Phật giáo Thăng Long - Hà Nội kết hợp hài hòa với Phật giáo xứ Đoài đã mang đến sức sống mới cho Phật giáo Thủ đô
Thăng Long - Hà Nội trải qua 1.000 năm lịch sử với biết bao biến cố thăng trầm cùng vận mệnh dân tộc, nhưng vẫn luôn là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của cả nước. Từ xuất phát điểm đó, Phật giáo Thủ đô luôn có thế mạnh và vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Phật giáo Việt Nam trước đây và Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày nay.
Phật giáo là quốc giáo. Ngay từ buổi đầu định đô ở Thăng Long, Phật giáo tại đây đã được các bậc quân vương ủng hộ, các bậc cao Tăng hoằng truyền, nên phát triển mạnh mẽ. Tư tưởng trong sáng, triết lý hành động của giáo lý Phật giáo đã thẩm thấu vào đời sống của các tầng lớp xã hội. Do đó tư tưởng Phật giáo trở thành niềm tin, lẽ sống của người dân Việt qua bao thế hệ.
Ngày nay, tại Thủ đô tuy có nhiều tôn giáo khác nhau, nhưng số lượng Phật tử và những người có tín ngưỡng Phật giáo chiếm đại đa số trong các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Phật giáo Thủ đô trong những năm qua tích cực đẩy mạnh công tác hoằng pháp, hướng dẫn nhân dân Phật tử tu tập, góp phần duy trì nền tảng đạo đức xã hội lành mạnh, xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư. Toàn Thành phố có 29 giảng đường tổ chức thuyết pháp, tu tập Bát quan trai, niệm Phật... định kỳ cho hàng Phật tử. Mỗi giảng đường có từ 200 Phật tử trở lên đến tham dự. Qua đó đã nâng cao trình độ hiểu biết giáo lý đạo Phật cho các Phật tử, từng bước đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, mê tín, thể hiện tinh thần nhập tế của Phật giáo đối với cộng đồng.
Phật giáo Thủ đô luôn đồng hành cùng dân tộc với truyền thống Hộ quốc an dân. Lịch sử dân tộc và lịch sử Phật giáo đã khẳng định rõ ràng điều này. Trong các triều đại phong kiến, thời nào cũng có các bậc cao Tăng xuất hiện, làm cố vấn cho các bậc quân vương trong việc trị nước, an dân, chống giặc ngoại xâm, phát huy tinh thần tự lực, tự cường của dân tộc.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Tăng Ni, Phật tử Thủ đô đóng góp nhiều công sức cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc như: trực tiếp tham gia kháng chiến, nuôi giấu cán bộ... Thời đại ngày nay, Tăng Ni, Phật tử Thủ đô đều hăng hái tham gia các phong trào thi đua xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Nhiều chư tôn Thiền đức Tăng Ni được sự tín nhiệm của nhân dân, bầu vào các cơ quan dân cử, đã và đang đóng góp sức mình trong công cuộc xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Phật giáo Thủ đô gắn liền với tri thức, văn hóa của thời đại. Từ xưa đến nay, Thăng Long - Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, mà còn là trung tâm kinh tế, văn hóa... Cho nên, nơi đây cũng là nơi tụ hội của các tầng lớp nhân sỹ, trí thức. Bởi vậy, Phật giáo Thủ đô luôn gắn liền với tri thức, văn hóa của mọi thời đại.
Hoạt động của Phật giáo Thủ đô luôn gắn liền với các sự kiện lớn của Phật giáo Việt Nam. Từ khi thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam đến nay, được sự chỉ đạo sát sao của Trung ương Giáo hội, các hoạt động của Phật giáo Thủ đô cũng luôn gắn liền với các hoạt động của Trung ương Giáo hội như: tổ chức Đại lễ Phật đản, Đại lễ Phật giáo kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Giáo hội với nhiều hoạt động phong phú, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân Thủ đô tham dự, tạo được ảnh hưởng lớn của Giáo hội đối với cộng đồng.
Thủ đô là nơi nhập thế hành đạo của nhiều bậc cao Tăng trong Phật giáo Việt Nam. Bởi Thăng Long - Hà Nội luôn là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa lớn của cả nước. Nên từ xưa đến nay, các bậc cao Tăng luôn chọn nơi đây làm trung tâm hoằng đạo, nhập thế cứu đời, thể hiện trọn vẹn tinh thần hòa quang đồng trần, triết lý hành động của Phật giáo Việt Nam. Ngày nay, tại Thủ đô luôn có sự hiện diện của các bậc cao Tăng làm trụ cột của Giáo hội, duy trì mạng mạch Phật pháp. Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Hà Nội luôn được thân thừa, thường xuyên tham vấn, thỉnh thị ý kiến của quý ngài trong các hoạt động Phật sự. Do đó, công tác Phật sự của Phật giáo Thủ đô thời gian qua luôn thông suốt và đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.
![]() Nguồn: xomnhiepanh.com |
Kế thừa truyền thống và thế mạnh của Phật giáo Thủ đô hàng nghìn năm qua, Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Hà Nội đã định hướng cho sự phát triển của Phật giáo Thủ đô trong hiện tại và tương lai. Đó là tiếp tục phát huy tinh thần Hộ quốc an dân của Phật giáo Thủ đô nghìn năm văn hiến, đoàn kết hòa hợp - trưởng dưỡng đạo tâm - trang nghiêm Giáo hội, thực hiện phương châm Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội, góp phần xây dựng ngôi nhà chung Giáo hội ngày càng phát triển vững mạnh.