Học lệch - một hiện tượng phản giáo dục cần xóa bỏ

Hoàng Phương 12/01/2013 08:49

Hiện tượng học lệch - chỉ tập trung vào những môn học chính, không quan tâm giáo dục toàn diện, đặc biệt không chú trọng đúng mức đến giáo dục đạo đức, giáo dục thể chất cho học sinh… đang là một thực trạng đáng lưu tâm hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không sớm chấn chỉnh thì chúng ta sẽ tạo ra những sản phẩm giáo dục “què quặt” - lệch lạc trong nhận thức, tư duy và lối sống...

Học lệch - một hiện tượng phản giáo dục cần xóa bỏ ảnh 1
Nguồn: ITN

Học lệch - một hiện tượng phổ biến

Tại phiên giải trình với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ vào  cuối tháng 12.2012, Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phạm Vũ Luận thừa nhận có tình trạng học lệch do chạy theo thi cử trong giáo dục phổ thông. Theo ông Luận, biểu hiện học lệch không chỉ ở việc chưa chú trọng dạy - học những nội dung khác ngoài các môn văn hóa mà ngay trong các môn học văn hóa cũng lệch theo định hướng thi cử. Học sinh định thi khối thi đại học nào thì sẽ chỉ chuyên tâm học các môn của khối thi đó. Ở cấp học thấp hơn, học sinh cũng chỉ chú trọng học các môn mà các em sẽ phải thi trong kỳ thi tuyển sinh vào THPT… Lý giải nguyên nhân tình trạng học lệch, ông Luận cho rằng do chương trình học hiện hành được thiết kế quá nhiều môn trong khi đó cách dạy học vẫn chỉ là thi gì học nấy. 

Thực tế, đã từ khá lâu, trong suy nghĩ của học sinh, phụ huynh, thậm chí là ngay cả giáo viên và những người làm công tác quản lý giáo dục gần như có chung một quan niệm: ở bậc THPT, những môn thi đại học là môn chính, những môn không thi là môn phụ. Do hầu hết học sinh đã đi theo khối A, B (tự nhiên), nên các môn còn lại, trong đó có các môn thi đại học khối C (xã hội) bị coi là môn phụ. 

Điều đáng nói là không chỉ ở bậc THPT mà ngay từ bậc tiểu học, THCS hiện tượng học lệch cũng trở nên khá phổ biến. Xuất phát từ tâm lý lo cho tương lai của của con em, sự phân biệt môn chính - môn phụ, dẫn đến học lệch được định hướng bởi phụ huynh. Theo đó, ở bậc tiểu học, nhiều người cho rằng: Toán và Tiếng Việt là hai môn học chính còn những môn học khác là phụ. Và trong hai môn Toán và Tiếng Việt, không ít bậc phụ huynh chỉ quan tâm đến việc học Toán của con em, cho con học hết cơ bản đến nâng cao, hết học ở trường lại gửi con đi học thêm, hết học trong sách lại giải toán trên mạng… Chưa hết, ở các đô thị, vì quá lo xa nên ngay từ bậc tiểu học nhiều gia đình đã tập trung cho con học ngoại ngữ (tiếng Anh): thuê gia sư, gửi con vào trường, các trung tâm đào tạo quốc tế… và hệ lụy của nó là trẻ rất thành thạo tiếng Anh, trong khi tiếng mẹ đẻ - tiếng Việt lại rất kém… 

Việc quan tâm lo lắng cho tương lai của con cái của các bậc phụ huynh là hoàn toàn chính đáng, tuy nhiên, nếu quá thiên lệch trong việc định hướng học tập của con cái sẽ dẫn đến sự lệch lạc trong nhận thức, tư duy, lối sống của trẻ. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, một số chủ trương trong giáo dục hiện nay vô hình trung cũng đã và đang “tạo tiền đề” cho việc phân biệt môn học chính - môn học phụ, tạo ra hiện tượng học lệch trong các bậc học hiện nay, như việc: mở trường chuyên, lớp chọn; hay là việc phân ban ở bậc THPT…

 Xem nhẹ giáo dục đạo đức và thể chất 

Không chỉ là học lệch mà một thực tế đáng quan ngại hiện nay là có những môn học rất quan trọng nhằm rèn luyện và nâng cao thể lực; hình thành nhân cách cho học sinh như: Đạo đức - Giáo dục công dân, Thể dục - Giáo dục thể chất… không được quan tâm đúng mức. Giáo viên chỉ lên lớp theo giờ, học sinh thì học qua loa, đối phó, miễn sao đạt là được. 

Cụ thể như môn thể dục, theo khảo sát của Ts Hoàng Công Dân và Ths Nguyễn Văn Thời - ĐH Sư phạm TDTT Hà Nội, với 1.200 học sinh, có tới 22% học sinh THCS trả lời không thích môn thể dục, 32% - 41,6% trả lời: bình thường. Tỷ lệ học sinh yêu thích môn thể dục ở tất cả các khối lớp đều dưới 50%.  Không chỉ học sinh mà thậm chí ngay cả giáo viên thể dục cũng quan niệm chỉ là những môn học phụ nên không thật sự tâm huyết với nghề. Mặc dù chương trình mới thì môn thể dục được nâng lên thành 2 tiết trên tuần/lớp (trước đây mỗi tuần mỗi lớp học chỉ có 1 tiết thể dục); nhiều trường học hằng năm mua sắm, bổ sung nhiều về phương tiện, thiết bị, dụng cụ, sân bãi… nhưng đáng tiếc việc tổ chức dạy môn thể dục thiếu khoa học… khiến việc dạy và học môn này hiện nay bị xem nhẹ. Và kết quả của việc xem nhẹ hoạt động giáo dục thể chất không những học sinh không bảo đảm thể lực, sức khỏe để học tập, vui chơi… mà phần nào đó tác động đến chỉ số HDI của Việt Nam, cụ thể là thể lực và tầm vóc, chiều cao, cân nặng của người Việt nhiều năm qua chưa được cải thiện, còn xếp sau nhiều nước trong khu vực. 

Bên cạnh đó, môn Giáo dục công dân (bậc tiểu học gọi là môn Đạo đức) có tầm quan trọng đặc biệt - giúp học sinh hình thành những kỹ năng sống cơ bản để vững vàng bước vào đời. Vậy nhưng, môn học này cũng đang bị xem nhẹ; chất lượng dạy và học còn có nhiều hạn chế, bất cập. Các bài học còn nặng về lý thuyết, thiếu kỹ năng sống, chưa tạo được dấu ấn trong lòng học sinh. Vì quan niệm là môn học phụ nên nhiều học sinh ít quan tâm, chỉ học đối phó; trong khi đó, phần lớn giáo viên lên lớp bằng phương pháp xưa cũ: thầy đọc, trò chép, thiếu những dẫn chứng sinh động trong thực tế; một số giáo viên coi là môn phụ nên ít có sự quan tâm, đầu tư trong việc soạn giáo án, chuẩn bị bài lên lớp… Hệ lụy của việc xem nhẹ môn học Đạo đức, Giáo dục công dân thể hiện rõ qua tình trạng xuống cấp về đạo đức của học sinh, sinh viên hiện nay; đặc biệt số lượng tội phạm trong độ tuổi thiếu niên, vị thành niên trong những năm gần đây thật sự đáng báo động…

Mục tiêu của giáo dục là nhằm “giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo, hình thành nhân cách con người Việt Nam XHCN, xây dựng tư cách và trách nhiệm công dân” (Luật Giáo dục 2005). Để thực hiện mục tiêu này, một trong những việc quan trọng cần làm là phải quyết liệt xóa bỏ hiện tượng học lệch; đẩy lùi quan niệm môn chính - môn phụ; nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, giáo dục thể chất cho học sinh… Đây không chỉ là trách nhiệm của nhà trường, giáo viên mà rất cần sự hợp tác của bậc phụ huynh và của xã hội...

Hoàng Phương