Thay nhiều nhưng chưa đổi lớn

Hải Dương 12/01/2013 08:51

Cùng với tái cơ cấu, việc quản trị DNNN gần đây đã có một số điểm mới, nhất là Chính phủ đã ban hành Nghị định 99/2012/NĐ-CP, thay thế Nghị định 132/2005/NĐ-CP về phân cấp phân quyền trong quản lý hay xây dựng cơ chế cho kiểm soát viên. Cùng với đó, có nhiều quy định pháp luật mới được ban hành nhưng xem ra chưa có sự đổi về chất.

<i>Thay</i> nhiều nhưng chưa <i>đổi</i> lớn ảnh 1
Nguồn: congluan.vn

Trước hết phải khẳng định, việc ban hành Nghị định 99/2012/NĐ-CP vào thời điểm tái cơ cấu là vô cùng quan trọng. Bởi đây có thể xem là “văn bản pháp luật gốc”. Từ việc phân rõ quyền trách nhiệm sẽ tạo điều kiện chủ động cho các đơn vị thực thi cũng như quản lý giám sát. Từ đây, những hạn chế cố hữu, trở thành câu cửa miệng của bao nhiêu người rằng: quản lý chồng chéo, không có ông chủ thực sự, không có người chịu trách nhiệm chính…

Nghị định 99 đã phân cấp khá rõ quyền trách nhiệm của Thủ tướng, bộ chủ quản, UBND tỉnh, thành và hội đồng thành viên. Thế nhưng, có điều một số người vẫn băn khoăn không biết đang cải tiến hay cải lùi vì chúng ta đang trở lại mô hình bộ chủ quản. Theo đó, sau khi Nghị định được ban hành, một số tổng công ty từ chỗ trực thuộc Thủ tướng nay đã trở về bộ. Cụ thể, tập đoàn HUD về Bộ Xây dựng, VNPT thuộc Bộ Thông tin Truyền thông… 

Cái được của mô hình bộ chủ quản là đúng chuyên môn hơn, trách nhiệm rõ ràng sẽ hạn chế tình trạng buông lỏng quản lý. Song một số DN vẫn lo rằng sẽ có sự can thiệp bằng hành chính, ảnh hưởng đến quyền tự chủ trong kinh doanh của DN. 

Bên cạnh đó, trong các quy định hiện hành vẫn chưa chấm dứt tình trạng “kiêm nhiệm” của những người quản lý nhà nước, công chức với quản lý doanh nghiệp. Điều này dù đã được nói từ lâu nhưng chúng ta vẫn áp dụng, mà SCIC là điển hình. Việc kiêm nhiệm này khó lòng bảo đảm hiệu quả của doanh nghiệp vì thứ nhất là thời gian sẽ không bảo đảm, thứ hai là kỹ năng công chức sử dụng để làm việc là kỹ năng quản trị công, còn kỹ năng của người làm trong một doanh nghiệp thì thuộc vào loại kỹ năng quản trị doanh nghiệp. Hai loại kỹ năng này là độc lập và được đào tạo riêng biệt. Do vậy không thể nói người làm tốt việc này cũng có thể làm tốt việc kia. 

Vì vậy, giao việc quản lý doanh nghiệp cho các bộ, có thể thấy rằng khó có thể nói là hiệu quả. Để DNNN hoạt động hiệu quả, việc quản lý DNNN cần phải được chuyên nghiệp hóa. Nhà nước cần phải thành lập một tổ chức chuyên quản lý DNNN. Cơ quan này cần xây dựng một hệ thống quản trị tài chính chung cho các DNNN để tránh tình trạng mỗi DN một kiểu và có thể hợp dữ liệu để có một bức tranh chung được. Hiện nay, chức năng kế toán tại đa số các DNNN chủ yếu còn mang tính thủ công, thuộc loại kế toán gộp, chủ yếu chỉ đáp ứng yêu cầu kế toán thuế. Hầu như chưa có doanh nghiệp nào tổ chức hoạt động kế toán quản trị đúng nghĩa. Cũng chính hạn chế này, chủ sởã hữu không thể quản lý được đồng vốn nhà nước. Còn tổng giám đốc cũng không quản lý được hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thành viên. 

Sau khi có được bức tranh toàn cảnh thì mọi phân tích, đánh giá mới có hiệu quả. Và đó là điều kiện tiên quyết, phải làm hiện nay. Bởi sắp tới, quy chế giám sát DNNN, Nghị định quản lý Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước… sẽ được ban hành. Từ đây, dữ liệu sẽ là cơ sở để các cơ quan quản lý cùng với trách nhiệm được giao sẽ có dữ liệu chuẩn để hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Hải Dương