Chức năng, thẩm quyền và cơ chế hoạt động

Tiến Dũng 28/12/2012 08:24

Chức năng cơ bản, khái quát và tiêu biểu nhất của tiểu ban thuộc ủy ban của Nghị viện là giúp ủy ban giải quyết một hoặc một số công việc thuộc phạm vi thẩm quyền của ủy ban đã được Nghị viện trao cho. Chức năng này quyết định tới phạm vi thẩm quyền và cơ chế hoạt động của Tiểu ban.

Phạm vi thẩm quyền của Tiểu ban được thiết lập trên cơ sở kết hợp giữa hai yếu tố là phạm vi công việc (phân công) và mức độ trao quyền giải quyết công việc (phân quyền). Phạm vi công việc là giới hạn những công việc cụ thể mà ủy ban phân công cho từng tiểu ban. Theo đó, mỗi Tiểu ban sẽ phụ trách một hoặc một nhóm công việc nhất định và khi phát sinh công việc liên quan đến mảng đó thì tiểu ban tương ứng mặc nhiên có quyền thực hiện. Thông thường, những công việc có tính ổn định, thường xuyên sẽ được trao cho tiểu ban thường trực, còn những công việc đột xuất sẽ được giao cho Tiểu ban lâm thời… Theo cách thức phân quyền này, về lý thuyết, toàn bộ các mảng công việc của ủy ban có thể được chia về hết cho các tiểu ban. Tuy nhiên, trên thực tế, các ủy ban thường giữ lại cho mình một hoặc một số mảng công việc nhất định để giải quyết tại phiên họp toàn thể của ủy ban. Ví dụ, Ủy ban Tài chính và Thuế vụ của Hạ viện Mỹ sau khi chia một số mảng công việc về các tiểu ban thì vẫn giữ lại mảng công việc về sửa đổi thuế thu nhập trong Bộ luật Thuế vụ. Hay Ủy ban Tài nguyên giữ lại các vấn đề liên quan đến người Mỹ bản địa…

Còn mức độ phân quyền là giới hạn về thẩm quyền mà ủy ban trao cho tiểu ban để giải quyết một công việc cụ thể. Theo đó, ủy ban có thể trao cho tiểu ban quyền giải quyết một mảng thẩm quyền hoặc một hoặc một số công việc trong chuỗi quá trình giải quyết công việc… Tuy nhiên, ở góc độ phân quyền cần lưu ý rằng, trong mọi trường hợp, ủy ban không bao giờ và không thể phân quyền tuyệt đối cho tiểu ban. Tức là, tiểu ban không chịu trách nhiệm thay ủy ban trước Nghị viện. Ủy ban tại phiên toàn thể phải là chủ thể thông qua quyết định cuối cùng về kết quả thẩm tra đối với một dự án luật, mặc dù kết quả đó có thể tương tự với kết quả làm việc trước đó của tiểu ban được thể hiện trong báo cáo trình ủy ban tại phiên họp toàn thể.

Nhìn chung, phương thức và hình thức hoạt động của tiểu ban ở nghị viện các nước là tương đồng với ủy ban. Ví dụ: Điều 97a Quy chế Thượng viện Cộng hòa Séc quy định “Các quy định cho cuộc họp của ủy ban được áp dụng cho các cuộc họp của Tiểu ban cho phù hợp”. Thực tế hoạt động tiểu ban ở nghị viện một số nước cho thấy, điều trần và tổ chức các cuộc họp toàn thể là hoạt động tiêu biểu và phổ biến nhất. Mục đích của việc tổ chức các cuộc họp hoặc phiên điều trần là lấy lời khai, thu thập thêm chứng cứ mới từ nhân chứng hoặc đối tượng liên quan để bổ sung, làm rõ, thảo luận, đưa ra những đề xuất, kiến nghị của tiểu ban về vấn đề được giao. Các cuộc họp, điều trần của tiểu ban được tiến hành định kỳ theo lịch hoặc bất thường (theo triệu tập của Chủ tịch hoặc theo yêu cầu của tỷ lệ nhất định thành viên tiểu ban (thường là 1/3 tổng số thành viên Tiểu ban), nhưng không được diễn ra vào thời điểm nghị viện hoặc ủy ban mẹ đang tiến hành họp. Ở một số Nghị viện hoạt động thường xuyên như Mỹ, Canada, Scotland thì các cuộc họp, điều trần của ủy ban cũng như của tiểu ban còn không được diễn ra trong thời gian Nghị viện nghỉ.

Tiểu ban làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số và thường là công khai. Hầu hết các cuộc họp, phiên điều trần của tiểu ban phải được thông báo trước, công khai (mở cửa, đăng tải hoặc truyền hình trực tiếp) và theo quy trình, thủ tục chặt chẽ. Tiểu ban chỉ họp kín đối với những trường hợp đã được luật định hoặc phải được đa số thành viên tiểu ban đồng ý. Các vấn đề cần họp kín thường có nội dung bí mật hoặc nhạy cảm như: liên quan đến bí mật quốc phòng, an ninh, đối ngoại; mang tính chất nội bộ hành chính, thủ tục; đời tư, danh dự, uy tín của cá nhân; có thể tiết lộ danh tính người làm chứng hoặc ảnh hưởng đến tố tụng hình sự; bí mật thương mại, thông tin tài chính…

Hình thức, cách thức biểu quyết ở tiểu ban khá đa dạng và được các áp dụng linh hoạt, có thể là giơ tay, phiếu biểu quyết hoặc ngồi thành khu vực hoặc bỏ phiếu điện tử…; có thể biểu quyết từng nội dung hoặc toàn bộ. Thông thường, Chủ tọa sẽ theo quy định của pháp luật để quyết định hình thức biểu quyết. Nếu pháp luật không quy định hình thức bỏ phiếu bắt buộc, Chủ tọa có thể quyết định hoặc thành viên tham dự quyết định ngay tại phiên đó. Trên thực tế, kết quả biểu quyết thường ở ba mức độ. Nếu tiểu ban đồng ý với dự thảo ban đầu, dự thảo báo cáo của tiểu ban sẽ được hoàn thiện sau đó trình ủy ban mẹ. Nếu tiểu ban đề nghị chỉnh lý dự thảo theo ý kiến đã được thống nhất tại cuộc họp và sẽ xem xét thông qua tại phiên tiếp theo, Chủ tọa sẽ thông báo luôn nội dung và lịch làm việc cho phiên điều trần tiếp theo. Nếu tiểu ban không đồng ý và yêu cầu nghiên cứu lại, coi như dự án bị bác và nếu tiến hành tiếp thì các bước được thực hiện lại từ đầu.

Tiến Dũng