Giảm tỷ lệ mắc mới lao ở người nhiễm HIV và mắc mới HIV ở người bệnh lao

Thiều Anh Thơ 25/12/2012 15:43

Bệnh lao là một trong những bệnh nhiễm trùng cơ hội gây tử vong hàng đầu ở người nhiễm HIV. Nhiễm HIV cũng là yếu tổ nguy cơ cao nhất đối với sự tiến triển bệnh lao ở những người nhiễm vi khuẩn lao. Tình hình nhiễm HIV/AIDS và mắc lao đang là gánh nặng bệnh tật và gây tử vong rất lớn tại Việt Nam.

Việc triển khai hoạt động phối hợp phòng, chống HIV/lao còn gặp nhiều khó khăn

Tổ chức giám sát, hỗ trợ kỹ thuật tại một số tỉnh có tình hình dịch HIV và lao cao cho thấy các tỉnh đã và đang triển khai khá tốt các hoạt động phối hợp HIV/lao, đặc biệt ở các tỉnh có các dự án quốc tế hỗ trợ. Năm 2011 và 2012 công tác chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao ở người nhiễm HIV đã được triển khai tại hầu hết các cơ sở điều trị HIV/AIDS. Các đơn vị đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kiểm soát lao tại các cơ sở điều trị, trang bị bảo hộ cho cán bộ trực tiếp điều trị bệnh nhân, sắp xếp lại khoa phòng theo quy tắc dự phòng lây nhiễm lao và áp dụng các giải pháp hành chính hiệu quả trong việc kiểm soát lây truyền lao tại cơ sở điều trị HIV/AIDS. Tuy nhiên, đây vẫn là hoạt động mới mẻ đối với chương trình phòng, chống HIV/AIDS.

Theo Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Bùi Đức Dương, số người nhiễm HIV được chẩn đoán là mắc lao không ngừng tăng theo các năm. Năm 2009 là 1.717 người, năm 2010 là 2.039 người và năm 2011 là 2.146 người. Công tác điều trị ARV (thuốc kháng virus) cho người bệnh HIV mắc lao đã được hướng dẫn triển khai trên toàn quốc. Tuy nhiên, do việc chuyển tiếp người bệnh giữa cơ sở tư vấn xét nghiệm tự nguyện và cơ sở điều trị HIV/AIDS chưa đạt hiệu quả, dịch vụ điều trị ARV chưa sẵn có tại các cơ sở điều trị lao nên việc điều trị ARV chỉ đạt gần 50% số người bệnh HIV/lao. Ngoài ra, chẩn đoán lao phổi trực khuẩn kháng acid âm tính và lao ngoài phổi tại tuyến huyện còn hạn chế đặc biệt trên người nhiễm HIV do chưa có nhóm chẩn đoán lao phổi trực khuẩn kháng acid âm tính tại tuyến huyện vì nhiều địa phương không có bác sỹ chuyên khoa lao; thiếu kinh phí cho xét nghiệm HIV cho bệnh nhân lao.

Một trong những khó khăn lớn nhất của việc triển khai hoạt động phối hợp phòng, chống HIV/lao chưa hiệu quả đó là thiếu hụt nguồn nhân lực trong việc thực hiện các can thiệp để có thể thực hiện đồng bộ các can thiệp về chẩn đoán HIV trên lao và chẩn đoán, điều trị lao và điều trị dự phòng mắc lao ở người nhiễm HIV. Thiếu hụt thông tin trong việc lập kế hoạch phối hợp HIV/lao, hiện tại các chương trình đều thực hiện việc thu thập các chỉ số liên quan đến kết quả triển khai các can thiệp theo chức năng và phạm vi quản lý của mình. Chưa có các quy định rõ ràng về việc chia sẻ thông tin nên việc áp dụng các thông tin này trong việc lập kế hoạch đối với các can thiệp từ cả 2 chương trình còn hạn chế.

Tại các địa phương, mặc dù Tiểu ban Lao/HIV đã được thành lập 49/63 tỉnh, thành phố nhưng các Tiểu ban hoạt động không đồng đều. Có Tiểu ban từ ngày thành lập chưa tổ chức họp lần nào, có tiểu ban có sự thay đổi 2/3 số thành viên nhưng không có quyết định bổ sung. Các tiểu ban hoạt động có hiệu quả hầu hết đối với các tỉnh có dự án hỗ trợ. Tại tuyến huyện, mô hình tổ chức y tế tuyến huyện rất đa dạng, bao gồm Trung tâm y tế dự phòng, bệnh viện đa khoa huyện và mạng lưới điều trị HIV/AIDS đang phủ tại 25% huyện và đặt ở các đơn vị y tế khác nhau nên rất khó khăn trong hướng dẫn triển khai hoạt động phối hợp HIV/lao.

Chú trọng cung cấp các dịch vụ điều trị cho người bệnh HIV/lao

Kế hoạch phối hợp giữa Chương trình phòng, chống HIV/AIDS và Dự án phòng, chống lao là phấn đấu đến cuối năm 2013 tất cả các tỉnh, thành phố thực hiện các hoạt động phối hợp phòng, chống HIV/lao. 70% số người bệnh lao ở các tỉnh, thành phố có tỷ lệ nhiễm HIV cao và trung bình được tư vấn và xét nghiệm HIV. 60% người HIV mắc lao được điều trị đồng thời lao và ARV; 40% người nhiễm HIV đang quản lý được dự phòng mắc lao bằng thuốc điều trị lao Isoniazid (INH).

Để có thể hoàn thành mục tiêu đã đặt ra, trong thời gian tới, chương trình phòng, chống HIV/AIDS và dự án phòng chống lao sẽ mở rộng hệ thống chăm sóc và điều trị HIV/AIDS tại các tỉnh, thành phố có tỷ lệ hiện mắc HIV cao và trung bình. Thí điểm và nhân rộng mô hình cấp thuốc điều trị lao và thuốc ARV tại cùng một cơ sở y tế, đặc biệt là tuyến huyện, xã. Chú trọng đến việc cung cấp các dịch vụ điều trị dự phòng mắc lao cho người nhiễm HIV, điều trị sớm ARV cho người bệnh lao nhiễm HIV, điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội bằng Cotrimoxazole cho người nhiễm HIV mắc lao. Áp dụng phương pháp chẩn đoán lao mới nhằm rút ngắn thời gian chẩn đoán xác định, cải thiện hiệu quả chuyển tiếp, chuyển tuyến người bệnh giữa 2 cơ sở chăm sóc, điều trị lao và HIV. Huy động nhân lực và vật lực trong nước từ các chương trình y tế trung ương, địa phương; từ các tổ chức xã hội, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ để bảo đảm nguồn lực cho phối hợp chăm sóc, hỗ trợ, điều trị người bệnh HIV/lao.

Cục phòng, chống HIV/AIDS chủ trì phối hợp với Dự án phòng, chống bệnh lao quốc gia thực hiện xây dựng văn bản hướng dẫn triển khai các hoạt động phối hợp theo Quy chế phối hợp giữa Chương trình phòng, chống HIV/AIDS và Dự án phòng, chống lao; cập nhật hướng dẫn điều trị người bệnh lao kháng thuốc ở người nhiễm HIV theo các khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới; xây dựng sổ sách, biểu mẫu báo cáo kết quả hoạt động chăm sóc điều trị và dự phòng lao ở người nhiễm HIV; xây dựng các chỉ số đánh giá hoạt động phối hợp giữa Chương trình phòng chống HIV/AIDS và Dự án phòng, chống lao; xây dựng tài liệu tập huấn về các hoạt động phối hợp phòng, chống HIV/lao trình Bộ Y tế ban hành. Bên cạnh đó, hai bên sẽ thống nhất kế hoạch triển khai các hoạt động phối hợp, tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn triển khai các hoạt động phối hợp phòng, chống HIV/lao tuyến tỉnh tại 3 miền Bắc, Trung, Nam. Phối hợp tổ chức các chuyến kiểm tra, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật các hoạt động phối hợp giữa 2 chương trình tại tuyến tỉnh, huyện.

Thiều Anh Thơ