Dân số Nhật Bản đạt mức đỉnh điểm vào năm 2004 và đã liên tục giảm sút kể từ đó. Theo số liệu dự báo của Viện nghiên cứu chính sách xã hội và dân số quốc gia Nhật, 40% dân số Nhật vào năm 2050 sẽ ở vào mức 65 tuổi trở lên. Hiện tại số người ở vào độ tuổi này tại Nhật đã là 23%, so với chỉ 13% dân số từ 15 tuổi trở xuống. Tỷ lệ sinh tự nhiên của nữ giới Nhật hiện là 1,3 con – thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Đây là lý do khiến dân số Nhật được dự báo sẽ sụt giảm xuống còn 90 triệu trong vòng 50 năm tới, và xuống còn 40 triệu trong vòng một thế kỷ.
Chưa từng có một quốc gia nào, dù phải chịu họa chiến tranh hay dịch bệnh lại có sự sụt giảm dân số nhanh chóng đến vậy, và lịch sử cũng chưa bao giờ ghi nhận một tiền lệ nào về sự lão hóa trong nhân khẩu trầm trọng đến thế. Rõ ràng, Nhật Bản cần một “liều thuốc trường sinh” ngay bây giờ. Liều thuốc đó là người nhập cư.
Ông Sakanaka tuyên bố: Nhật Bản cần nhập khẩu 10 triệu lao động từ nay cho đến năm 2050. Trở thành một “quốc gia của dân nhập cư” chưa bao giờ là điều Nhật Bản mong muốn. Trong suốt 250 năm kể từ thế kỷ XVII, nơi đây được biết đến như một “quốc gia bế quan tỏa cảng” theo nghĩa đen. Việc xâm nhập và rời khỏi đảo quốc mà không có giấy phép đặc biệt bị xem là trọng tội. Phải đợi đến khi có sự xâm lăng thô bạo bằng vũ trang của hạm đội tàu chiến Hải quân Mỹ vào năm 1853 (người Nhật gọi là “tàu đen”), quá trình theo đuổi các giá trị phương Tây một cách vội vã của xứ sở mặt trời mọc mới bắt đầu.
Ngày nay, dân số Nhật sinh ra tại lãnh thổ nước ngoài chiếm đến 1,7% tổng dân số, đây được xem như mức cao nhất từ trước đến nay đối với nước Nhật. Con số này là 10% tại các quốc gia phát triển khác, và 12% đối với Mỹ.
Song đây cũng lại là quốc gia mà có lần ông Sakanaka đã viết trong trong tiểu luận Con đường dẫn đến một quốc gia dành cho dân nhập cư theo truyền thống Nhật như sau: “Một nền văn minh Nhật Bản mới sẽ là một cộng đồng đa sắc tộc, điều chưa từng có quốc gia nào đạt được, và đến lúc đó, Nhật Bản sẽ đóng vai là một trong những trụ cột chính của văn minh nhân loại”.
Ông Sakanaka đã nói đúng về chi tiết chưa từng có quốc gia nào đạt được một cộng đồng đa sắc tộc đúng nghĩa. Ngay cả Mỹ, vốn thường tự hào là một “quốc gia của người nhập cư”, vẫn chưa bao giờ hoàn toàn thoát khỏi những vấn đề liên quan đến văn hóa và sắc tộc. Để làm được thế, nước Nhật phải tự “đổi mới” mình, và đây cũng là luận điểm khiến nhiều người bảo thủ lo ngại: nếu đổi mới quá mức, liệu Nhật Bản có còn là chính mình?
Đối với phần đông người Nhật chưa sẵn sàng cho một cuộc “lột xác” tầm cỡ quốc gia, ông Sakanaka trấn an: “Tôi tin rằng việc biến Nhật Bản thành quốc gia của người nhập cư sẽ là cuộc tái cơ cấu cuối cùng, đóng vai trò là liều thuốc chữa trị mọi vấn đề mà đất nước đang gặp phải”. Theo ông: “Người Nhật nên hiểu rằng họ đang sống trong giai đoạn khủng hoảng suy giảm dân số, và tất cả sẽ không thể sống yên ổn trong một thế giới khép kín chỉ toàn công dân Nhật. Cách duy nhất để tồn tại là xây dựng một xã hội chào đón người nhập cư”.
Không phải ai cũng đồng ý với ông Sakanaka. Vào năm 2008, nhà kinh tế học Goro Ono thuộc Đại học Saitama đã xuất bản cuốn sách nhan đề Chấp nhận lao động nước ngoài sẽ làm hỏng nước Nhật. Một cuộc thăm dò do báo Asahi Shimbun thực hiện vào năm 2010 với sự tham gia của 3.000 độc giả đã cho thấy, 65% số người được hỏi không ủng hộ ý tưởng của Sakanaka.
Nhật Bản từng có thời gian thực ý tưởng như Sakanaka đề xuất. Vào cuối thập niên 80, đầu thập niên 90, thời điểm bong bóng của nền kinh tế sắp vỡ, đảo quốc này đã lần đầu tiên chào đón 300.000 người Brazil gốc Nhật để giải quyết vấn nạn thiếu hụt lao động. Những quan chức từng cho rằng gốc gác Nhật Bản của những người Brazil nói trên sẽ giúp quá trình hòa nhập diễn ra êm dịu đã nhanh chóng thất vọng khi nền văn hóa phóng túng của Brazil xung đột mạnh mẽ với bản chất khép kín của văn hóa Nhật Bản. Nhiều người không vượt qua được rào cản ngôn ngữ. Trẻ con thì sớm bỏ học, thậm chí trở thành tội phạm. Tất cả chấm dứt vào năm 2009, chính quyền Nhật Bản chủ động trả chi phí cho những người nhập cư được bay về lại Brazil. Bài học này của quá khứ chắc chắn sẽ khiến ý tưởng của ông Sakanaka gặp khó khăn nếu ông muốn làm một cuộc cách mạng trong văn hóa và cách sống của người Nhật.
Vương Đỗ<br>Theo <i>Japan Times</i>