Thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc là trách nhiệm hiến định của Nhà nước
Hiến pháp vừa khẳng định quyền của đồng bào các dân tộc vừa quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Đây cũng là những yếu tố tạo điều kiện cho các dân tộc thực hiện, phát huy quyền bình đẳng của mình qua quy định của pháp luật và sự hỗ trợ về các chính sách cụ thể của Nhà nước.
Quyền bình đẳng của các dân tộc thiểu số trên mọi phương diện luôn được khẳng định trong Hiến pháp qua các thời kỳ
Việt Nam là một quốc gia thống nhất, đa dân tộc gồm 54 dân tộc cùng chung sống, trong đó, dân tộc Kinh chiếm đa số với 85,7% dân số, còn lại là đồng bào các dân tộc thiểu số với trên 12,253 triệu người, chiếm tỷ lệ 14,3%. Từ sau khi giành được chính quyền, Đảng ta rất coi trọng thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau giữa các dân tộc. Thể hiện chính sách đó, Hiến pháp nước ta qua các thời kỳ đều luôn khẳng định chính sách đoàn kết dân tộc. Hiến pháp năm 1992 tiếp tục khẳng định rõ các quyền của đồng bào các dân tộc thiểu số trên mọi phương diện. Điều 5, Hiến pháp năm 1992 nêu rõ: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là Nhà nước thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển về mọi mặt, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với các quy định về quyền, nghĩa vụ của công dân nói chung, Hiến pháp cũng đã có một số quy định khác tại các Điều 30, 34, 36, 39, 54, 94... quy định cụ thể về các quyền tự do ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp, quyền tự do tôn giáo của đồng bào dân tộc cũng như trách nhiệm của Nhà nước về phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Như vậy, Hiến pháp vừa khẳng định quyền của đồng bào các dân tộc vừa quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Đây cũng là những yếu tố tạo điều kiện cho các dân tộc thực hiện, phát huy quyền bình đẳng của mình qua quy định của pháp luật và sự hỗ trợ về các chính sách cụ thể của Nhà nước.
Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, quyền bình đẳng của đồng bào các dân tộc trên mọi phương diện tiếp tục được khẳng định, phát triển và thực hiện trong thực tế.
Về chính trị, đồng bào các dân tộc bình đẳng về quyền làm chủ đất nước; bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, được thực hiện quyền tham chính của mình thông qua thực hiện dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp qua bầu cử và ứng cử (Điều 54 Hiến pháp, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội). Số lượng ĐBQH là người dân tộc thiểu số luôn chiếm tỷ lệ cao so với tỷ lệ dân số trong các nhiệm kỳ của QH. Nhiệm kỳ QH Khóa X có 66 đại biểu dân tộc thiểu số đại diện cho 27 thành phần dân tộc thiểu số, chiếm 16,7% tổng số ĐBQH. Nhiệm kỳ QH Khóa XI có 86 đại biểu dân tộc thiểu số, đại diện cho 31 thành phần dân tộc thiểu số, chiếm 17,27% tổng số ĐBQH. Nhiệm kỳ QH Khóa XII có 86 đại biểu dân tộc thiểu số, đại diện cho 30 thành phần dân tộc thiểu số, chiếm 17,27% tổng số ĐBQH. Nhiệm kỳ QH Khóa XIII có 78 đại biểu, đại diện cho 29 thành phần dân tộc thiểu số, chiếm 15,6% tổng số ĐBQH. Không chỉ ở QH, tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia đại biểu HĐND các cấp đều tăng qua các nhiệm kỳ bầu cử. Nhiệm kỳ 2004 – 2009, tỷ lệ đại biểu dân tộc thiểu số trong HĐND cấp tỉnh là 18,2%, cấp huyện 18,9%, cấp xã 23,3%. Đại biểu đại diện cho đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia hoạt động trong hệ thống chính trị ngày càng đông, nhiều người đã và đang giữ các chức vụ quan trọng trong Đảng, QH, Chính phủ như: Tổng bí thư, Chủ tịch QH, Phó chủ tịch QH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Trưởng ban Dân vận Trung ương... Pháp luật hiện hành cũng quy định rõ: công dân Việt Nam có quyền tự xác định mình thuộc dân tộc nào, có quyền tự do đi lại, cư trú, quyền có quốc tịch, quyền tự do tín ngưỡng, quyền bình đẳng trước pháp luật và được sử dụng tiếng dân tộc của mình khi tham gia các hoạt động tố tụng, tại phiên tòa...
Về kinh tế, đồng bào các dân tộc thiểu số được Nhà nước hỗ trợ để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa các vùng; hằng năm, nhà nước dành tỷ lệ thích đáng về ngân sách đầu tư cho vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. Nhà nước khuyến khích đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số và địa bàn khó khăn, hỗ trợ tạo điều kiện để phát triển kết cấu hạ tầng ở các địa bàn có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số giảm nhanh, bình quân đạt từ 4 - 5%/năm, năm 1993 tỷ lệ hộ nghèo là 86,4% đến nay chỉ còn 25,6%. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống đã có thay đổi rõ rệt: 97,42% số xã có đường đến trung tâm; 80,7% thôn thuộc xã đặc biệt khó khăn có đường giao thông đến trục chính; 100% xã có trường tiểu học, trung học cơ sở, lớp mẫu giáo, trong đó, 84,6% trường, lớp học được xây dựng kiên cố; 100% xã có trạm y tế; 84,6% số xã khó khăn có điện lưới đến trung tâm, với gần 70% số hộ được sử dụng điện; 98,7% số xã có điểm bưu điện văn hóa và 100% số xã có điện thoại; phủ sóng phát thanh trên 90% và sóng truyền hình đạt gần 80%.
Về giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội, mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, nam nữ, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập. Nhà nước tạo điều kiện để người dân tộc thiểu số được học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và được hưởng các chính sách ưu tiên đặc biệt nhằm tăng cơ hội tiếp cận về giáo dục cho con em vùng dân tộc thiểu số. 100% xã đạt chuẩn phổ cập tiểu học, nhiều xã đạt chuẩn phổ cập trung học; 349 trường phổ thông dân tộc nội trú được xây dựng, thu hút gần 70 nghìn học sinh dân tộc nội trú các cấp theo học. Người dân tộc thiểu số được hưởng các quyền ưu tiên về chăm sóc sức khỏe, y tế, an sinh xã hội... Các dân tộc được phát triển hài hòa trong một nền văn hóa đa dân tộc, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc đều được trân trọng, giữ gìn, phát huy và phát triển. Đồng bào dân tộc ai cũng có quyền tham gia vào các hoạt động văn hóa của dân tộc mình, của cộng đồng, xã hội và được hưởng các chính sách về phát triển văn hóa. Mọi người đều có quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm và nghề nghiệp, được hưởng các chính sách ưu đãi để tự tạo việc làm, tìm kiếm việc làm, lập thân, lập nghiệp.
Phải khẳng định rằng, sau hơn 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng lãnh đạo, đất nước ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên mọi mặt. Trong đó, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân từng bước có những chuyển biến vững chắc, hòa nhập với xu thế phát triển chung của cộng đồng thế giới; tính đúng đắn và những thành quả qua thực hiện Hiến pháp 1992 đã được khẳng định. Quyền của đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được luật hóa trên nhiều phương diện, tạo điều kiện cho đồng bào có cơ hội thuận lợi phát triển về mọi mặt. Khẳng định tính nhất quán chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta qua các thời kỳ là bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau để cùng phát triển. Cùng với sự hoàn thiện từng bước hệ thống pháp luật của đất nước, quyền bình đẳng của đồng bào các dân tộc thiểu số đã được luật hóa, công dân là người các dân tộc không phân biệt đa số hay thiểu số, trình độ phát triển cao hay thấp đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ trong mọi lĩnh vực đời sống: chính trị, KT-XH, văn hóa, quốc phòng, an ninh... Kinh tế ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi có sự tăng trưởng đáng kể; các thiết chế văn hóa ở cơ sở được quan tâm xây dựng. Bộ mặt nông thôn vùng dân tộc thiểu số có nhiều thay đổi tích cực; đời sống mọi mặt được nâng lên, tỷ lệ hộ đói nghèo giảm đáng kể. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống đồng bào từng bước được cải thiện, đáp ứng việc đi lại, học hành, chữa bệnh... của đồng bào. Bản sắc văn hóa các dân tộc được gìn giữ, phát huy và phát triển. Hệ thống chính trị thường xuyên được củng cố, tăng cường và ngày càng phát triển, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở. Trật tự xã hội ổn định, an ninh - quốc phòng được giữ vững. Đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số phát triển cả về số lượng, chất lượng; bộ máy tổ chức và đội ngũ cán bộ của cơ quan làm công tác dân tộc được quan tâm kiện toàn. Đồng bào các dân tộc đoàn kết, gắn bó với nhau hơn, tin tưởng vào đường lối đổi mới, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Những vấn đề thực tiễn đang đặt ra...
Bên cạnh những thành quả đạt được, việc nghiên cứu, xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc vẫn còn những hạn chế nhất định.
Về bầu cử đại biểu dân cử và chính quyền ở các cấp: thành phần dân tộc của đại biểu các dân tộc thiểu số tham gia QH còn thấp, trong tổng số 53 dân tộc thiểu số, bình quân các khóa chỉ khoảng từ 29 đến 33 thành phần dân tộc được bầu làm ĐBQH. Đến nay, đã qua 13 khóa QH nhưng vẫn còn 5 dân tộc chưa một lần có đại diện tham gia QH. Số lượng, thành phần người dân tộc thiểu số tham gia HĐND các cấp, tham gia trong các cơ quan công quyền còn thấp so với tỷ lệ dân số trên địa bàn (ví dụ các tỉnh Tây Nguyên, trong tổng số 24.047 cán bộ cấp xã chỉ có 6.986 cán bộ là người dân tộc thiểu số, chiếm 29%). Đặc biệt, số người dân tộc thiểu số tham gia trong bộ máy hành chính nhà nước ở các cấp rất ít và càng lên cao càng giảm (so với tỷ lệ tương ứng về dân số). Đa số các cơ quan ở Trung ương không có lãnh đạo là người dân tộc thiểu số (hàm từ Thứ trưởng trở lên).
Về văn hóa các dân tộc thiểu số: việc bảo tồn, duy trì bản sắc văn hóa của một số dân tộc đang có nguy cơ dần bị mai một, kể cả tiếng nói, chữ viết, trang phục, văn học, nghệ thuật, ẩm thực, phong tục, tập quán... Việc bảo tồn tên gọi, địa danh núi rừng, sông suối vùng dân tộc không được chú ý; tên các anh hùng, người có công với đất nước, danh nhân người dân tộc thiểu số chưa được đưa vào quỹ tên đường hoặc có thì cũng không được đặt ở vị trí trung tâm, ở ngay các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời.
Về giúp đỡ tạo điều kiện cho các dân tộc thiểu số vươn lên, hội nhập với sự phát triển chung của cả nước: quá trình nghiên cứu, hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật bảo vệ các quyền lợi chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số mới chủ yếu tập trung vào xóa đói giảm nghèo, giải quyết những vấn đề bức xúc trước mắt, chưa mang tính chất lâu dài; một số chính sách dân tộc chậm được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách vùng dân tộc thiểu số chậm đổi mới về nội dung, phương thức nên nhiều nơi đồng bào chưa được tiếp cận thông tin hoặc tiếp cận không đầy đủ. Chưa khắc phục được tư tưởng tự ty, ỷ lại trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước trong một bộ phận không nhỏ đồng bào kể cả cán bộ vùng dân tộc thiểu số.
Về vấn đề đất đai: từ khi Luật Đất đai năm 1988 được sửa đổi, bổ sung có hiệu lực đến nay, tình hình đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất vẫn còn nhiều, trong khi đó, hơn 80% đồng bào dân tộc thiểu số đều sống bằng nghề nông. Hiện nay, về mặt luật pháp chưa có cơ chế nào bảo đảm chấm dứt tình trạng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục mất dần đất ở, đất sản xuất đã có (do nhiều nguyên nhân trong đó có việc mua bán, sang nhượng, thế chấp, cầm cố đất đai). Điều đó có nghĩa là, trong cơ chế thị trường, không gian sinh tồn thực tế của cộng đồng (làng bản, phum sóc) các dân tộc thiểu số đã và đang đứng trước nguy cơ bị thu hẹp dần.
Về tộc danh: tên gọi của một số dân tộc thiểu số chưa thống nhất, chưa đúng với yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào, chậm được nghiên cứu, xác định, điều chỉnh, bảo đảm quy trình, quy định của luật pháp.
Về kinh tế: kinh tế vùng miền núi, dân tộc thiểu số phát triển chậm và chưa vững chắc, khoảng cách giàu nghèo và trình độ phát triển giữa đồng bào dân tộc thiểu số so với mức trung bình của cả nước và ngay ở các tỉnh ngày càng tăng. Thời gian qua, Chính phủ ban hành rất nhiều chính sách đầu tư trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, nhưng còn một số nội dung trùng lặp, dàn trải nguồn lực, quản lý, điều hành còn nhiều bất cập dẫn đến hiệu quả chưa cao. Cơ sở hạ tầng kinh tế còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; hiện vẫn còn 360 xã chưa có đường giao thông đến trung tâm, 204 xã chưa có điện lưới quốc gia, 8.100 thôn, bản chưa được sử dụng điện; 304 xã chưa có lớp học kiên cố, 15.930 thôn chưa có nhà trẻ, 758 xã chưa có nhà văn hóa... Địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số vẫn là vùng khó khăn, khắc nghiệt nhất của cả nước, còn 81 huyện tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, 847 xã có tỷ lệ nghèo từ 50 đến 70%; trên 300 nghìn hộ thiếu đất ở, đất sản xuất và hàng triệu hộ thiếu nước sinh hoạt, du canh, du cư vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Lao động người dân tộc thiểu số qua đào tạo rất thấp (10,5%) và tiếp cận các dịch vụ giải quyết việc làm, vay vốn sản xuất rất hạn chế.
Về y tế, giáo dục: chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực thấp, 11% số người không biết đọc, viết chữ phổ thông; số người trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo chiếm 84,2%. Cơ sở vật chất y tế yếu kém, đồng bào ít được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng. Trong cơ chế thị trường, đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn là đối tượng ít có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng dân số nhất.
Về cư trú: tình trạng du canh, du cư, di cư tự do tồn tại kéo dài; khiếu kiện, tranh chấp đất đai, hoạt động tôn giáo còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn trong vùng, rừng bị tàn phá. Đến nay, trên cả nước vẫn còn khoảng 20.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số cần thực hiện chính sách định canh, định cư; tại 3 tỉnh Đăk Nông, Đăk Lăk, Kon Tum có tới 16.478 hộ với trên 80 nghìn khẩu là đồng bào các tỉnh phía Bắc di cư vào, đặc biệt có 1.179 hộ/5.107 khẩu đang sống trong các khu rừng sâu. Quản lý nhà nước vẫn rất lúng túng, bị động, chưa có giải pháp hiệu quả để hạn chế tình trạng này.
Về hệ thống chính trị cơ sở: hệ thống chính trị cơ sở nhiều nơi chưa đủ mạnh, chất lượng cán bộ người dân tộc chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong công cuộc đổi mới, cơ quan làm công tác dân tộc không ổn định. Tình hình an ninh, chính trị một số nơi vùng dân tộc thiểu số, miền núi còn tiềm ẩn nhiều nhân tố mất ổn định; các thế lực thù địch gia tăng phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc.
Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém đó chủ yếu là do hệ thống pháp luật mặc dù đang từng bước được hoàn thiện nhưng so với yêu cầu phát triển xã hội nói chung vẫn còn chậm; việc ban hành văn bản quy phạm dưới luật và các hướng dẫn thi hành chưa kịp thời. Bên cạnh đó, nhận thức về công tác dân tộc, vị trí, vai trò của vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong phát triển KT-XH, an ninh, quốc phòng ở một số không ít cán bộ trong cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp chưa thực sự sâu sắc; công tác phối hợp thực hiện chức năng, nhiệm vụ gắn với công tác dân tộc chưa đồng bộ. Việc cụ thể hóa tư tưởng chỉ đạo của Đảng về vấn đề dân tộc trên các lĩnh vực chính trị KT-XH, văn hóa qua hệ thống quy phạm pháp luật trong các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tổ chức thực hiện các chính sách liên quan đến vùng dân tộc thiểu số còn nhiều bất cập, không đồng bộ, quyết tâm chính trị chưa cao. Chúng ta cũng chưa có chiến lược đầu tư, phát triển KT-XH toàn diện cho vùng dân tộc thiểu số, một số chương trình, chính sách còn chồng chéo, thiếu đồng bộ, hiệu quả thấp.
Trong khi đó, đa số vùng dân tộc thiểu số mặt bằng dân trí chưa cao, xuất phát điểm về kinh tế thấp, nhiều phong tục, tập quán cũ, lạc hậu trong sản xuất và đời sống tồn tại, ảnh hưởng đến khả năng hội nhập và sự phát triển chung của cả nước. Vùng dân tộc thiểu số lại rộng, địa bàn cư trú hiểm trở, phân tán, chia cắt, xa các trung tâm đô thị phát triển, giao thông đi lại khó khăn, thời tiết khắc nghiệt; suất đầu tư cao; cơ hội tiếp cận với các dịch vụ, phúc lợi xã hội hạn chế.
Thực tiễn đang đặt ra những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện chính sách, pháp luật về dân tộc, góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới xây dựng đất nước, phát triển KT-XH, nâng cao đời sống mọi mặt của đồng bào các dân tộc thiểu số nước ta.