Hội đồng Lý luận Trung ương phải có bước tiến, phải để lại dấu ấn và phải có bước đột phá về công tác lý luận

Nhật Khánh 04/01/2013 08:24

Bài nói của TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG tại cuộc làm việc với Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương

Nhìn lại công việc của Hội đồng Lý luận Trung ương trong năm 2012, tôi hoàn toàn tán thành, hoan nghênh và cảm ơn Hội đồng Lý luận Trung ương cùng với các cơ quan hữu quan trong thời gian ngắn, lực lượng ít, công việc nhiều, đã triển khai các công việc một cách bài bản, có hiệu quả rõ rệt, trông thấy trên các lĩnh vực, tập trung vào 11 việc mà Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương đã báo cáo.

Trong điều kiện chúng ta có rất nhiều việc phải làm. Hội đồng vừa mới thành lập, vừa phải sắp xếp tổ chức, kiện toàn bộ máy, xây dựng các quy chế làm việc, thiết lập các mối quan hệ... nhưng vẫn triển khai các công việc chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng. Nội bộ đoàn kết hơn. Không khí phấn chấn hơn. Đương nhiên, cái yếu cơ bản là chất lượng công việc đến đâu trên tất cả các lĩnh vực từ nghiên cứu cơ bản đến thẩm định, tư vấn, chất lượng các công việc; có những việc chưa bao quát được hết, phối hợp chưa thật nhuần nhuyễn lắm giữa các bộ phận...

Năm 2013, năm bản lề của nhiệm kỳ 2011 - 2015, nhiệm vụ của Hội đồng Lý luận Trung ương lớn lắm, nặng lắm và đòi hỏi chất lượng cao hơn. Trong khi đó, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, trong nước còn gặp nhiều khó khăn, lý luận đang đứng trước nhiều vấn đề mới đặt ra. Hội đồng Lý luận Trung ương cần rà lại toàn bộ chương trình, bám vào chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng và tiếp tục thực hiện chương trình nghiên cứu, chương trình công tác và các đề tài đã quyết định. Một điều cần lưu ý là phải nhận thức sâu sắc và nắm chắc chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Lý luận Trung ương. Tôi hiểu chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng bao gồm cả hai mảng: nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, bảo đảm hài hòa giữa hai mảng này, đừng nặng về một phía nào cả. Đồng thời với việc nghiên cứu ở trong nước, huy động sức mạnh của Hội đồng, các cơ quan của Hội đồng và cần mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tranh thủ tối đa để biết thêm những kinh nghiệm mới, kiến thức mới.

Câu hỏi thứ nhất tôi nêu ra - Hội đồng Lý luận Trung ương có bước tiến mới gì về nhận thức lý luận - rất khó và lớn. Với vấn đề Đảng cầm quyền, phương thức lãnh đạo của Đảng cầm quyền có thêm điểm gì mới chưa? Làm thế nào để phòng ngừa và khắc phục nguy cơ của một Đảng cầm quyền, dễ thoái hóa, hư hỏng, dễ quan liêu, xa rời quần chúng? Có bước tiến gì mới trong việc nghiên cứu 8 mối quan hệ đã nêu ra trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011)? Rất thiết thực và cụ thể. Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội thời gian qua như thế nào? Độc lập tự chủ với hội nhập quốc tế? Cơ chế thị trường với vai trò quản lý của Nhà nước...? Những việc làm thời gian qua là biện pháp để triển khai thực hiện nhiệm vụ. Còn sản phẩm cuối cùng của Hội đồng phải là 2 năm vừa qua, 3 năm sắp tới và cả nhiệm kỳ 5 năm có điểm gì mới về lý luận? 

Với những câu hỏi nêu trên, thời gian làm việc còn ngắn chưa trả lời được ngay, nhưng phải nêu ra vì đây là nhiệm vụ trung tâm, nhiệm vụ chính trị cơ bản và là lý do tồn tại của Hội đồng Lý luận Trung ương. Hội đồng Lý luận Trung ương sinh ra để làm nhiệm vụ này. Kết quả nghiên cứu là sản phẩm của nhiệm kỳ khóa này, có thực hiện được mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra hay không. Cho nên từ nay trở đi, 6 tháng một lần, Hội đồng Lý luận Trung ương có vắn tắt kết quả nghiên cứu mới chắt lọc báo cáo với Bộ Chính trị. Khó là cái hồn, nội dung lý luận lần này có bước tiến gì mới? Mới trên cơ sở Cương lĩnh, Chiến lược vì Hội đồng Lý luận Trung ương là cơ quan do Bộ Chính trị lập ra, trực thuộc Bộ Chính trị, thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu lý luận chính trị làm cơ sở cho việc xây dựng đường lối; chứ Hội đồng Lý luận Trung ương không nghiên cứu toàn diện và đưa ra tất cả các quan điểm. Ý kiến nào khác thì phải trao đổi lại. Đây là điểm rất quan trọng mà Hội đồng cần hết sức quan tâm.

Năm 2013, tôi đề nghị Hội đồng Lý luận Trung ương chú ý mấy điểm:

Một là triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu một cách khẩn trương hơn, tích cực hơn, quyết liệt hơn.

Hai là, phải làm tốt hơn nữa việc thẩm định các văn bản trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư nếu được yêu cầu hoặc do Hội đồng Lý luận Trung ương chủ động đề xuất. Đây là thẩm định mang tính độc lập của Hội đồng, có tính tổ chức với tư cách là của Hội đồng Lý luận Trung ương, có thảo luận tập thể và chịu trách nhiệm về những thẩm định đó. Muốn vậy phải nắm rất chắc tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị. Phải thâm nhập thực tế từ đầu và đủ kiến thức thì mới thẩm định được.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế về lý luận, không chỉ nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị mà còn hiểu thêm về các quan điểm lý luận của bạn.

Bốn là, triển khai thực hiện tốt Đề án tổng kết lý luận - thực tiễn 30 năm đổi mới. Đây là đề tài Bộ Chính trị đã quyết định. Hội đồng Lý luận Trung ương cần khẩn trương bắt tay vào làm. Tôi đồng ý với cách làm của Đại hội Đảng lần trước là lập Ban Chỉ đạo Trung ương và giao cho Hội đồng Lý luận Trung ương là cơ quan thường trực.

Với vấn đề tư tưởng Hồ Chí Minh mà một số thành viên Hội đồng nêu ra, nếu nói học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh tôi thấy không phải. Phát biểu ở Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, tôi đã nói học tập tấm gương Hồ Chí Minh là học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phong cách, tác phong còn cụ thể hơn tư tưởng. Vô cùng hay. Từ cách nói thế nào, viết thế nào, đi công tác thế nào, làm việc thế nào, học tập thế nào... Người đều có phong cách riêng. Đây là cái được lòng dân nhất. Bây giờ chỉ nói tư tưởng Hồ Chí Minh, rồi thêm đạo đức Hồ Chí Minh. Theo tôi, đề nghị học tập thêm phong cách Hồ Chí Minh thì tổng hợp hơn, chứ không chỉ có tác phong. Ăn thế nào, làm việc thế nào, đi công tác thế nào đều rất Hồ Chí Minh, hay ngoại giao thế nào đều là phong cách Hồ Chí Minh. Phải nghiên cứu, tổng kết và đẩy mạnh những nội dung này thành một hệ thống thì kết quả học tập sẽ thiết thực và hiệu quả hơn.

Về phương thức lãnh đạo của Đảng cầm quyền, Nhà nước pháp quyền, thì đây là vấn đề còn phải tiếp tục nghiên cứu. Trước đây, ta cứ bảo là có Nhà nước pháp quyền thì sử dụng bộ máy tham mưu của cơ quan nhà nước để giúp cho Đảng công tác tham mưu. Có đúng thế không? Một luận điểm nghe rất hay nên trong thực tế mới giải thể một loạt Ban Đảng. Nhưng vừa qua thế nào? Phải có sự tổng kết từ thực tiễn...

Bây giờ tại sao Trung ương quyết định lại lập Ban Nội chính Trung ương và Ban Kinh tế Trung ương? Là sai hay đúng? Là thụt lùi hay tiến lên? Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về xây dựng Đảng nói: cái gì thấy sai thì sửa luôn. Cho nên, phương thức lãnh đạo của Đảng vẫn còn là vấn đề lớn lắm... Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Hội đồng lý luận Trung ương phải giúp Trung ương, Bộ Chính trị thẩm định những vấn đề liên quan đến lý luận, tư tưởng, chính trị, đường lối, Cương lĩnh. Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo Nhà nước thì phải kiểm tra, giám sát xem có bảo đảm thực hiện đúng đường lối hay không, đúng Nghị quyết hay không?

Tôi đồng tình với đề xuất sắp tới sẽ kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác và đẩy mạnh nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh. Nếu không có chuyên đề độc lập thì trong các Đề tài nghiên cứu phải có phần về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Những vấn đề mới ta đang suy nghĩ như thế nào thì cần đưa ra để cọ xát, làm sáng tỏ. Tôi thấy nội dung hoạt động của Hội đồng Lý luận Trung ương còn rất phong phú, thời gian còn lại của nhiệm kỳ không nhiều. Tôi đề nghị dứt khoát lần này phải có bước tiến về lý luận, nhiệm kỳ này phải để lại dấu ấn, phải có bước đột phá. Đột phá không có nghĩa là đưa ra cái gì mới hoàn toàn mà là nề nếp, phương thức làm việc có những kết quả mới, đóng góp vào Nghị quyết Đại hội XII của Đảng: trong tình hình hiện nay thì Đảng nên có đường lối thế nào cho chính xác. Chỉ với tiêu chí năm 2020 thế nào là một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thế nào là cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại - thì trước hết bây giờ phải xác định rõ. Hội đồng lý luận Trung ương phải xông vào đây.

Về phương pháp, phương thức, cách làm, rất hoan nghênh vừa rồi chúng ta đã đổi mới một bước. Sắp tới cần đổi mới hơn nữa. Hội đồng Lý luận Trung ương cần dành nhiều thời gian, ráo riết, quyết liệt, phát huy cao độ trí tuệ của các thành viên chuyên trách, đặc biệt là các Tiểu ban, Ban Thư ký. Đặc thù của Hội đồng có 23 người thì đúng rồi, nhưng đằng sau Hội đồng còn mấy chục cục, vụ, viện và các trường đại học, khoa nghiên cứu... Lực lượng của Hội đồng là ở đây. Bộ Chính trị cho phép Hội đồng được chắt lọc, được tổ chức để lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, chuyên gia... Cho nên một mặt vừa sử dụng lực lượng của Hội đồng vừa khai thác ý kiến của các cục, vụ, viện, trường đại học, cơ quan nghiên cứu...

Về kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay ở Hội đồng Lý luận Trung ương, tôi đề nghị sắp tới Hội đồng phải làm tiếp. Hội đồng Lý luận Trung ương kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 thế nào về đạo đức, tư tưởng, lối sống? Cách làm việc ra sao... Đây là những vấn đề rất lớn. Chúng ta có vững vàng, kiên định về lập trường, quan điểm, tư tưởng không? Đi đến chỗ này, chỗ khác có nói đúng đường lối, quan điểm của Đảng không? Đề nghị Hội đồng hết sức quan tâm.

Hôm nay là 31.12, ta vẫn thực hiện được kế hoạch làm việc của năm 2012. Tôi chúc Hội đồng Lý luận Trung ương, với khí thế và kinh nghiệm đã làm được trong 2 năm qua, sang năm 2013, năm bản lề của nhiệm kỳ, sẽ có những việc mang tính bản lề, có những kết quả mang tính bản lề, bắt tay chuẩn bị để tổng kết lý luận - thực tiễn 30 năm đổi mới.  Chúc các thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương và gia đình, người thân sang năm có nhiều sức khỏe, nhiều niềm vui, nhiều niềm tin và hoàn thành tốt nhiệm vụ của chúng ta trong năm 2013, trước mắt là 6 tháng đầu năm 2013.

Nhật Khánh