Xuất khẩu dệt may năm 2012 tăng trưởng chậm

Anh Tú 27/12/2012 08:34

Ước tính kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may, xơ sợi trong năm 2012 đạt 17 tỷ USD, tăng 8% so với năm trước và chiếm khoảng 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới, các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản... đều giảm nhập khẩu do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Tuy nhiên, mức tăng này là chưa đạt mục tiêu kế hoạch đề ra và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp giảm.

Theo Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường, trong năm 2012, do giá trung bình hàng dệt may trên thị trường thế giới giảm, nên để đạt tốc độ tăng trưởng về kim ngạch, sản lượng xuất khẩu phải tăng 14-15% tùy thị trường. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may của thị trường Mỹ tăng 5%, thì hàng dệt may của Việt Nam tăng 15%; thị trường châu Âu giảm 5% thì hàng dệt may của Việt Nam chịu mức giảm 2-3%; xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tăng trưởng được khoảng 17%; với thị trường Hàn Quốc, hàng dệt may đạt mức tăng 28% trong khi thực tế thị trường này chỉ tăng nhập khẩu khoảng 7%. Sở dĩ đạt được kết quả tương đối khả quan như vậy, do chúng ta có chiến lược cạnh tranh dài hạn đúng đắn, luôn lựa chọn mặt hàng có kỹ thuật cao, linh hoạt trong các đơn hàng vừa và nhỏ, xác định thị trường ngách để đi.

Nguồn: baodienbienphu.info.vn
Nguồn: baodienbienphu.info.vn
Mặc dù vậy, khó khăn từ thị trường thế giới đã khiến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của toàn ngành chững lại và chỉ đạt ở mức một con số, chưa đạt so với kế hoạch tăng 10 - 12% đặt ra hồi đầu năm và thấp xa so với mức hơn 30% của năm 2011. Nếu như năm trước, xuất khẩu dệt may thắng lợi trên cả 3 mặt, đó là phát triển thị trường, đơn giá và sản lượng đều tăng, thì năm nay, đơn giá và sản lượng giảm, cho dù các doanh nghiệp lớn vẫn duy trì được đơn hàng. Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG Nguyễn Văn Thời cho biết, năm nay doanh thu của công ty chỉ tăng khoảng 10%, bằng một nửa chỉ tiêu kế hoạch đề ra và lợi nhuận giảm, không đạt được như kế hoạch. Giảm là do một số khách hàng lớn cắt bớt sản lượng, cũng như giá bán của năm 2012 không tốt bằng năm 2011.

Những tháng đầu năm, đa số các doanh nghiệp ngành dệt may, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó khăn trong việc thu xếp vốn và tìm kiếm đơn hàng để phát triển sản xuất. Những tháng cuối năm tình hình đơn hàng ổn định hơn. Ngoài tác động khách quan, trong năm 2012 các doanh nghiệp dệt may tiếp tục đối mặt với điểm yếu cố hữu của toàn ngành đó là thiếu nguyên liệåu, phụ liệu, phần lớn vẫn phải nhập khẩu. Mặc dù tỷ lệ nội địa hóa đang từng bước được cải thiện, mỗi năm tăng 3-5%, hiện đạt tới 48%, nhưng vẫn còn thấp xa so với mức 90% của Ấn Độ và 95% của Trung Quốc. Hạn chế thứ hai làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp dệt may nói riêng, đó là giá vốn cao do lãi suất ngân hàng vẫn ở mức 12-16%/năm và khó tiếp cận. Thêm nữa là chi phí đầu vào sản xuất như xăng, dầu, điện, lương công nhân tiếp tục tăng, chi phí đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động tăng đã tác động không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Năm 2013, dự báo tình hình kinh tế thế giới vẫn khó khăn, nhất là các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may như Mỹ, EU, Nhật Bản. Vì vậy, theo Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt, năm 2013 có hai xu hướng đặt hàng khá rõ nét, một là những đơn hàng số lượng lớn thì giá sẽ giảm, do các nhà nhập khẩu muốn cắt giảm thấp nhất các chi phí để giảm giá bán, hai là các đơn hàng có mức giá trung bình khá trở lên thì lượng đặt nhỏ, lẻ, mẫu mã thay đổi liên tục, thời gian giao hàng gấp...

Đây là một thách thức, đòi hỏi doanh nghiệp phải có phương án phân bổ năng lực sản xuất phù hợp. Đồng thời tiếp tục cắt giảm mọi chi phí tiêu hao nguyên liệåu, nhiên liệåu, vật liệu, nâng cao năng suất để giảm giá thành và tăng thu nhập cho người lao động. Nếu tăng trưởng của ngành dệt may trong 10 năm trước chủ yếu do tăng đầu tư thì bây giờ phải do tăng năng suất lao động. Về thị trường xuất khẩu thì cũng còn cơ hội để tăng thị phần vì kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vẫn ở mức khiêm tốn nếu so với mức xuất khẩu hàng trăm tỷ USD của Trung Quốc hay 25-27 tỷ USD của Bangladesh. Vấn đề chủ yếu phụ thuộc vào năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.

Anh Tú