của nhánh tư pháp và trật tự hiến pháp. Sự không thiên vị là yếu tố nền tảng. Theo đó, các thẩm phán phải xem xét các tình tiết một cách không định kiến và áp dụng pháp luật công bằng, không bị ảnh hưởng bởi các quan điểm chính trị hay thiên kiến cá nhân. Sự không thiên vị không chỉ tạo khả năng tốt nhất cho việc bảo đảm công lý trong việc xử lý tranh chấp mà nó còn tạo lập sự tin cậy và niềm tin cho thiết chế tư pháp. Sự không thiên vị đồng thời tạo chuẩn mực cho các thẩm phán thực hiện các chức năng khác, bao gồm cả chức năng quan trọng là bảo vệ tính vẹn toàn của hiến pháp.

Tuy nhiên, có thể hai thẩm phán cùng xét xử không thiên vị nhưng lại đi đến những phán quyết khác nhau đối với những vụ việc có tình tiết như nhau. Áp dụng pháp luật cho các tình tiết để giải quyết một tranh chấp hoặc một vụ án cụ thể yêu cầu việc giải thích pháp luật hoặc việc tìm hiểu xem luật đòi hỏi điều gì trong một tình huống cụ thể mà có thể không lường trước đó. Trách nhiệm áp dụng pháp luật do đó đòi hỏi một mức độ quyền lực nhất định trong việc xem xét ngữ nghĩa của luật. Thẩm phán vì vậy cần phải có chức năng sáng tạo nhất định, tuy nhiên chức năng đó không khi nào là tuyệt đối. Một số công cụ khác, như cơ chế phúc thẩm, những đạo luật chi tiết hay việc tôn trọng các tiền lệ được thiết lập trong các vụ án trước đã kiềm chế sự sáng tạo thái quá của thẩm phán và giúp duy trì sự áp dụng pháp luật thống nhất trong toàn nhánh tư pháp.

Như vậy, hoạt động giải thích và áp dụng pháp luật được xem là một quyền lực thiết yếu của nhánh tư pháp và cũng là nội dung thiết yếu đối với khái niệm pháp quyền. Khái niệm này đặt ra nhiều tiêu chí, trong đó có tiêu chí về sự bình đẳng trước pháp luật, sự công bằng trong việc áp dụng pháp luật và khả năng tiếp cận các thiết chế công lý như tòa án hiệu năng. Chức năng áp dụng pháp luật cũng đề cập những hoạt động cơ bản của các nhánh quyền lực khác, đặc biệt là các hoạt động trong quá trình lập pháp.

Minh Thy