Persepolis - minh chứng cho sự hưng thịnh của đế chế Ba Tư
Persepolis là cố đô thuộc triều đại thứ hai của đế chế Ba Tư với những công trình kiến trúc ấn tượng. Mỗi chi tiết phù điêu chạm khắc trên các công trình kiến trúc ở Persepolis đều thể hiện cuộc sống những ngày đầu của người Ba Tư cổ đại, với nền văn hóa và phong tục đặc sắc.

Trong tiếng Hy Lạp, Persepolis có nghĩa là “Thủ đô của Ba Tư”. Darius Đại đế đã lập nên cố đô Persepolis vào năm 518 trước công nguyên, trên một nền đất bao la, một phần do tự nhiên kiến tạo còn một phần do con người bồi đắp. Tại đây, Darius Đại đế đã xây dựng quần thể các cung điện ấn tượng, lấy cảm hứng từ mô hình các cung điện của Lưỡng Hà (bình nguyên nằm giữa hai con sông Tigris và Euphrates thuộc Tây Á, ngày nay là miền Nam của Iraq). Với tầm quan trọng và những di tích tượng đài có giá trị, cố đô Persepolis trở thành khu di tích khảo cổ độc đáo.
Những di tích nổi bật nhất của Persepolis nằm dưới chân núi Kuh-i-Rahmat ở vùng đồng bằng Marv Dasht, cách thủ đô Tehran ngày nay khoảng 650km về phía nam. Cung điện Apadana là công trình tráng lệ nhất của Persepolis, rộng 300m về hướng đông - tây và dài 460m về hướng nam - bắc. Darius Đại đế đã khởi công xây dựng cung điện năm 515 trước công nguyên, nhưng phải 30 năm sau, dưới triều đại của Hoàng đế Xerxes I, công trình này mới được hoàn tất. Cung điện Apadana thực sự là một kiệt tác kiến trúc với những cột đá được chạm khắc tinh xảo, phô diễn tài năng của thợ thủ công Ba Tư cổ đại. Cung điện có một hội trường lớn hình vuông, chiều dài mỗi cạnh 60m, với 72 cột đá cao 19m chống đỡ trần nhà đồ sộ. Trên đỉnh của các cột trang trí các tác phẩm điêu khắc hình động vật. Đây là nơi các vị vua Ba Tư từng tổ chức hội họp và đón tiếp sứ thần các nước.
Khi lên kế hoạch xây dựng quần thể các cung điện ấn tượng ở Persepolis, có vẻ như Darius Đại đế đã có chủ đích không chỉ dừng lại ở việc xây một nơi để thiết triều, mà vị vua này còn muốn dựng lên một trung tâm văn hóa, nơi diễn ra các lễ hội và tiếp đón trọng thị của các vương triều Nhà Achaemenid. Dưới sự trị vì của Hoàng đế Xerxes I, con trai của Darius Đại đế, đế chế Ba Tư phát triển hưng thịnh. Persepolis tiếp tục được mở rộng, với nhiều công trình mới như các cầu thang hoành tráng, phòng ngai vàng, nhà thường trực và các tòa nhà phụ được xếp loại là một trong những địa điểm khảo cổ lớn nhất thế giới.
Persepolis là ví dụ tiêu biểu cho một thành phố sôi động và biểu tượng của Nhà Achaemenid. Tuy nhiên, công trình kiến trúc nguy nga này đã bị người Hy Lạp thiêu rụi bởi Alexander Đại đế vào năm 330 trước công nguyên. Alexander Đại đế đã mô tả với người dân Macedonia của ông rằng, Persepolis là thành phố thịnh vượng nhất dưới ánh mặt trời, là kẻ thù đáng sợ nhất của mọi thành phố ở phương Đông. Sau khi xâm lược Ba Tư, Alexander Đại đế đã cử đội quân chính trong quân đội hùng hậu của ông tới Persepolis bằng con đường Hoàng gia Ba Tư. Đội quân của Alexander Đại đế đã tràn vào cổng Ba Tư (ngày nay là núi Zagros), cướp bóc và tàn phá kinh đô này. Theo nhà tiểu sử học La Mã cổ đại Plutarchus, quân của Alexander Đại đế đã dùng tới 20.000 con la và 5.000 con lạc đà để chở số châu báu và của cải cướp bóc được từ Persepolis.
Dù cho thời gian và chiến tranh đã tàn phá hầu hết Persepolis, nhưng những giá trị văn hóa và kiến trúc của Persepolis vẫn luôn tồn tại. Persepolis chính là minh chứng vĩ đại cho sự hưng thịnh của đế quốc Ba Tư cổ đại. Năm 1971, Persepolis được chọn làm sân khấu chính diễn ra lễ kỷ niệm 2500 năm chế độ quân chủ của Iran. Năm 1979, UNESCO đã công nhận Persepolis là Di sản thế giới.