Trên đường trở thành thành phố trực thuộc Trung ương Phát triển bền vững - triết lý không thể đảo ngược của Huế

Thanh Tâm thực hiện; ảnh: Cao Phong 01/01/2013 10:05

* Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu Thử tưởng tượng nếu mai này đất nước ta không còn cố đô nữa, đặc biệt là một cố đô gần như nguyên vẹn như Huế… thì câu chuyện gì sẽ xảy ra? Hỏi nhưng dường như đã có câu trả lời, ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, BÍ THƯ TỈNH ỦY THỪA THIÊN HUẾ NGUYỄN NGỌC THIỆN nói: phải chăng là một dân tộc không có lịch sử? Cho nên phải giữ cố đô bằng mọi giá. Bằng giọng Huế nhẹ và ngọt, Ông suy tư, đến Huế một lần có lẽ chưa cảm nhận hết. Con sông dùng dằng con sông không chảy/ Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu. Huế thong thả, nhẹ nhàng, ung dung, không vội vàng. Huế phát triển một cách bình tĩnh. Bởi, một tòa nhà hôm nay chưa xây, ngày mai có thể xây. Nhưng hôm nay ta phá một cảnh quan thì không bao giờ có lại được nữa. Và Huế đã từng tranh luận căng thẳng giữa phát triển kinh tế hay phát triển bền vững. Nhưng cuối cùng, sau khi cân nhắc giữa được và mất, rất mừng là Huế đã nói không, đã chọn bền vững là triết lý phát triển. Từ nay trở đi, dù là thế hệ lãnh đạo nào thì phát triển bền vững là triết lý không thể đảo ngược. Việc Thừa Thiên Huế được nâng cấp trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sẽ là điều kiện tốt nhất để hiện thực hóa triết lý này, giữ nguyên vẹn những giá trị vô giá của dân tộc về văn hóa, lịch sử.

Trên đường trở thành thành phố trực thuộc Trung ương Phát triển bền vững - triết lý không thể đảo ngược của Huế ảnh 1Nếu đưa những giá trị kinh tế để áp đặt cho cố đô, thì có lẽ mất nhiều hơn được 

- Thưa Bí thư, năm 2009, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 48 – KL/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong Kết luận này, Bộ Chính trị tán thành phương hướng xây dựng Thừa Thiên Huế đến năm 2020 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Sau 3 năm tổ chức thực hiện Kết luận 48, Thừa Thiên Huế đã đạt được kết quả bước đầu như thế nào, thưa Bí thư?

- Theo Kết luận của Bộ Chính trị, tính chất của Thừa Thiên Huế và đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2020 là trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là trung tâm của khu vực miền Trung và một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch, khoa học - công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao

Trên cơ sở phương hướng này, căn cứ vào Kết luận 48, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch về quán triệt, tuyên truyền, tổ chức thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị; ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban. Các nội dung cơ bản của Kết luận 48 đã được thể chế hóa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV. Tỉnh ủy cũng đã xây dựng, ban hành 5 nghị quyết nhằm chỉ đạo xuyên suốt các nội dung thực hiện Kết luận 48: Nghị quyết về xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; và 4 nghị quyết chuyên đề (giai đoạn 2011 – 2015 và tầm nhìn đến năm 2020).

HĐND tỉnh đã ban hành các nghị quyết có liên quan. UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động, đồng thời chỉ đạo các ban, ngành, địa phương lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hàng năm, 5 năm (2011 - 2015) để tổ chức thực hiện. Việc xây dựng cơ sở lý luận khoa học, thực tiễn trong quá trình tổ chức thực hiện phát triển đô thị Thừa Thiên Huế cũng được đặc biệt quan tâm thông qua việc phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tổ chức hội thảo, tọa đàm nhằm tiếp thu ý kiến và kinh nghiệm của các chuyên gia trong xây dựng, phát triển đô thị Thừa Thiên Huế.

Cùng với việc xây dựng các nghị quyết, đề án, chương trình để cụ thể hóa Kết luận 48 của Bộ Chính trị, Thừa Thiên Huế đang điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh theo hướng xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trình QH, dự kiến là năm 2014, xem xét, quyết định.

- Trở lại lịch sử có thể thấy chủ trương nâng cấp Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đã từng được trình QH xem xét. Nhưng lần đó chưa hội đủ tỷ lệ phiếu cần thiết để chủ trương này được thông qua. Vậy, lần này giá trị và lý lẽ thuyết phục nhất để QH đồng ý với chủ trương này là gì, thưa Bí thư?

- Năm 1995-1996, trước Kết luận số 48, Bộ Chính trị đã có văn bản đồng ý với chủ trương xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Khi ấy, Trung ương đã nhìn thấy tiềm năng phát triển của Thừa Thiên Huế và nhất trí đưa ra QH biểu quyết. Năm 1996, QH đã bỏ phiếu với tỷ lệ khoảng 48% tổng số ĐBQH tán thành. Tính đến nay đã trải qua gần 20 năm. Thừa Thiên Huế hiện nay khác rất nhiều so với 20 năm trước. Thời điểm đó, kinh tế Thừa Thiên Huế khó khăn và nghèo hơn hiện nay nhiều. Cho nên việc QH chưa thông qua chủ trương nâng cấp Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là đúng đắn.

Chùa Thiên Mụ Ảnh: Hà My
Chùa Thiên Mụ                                                                   Ảnh: Hà My

Đến nay, sau 20 năm Bộ Chính trị tiếp tục có chủ trương nâng cấp Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ Chính trị xác định rõ, Thừa Thiên Huế không phải là một trung tâm kinh tế đơn thuần và không thể là một trung tâm kinh tế theo đúng nghĩa với những tiêu chí như các thành phố trực thuộc Trung ương khác. Thừa Thiên Huế có đặc thù và tính chất khác so với Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Đương nhiên, để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thì Thừa Thiên Huế cũng phải đáp ứng những tiêu chí ở mức độ cơ bản, tối thiểu. Ví dụ những tiêu chí về cơ sở hạ tầng, vệ sinh môi trường, cảnh quan, thu ngân sách, GDP bình quân đầu người... để bảo đảm một thành phố Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương nếu được thông qua trong tương lai sẽ không nghèo quá, khó khăn quá. Thừa Thiên Huế đang phấn đấu để đạt được những tiêu chí về kinh tế và hiện đã cơ bản đạt được. Nhưng tiêu chí về mật độ dân cư thì có lẽ khó có thể đạt được. Vì diện tích tự nhiên của Thừa Thiên Huế là hơn 5.000 km2 và dân số khoảng 1 triệu người, trong khi đó Hà Nội là hơn 3.000 km2 với dân số hơn 6 triệu người.

Đó là những điều kiện, tiêu chí có thể đo đếm được. Nhưng nếu nói về giá trị, lý lẽ thuyết phục có lẽ bởi Thừa Thiên Huế là cố đô được giữ nguyên vẹn nhất với đậm đặc các di tích, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể...  Văn hóa, lịch sử, cảnh quan là những giá trị vô giá cần phải bảo tồn và là lý lẽ để thuyết phục QH, các ĐBQH. Bây giờ đi vào cơ chế thị trường, đất nước đang còn khó khăn thì có khi chúng ta nghĩ nhiều đến chuyện kiếm tiền. Nhưng kiếm tiền đến mức độ nào đó thì cũng phải tìm đến giá trị cuộc sống đích thực, chứ không chỉ là vấn đề vật chất nữa. Huế đang đi theo hướng đó và chắc chắn Huế sẽ đạt được. Có thể chứng minh bằng những quy hoạch đẹp, đặc thù của Huế. Với thế giới cũng vậy, có lẽ ít có cố đô nào là tiêu biểu cho quốc gia về sự phát triển giàu mạnh của kinh tế. Ngay bản thân hai chữ cố đô đã cho thấy sự tiêu biểu của những giá trị văn hóa, lịch sử cần được bảo tồn, lưu giữ của dân tộc, của đất nước. Do vậy, nếu cứ đưa những giá trị kinh tế để áp đặt cho cố đô, thì cuối cùng chỉ phá cố đô, mất nhiều hơn được, thậm chí là không còn gì cả.

Huế có phải là cố đô duy nhất của Việt Nam hay không – câu trả lời nên dành cho các nhà sử học. Đúng là trong lịch sử nước ta có một số tỉnh, thành đã từng là kinh đô của triều đại phong kiến, trong đó có Huế. Huế là nơi đóng đô của triều đại phong kiến cuối cùng của nước ta, trải qua 13 đời vua. Lịch sử hình thành của Huế là 700 năm, trong đó triều Nguyễn là hơn 150 năm. Để khẳng định một thành phố là cố đô hay không chắc chắn có nhiều tiêu chí nhất định. Nhưng chắc chắn đến nay, Huế là kinh đô còn giữ được nguyên vẹn nhất, đậm đặc nhiều giá trị văn hóa, lịch sử nhất, cả vật thể và phi vật thể, gần như đầy đủ tất cả kinh thành, đền đài, lăng tẩm - những nơi triều đại phong kiến làm việc.

Cố đô Huế tài sản chung của quốc gia, của dân tộc

- Thưa Bí thư, mỗi tỉnh, thành trên cả nước có một nhiệm vụ chính trị khác nhau. Trong đó, phát triển kinh tế là trung tâm… có lẽ là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu mà hầu hết các tỉnh, thành đều phải thực hiện nhằm đạt tới mục tiêu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Với những nét và tính chất đặc thù thì đóng góp của Thừa Thiên Huế với Trung ương, với cả nước có lẽ không chỉ ở góc độ kinh tế mà còn là giá trị văn hóa, giá trị phi vật thể…

- Nhiệm vụ chính trị lớn của Huế đóng góp cho đất nước trước hết là phải gìn giữ cố đô, luôn luôn xứng đáng là cố đô, kinh đô xưa của nước Việt Nam - nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, giá trị lịch sử đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Đó có lẽ là nhiệm vụ lớn nhất. Tiếp đó là phải giữ được cảnh quan môi trường mang nét đặc trưng của Việt Nam để khi bạn bè quốc tế đến với Huế có thể cảm nhận được nền văn hóa đặc trưng của Việt Nam.

Thử tưởng tượng nếu mai này đất nước ta không còn cố đô nữa, đặc biệt là một cố đô gần như nguyên vẹn như Huế, hoặc được quy hoạch phát triển như những đô thị khác thì câu chuyện gì sẽ xảy ra? Phải chăng là một dân tộc không có lịch sử? Cho nên Huế phải giữ cố đô bằng mọi giá. Mặc dù để giữ được cố đô tương đối nguyên vẹn như ngày nay, Huế cũng rất nhiều áp lực, nhưng Huế chấp nhận vì không có cái gì được mà không mất.

Đến Huế phải ở lâu một chút. Con sông dùng dằng con sông không chảy/ Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu. Đến Huế một lần có lẽ chưa cảm nhận được Huế. Huế thong thả, nhẹ nhàng, ung dung, không vội vàng. Tất nhiên cái gì cũng có hai mặt. Để giữ được nếp sống như vậy trong thời đại phát triển kinh tế thị trường ngày nay không phải đơn giản. Phải văn hóa cao mới giữ được. Nếu dễ dãi, chỉ tập trung cho phát triển kinh tế thì Huế sẽ bị phá hoại ngay lập tức. Điều nguy hiểm nhất có lẽ là không phát triển bền vững. Không có tiền thì bằng mọi giá có tiền. Nhưng sau đó sẽ phải trả giá rất đắt.  

Huế phát triển một cách bình tĩnh. Bởi, cảnh quan phá đi thì không bao giờ làm lại được. Cho nên trước khi quyết định bất cứ một dự án, công trình nào Huế phải cân nhắc rất thận trọng giữa được và mất. Một tòa nhà hôm nay chưa xây thì ngày mai có thể xây. Nhưng hôm nay ta phá một cảnh quan, thì ngày mai dẫu có tiền chúng ta cũng không bao giờ có lại được. Làm sao có lại được? Phải giữ được giá trị văn hóa, cảnh quan.

- Cân nhắc thận trọng giữa được và mất, trong đó chắc chắn được phải nhiều hơn. Điều này đồng nghĩa rằng Huế đã, đang và sẽ phải nói “không” nhiều lần hơn nữa, thưa Bí thư?

- Kinh nghiệm phát triển của nước ta cũng như các nước trên thế giới đã khẳng định rằng, phát triển đúng quy luật là phải bền vững và khi bền vững thì sẽ phát triển nhanh. Thực ra hiện nay, khái niệm phát triển nhanh hay chậm nhiều khi do chúng ta nhìn bằng nhiệm kỳ. Nếu nhìn bằng độ dài của một nhiệm kỳ lãnh đạo thì có thể tốc độ phát triển của Huế như hiện nay là chậm. Nhưng nếu nhìn cả một đoạn đường lâu dài, chiến lược thì sự phát triển của Huế lại là nhanh. Bởi, phát triển mà cái sau không phá vỡ cái trước thì rõ ràng cái chậm này sẽ nhanh và hiệu quả hơn nhiều so với cái nhanh trong tầm ngắn hạn chứ, nhất là đối với vùng đất văn hóa, lịch sử như Huế. Giống như chạy đường trường trong thể thao, quan trọng không phải là ai chạy nhanh ở đoạn đầu thì sẽ thắng mà cuối cùng là ai sẽ về đích trước nhất. 

- Huế đã làm gì để theo đuổi những mục tiêu nêu trên?

- Kiên quyết từ chối những dự án, quyết định sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan của Huế. Thực tế, Huế đã từng từ chối dự án nhà máy nhiệt điện ở Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô; dự án đóng tàu ở cảng Chân Mây... Cần biết rằng, thời điểm đó, cách đây khoảng 5 năm, để thu hút được đầu tư vào địa phương là rất khó khăn. Trước khi đưa ra quyết định từ chối những dự án này, Huế đã tổ chức nhiều cuộc họp để tranh luận về triết lý phát triển của Huế. Tỷ lệ các ý kiến đóng góp gần như là 50 – 50. Một bên nhất quyết phải bảo tồn. Còn một bên cho rằng phải phát triển kinh tế, phải có thu ngân sách, phải có đầu tư. Thậm chí có ý kiến thẳng thắn: tại sao kinh tế còn nghèo như thế, thu ngân sách không có mà không cho các dự án vào? Nếu dự án nào cũng nói không thì lấy đâu tiền để phát triển. Huế đã bàn rất nhiều để có thể đi đến lựa chọn giữa phát triển kinh tế với phát triển bền vững. Rất căng thẳng. Rất nhiều áp lực, nhất là đối với những người lãnh đạo.

Nhưng cuối cùng, sau khi cân nhắc giữa được và mất, rất mừng là Huế đã nói không, đã chọn bền vững là triết lý phát triển.

Đó là thời điểm cách đây 5 năm, chứ đến hôm nay thì không có gì phải tranh luận nữa vì phát triển bền vững đã được tất cả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế thống nhất cao. Cho nên, giữ được những cái đã, đang có và có cái nhìn rõ ràng, thống nhất về sự phát triển của Huế là thắng lợi lớn nhất. Bây giờ, dù thế hệ lãnh đạo nào thì triết lý phát triển bền vững của Huế là không thể đảo ngược. Việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thừa Thiên Huế để đưa Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đang được thực hiện theo hướng tuân thủ chặt chẽ triết lý này.

- Thưa Bí thư, Huế không chỉ của nhân dân Huế mà còn là một bộ phận của đất nước, dân tộc Việt Nam. Huế được nâng cấp trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vì thế không chỉ là niềm vui của nhân dân Huế. Nhân dịp này, Bí thư có điều gì muốn bày tỏ với cử tri và nhân dân cả nước cũng như các ĐBQH, những người đại biểu ưu tú cho ý chí và quyền lợi chính đáng của cử tri và nhân dân?

- Việc nâng cấp Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là mong muốn và nguyện vọng của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế. Nếu Huế được trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thì sẽ có điều kiện hơn trong quy hoạch phát triển đô thị. Quy hoạch phát triển có tầm nhìn dài hạn hơn thì sẽ có điều kiện tốt nhất để bảo tồn, phát triển, tôn tạo, giữ nguyên vẹn quần thể di tích cố đô. Đây là điều vô cùng quan trọng.

Bảo vệ và phát triển cố đô Huế có lẽ không phải trách nhiệm riêng của nhân dân Thừa Thiên Huế. Nhân dân Thừa Thiên Huế được đồng bào cử tri và nhân dân cả nước giao cho quản lý, bảo tồn. Đây là tài sản chung của quốc gia, của dân tộc. Cho nên, nếu cố đô Huế được nâng cấp trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, được phát triển đúng tầm là niềm tự hào chung của nhân dân cả nước đối với bạn bè quốc tế. Khi đó, thông qua hình ảnh và giá trị văn hóa, lịch sử mà cố đô Huế đang lưu giữ, bạn bè quốc tế sẽ hiểu thêm về những giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam. Cho nên, trong tình cảm sâu thẳm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Huế mong muốn đồng bào và cử tri cả nước ủng hộ, cổ vũ, động viên và tạo điều kiện để chủ trương nâng cấp Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sớm được thông qua.

Xin chân thành cám ơn Bí thư!

Thanh Tâm <i>thực hiện; ảnh: Cao Phong</I>