Càng đi vào kinh tế thị trường càng không thể coi nhẹ vai trò của quy hoạch, của quản lý Nhà nước

Thanh Tâm 25/12/2012 08:41

Cuối tuần qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước. Tại các cuộc làm việc, ghi nhận và đánh giá cao những kết quả nổi bật của ngành, nhất là những kết quả thực hiện nhiệm vụ của ngành từ sau Đại hội XI của Đảng đến nay, song Tổng bí thư cũng chỉ rõ những hạn chế, tồn tại cần được phân tích, làm rõ. Từ đó có giải pháp căn cơ cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ một cách có chất lượng và hiệu quả của hai ngành, lĩnh vực có vị trí đặc biệt quan trọng, chiến lược của đất nước.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Ngân hàng Nhà nước đều cho biết, hai năm qua, ngành đã bám sát các tư tưởng chỉ đạo, nhiệm vụ chính trị mà Đại hội XI của Đảng và các Nghị quyết của Trung ương đã đề ra cho ngành, chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, cùng với những bộ, ngành khác, đóng góp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thể hiện rõ nét ở những chuyển biến tích cực của tình hình kinh tế – xã hội đất nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2011 – 2015 trình Hội nghị Trung ương 3 và QH thông qua với các mục tiêu, định hướng lớn theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Chủ động báo cáo Chính phủ trình Trung ương, QH điều chỉnh giảm chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế từ 7 – 7,5% xuống 6,5 – 7%/năm với nhiệm vụ trọng tâm là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô... Cùng hướng trọng tâm vào nhiệm vụ chung này, NHNN thời gian qua đã kiên định theo mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội. Việc điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng và linh hoạt đã góp phần kiềm chế lạm phát từ mức 18,13% trong năm 2011 xuống dưới 7% trong năm 2012, phấn đấu giảm xuống còn 5 – 7% vào năm 2015 như Hội nghị Trung ương 3 (Khóa XI) đã đề ra...

Đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như NHNN, Tổng bí thư tập trung phân tích về vị trí, vai trò của hai cơ quan này. Và trên cơ sở những vấn đề lý luận mà rất thực tiễn của hai cơ quan mà gợi mở phương thức, cách thức triển khai công việc theo hướng thiết thực, hiệu quả.

Với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng bí thư nêu rõ, đây là bộ mang tính tổng tham mưu, chiến lược. Qua nhiều giai đoạn, cơ cấu tổ chức, vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của bộ có sự thay đi đổi lại nhất định. Không phải ngẫu nhiên, Lênin đã từng nói, Kế hoạch là cương lĩnh thứ hai của Đảng. Dù đi vào kinh tế thị trường, nhưng đều phải có quy hoạch, kế hoạch. Đây là nguyên tắc đặc biệt quan trọng. Trong lịch sử kinh tế thế giới đã từng đưa ra nhiều quan điểm. Lúc thì nhấn vào thị trường tự do, lúc thì khẳng định vai trò quản lý của Nhà nước và có lúc lại đưa ra quan điểm hai bàn tay cùng vỗ vào để chỉ quan hệ Nhà nước – thị trường.

Theo Luật NHNN hiện hành, NHNN có hai chức năng cơ bản. Với tư cách là cơ quan ngang bộ, NHNN thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối – lĩnh vực hết sức rộng lớn, khó khăn, phức tạp, đầy mâu thuẫn và nhạy cảm. Với vai trò là Ngân hàng Trung ương của Nước CHXHCN Việt Nam, NHNN thực hiện chức năng phát hành tiền, ngân hàng của các tổ chức tín dụng và cung ứng dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ. Từ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và thực tế hoạt động của ngành ngân hàng, Tổng bí thư cho rằng, việc pháp luật trao cho NHNN hai chức năng là đúng đắn và phù hợp với điều kiện Việt Nam. Bởi trước đây đã từng có ý kiến đề xuất chỉ xây dựng mô hình Ngân hàng Trung ương và theo đó Luật sẽ là Luật Ngân hàng Trung ương, chứ không phải Luật Ngân hàng Nhà nước như hiện nay. Nhưng, sau khi bàn bạc, cân nhắc kỹ lưỡng, đối với Việt Nam, Ngân hàng vẫn phải làm hai chức năng. Bởi càng đi vào kinh tế thị trường thì càng thấy vai trò quan trọng của quản lý nhà nước. Nếu chỉ có một Ngân hàng độc lập với Chính phủ hoặc các cơ quan khác, chỉ kinh doanh thuần túy về tiền tệ, thì vừa rồi xử lý nợ xấu thế nào?

Hiện nay cũng có ý kiến cho rằng, không chỉ đối với lĩnh vực kế hoạch, đầu tư và ngân hàng mà ở các ngành, lĩnh vực khác, ta chưa thực sự đổi mới trong thực hiện vai trò quản lý nhà nước và đề nghị phải chuyển mạnh sang cơ chế thị trường hơn nữa. Theo Tổng bí thư thì ý kiến này mới thuần túy nhấn một mặt về đổi mới tư duy. Thực tế diễn biến của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có những nước tư bản già đời, sừng sỏ về tài chính, đã cho thấy không có thị trường tự do hoàn toàn mà đều phải có bàn tay hỗ trợ của Nhà nước. Bằng chứng là trong cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, họ đã phải bỏ hàng trăm tỷ USD tiền ngân sách để giải cứu nền kinh tế, tránh sự đổ vỡ của hệ thống ngân hàng – đấy là vai trò Nhà nước hay tư nhân? Cho nên, càng đi vào kinh tế thị trường càng không thể coi nhẹ vai trò quy hoạch, kế hoạch; không thể coi nhẹ vai trò quản lý của Nhà nước. Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thì phải có sự điều tiết, quản lý, hướng dẫn của Nhà nước. Cho rằng, không nên phiến diện, cực đoan và cũng không bảo thủ theo hướng lúc nào Nhà nước cũng can thiệp vào thị trường, Tổng bí thư chỉ rõ, vấn đề là hiểu quan hệ giữa Nhà nước và thị trường như thế nào? Nhà nước có vai trò điều tiết nhưng theo quy luật của thị trường, vận dụng cơ chế thị trường để thực hiện tốt vai trò quản lý của Nhà nước. Nhà nước và thị trường – hai quan hệ tưởng chừng mâu thuẫn song có sự hỗ trợ biện chứng cho nhau. Đương nhiên, phải hiểu đúng nội dung của quy hoạch, của quản lý nhà nước. Không nên và không thể lấy danh nghĩa Nhà nước để can thiệp quá sâu vào thị trường theo kiểu cầm tay chỉ việc, hành chính hóa, chỉ đạo áp đặt. Phải tôn trọng quy luật kinh tế thị trường. Nhà nước phải lãnh đạo, quản lý để phát huy tối đa mặt mạnh của cơ chế thị trường; sử dụng cơ chế thị trường để bổ sung, phát triển cho sự quản lý của Nhà nước một cách hợp quy luật khách quan - hai mặt mâu thuẫn mà thống nhất của một vấn đề.

Nói đổi mới tư duy trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, nhưng không có nghĩa là thả ra để tất cả các cơ quan, bộ, ngành, địa phương đều làm quy hoạch. Thực tế triển khai thực hiện chủ trương phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương đã cho thấy, những bất cập, hạn chế. Phải chăng đây là một trong những nguyên nhân làm nở rộ các sân bay, bến cảng, sân golf... mà các ĐBQH đã nhiều lần phản ánh, chất vấn trên nghị trường QH? Từ thực tế này, Tổng bí thư cho rằng, cần đổi mới nhưng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì có lẽ phải trở lại vai trò siêu bộ như trước đây, phải thực sự là cơ quan tập trung, không phân tán, không chia cắt. Hay với vai trò của NHNN, nói đây là lĩnh vực khó bởi nếu điều hành chính sách tiền tệ theo hướng có tăng trưởng thì lạm phát, nhưng nếu thực hiện kiềm chế lạm phát thì tăng trưởng lại thấp, có thể khiến hàng loạt doanh nghiệp gặp khó, giải thể, phá sản, ảnh hưởng tới đời sống, việc làm của người lao động, của nhân dân.

Đây là vấn đề lý luận nhưng cũng rất thực tiễn và thấm thía – Tổng bí thư nêu vấn đề - đây vừa là mặt thuận vừa có cái khó, đòi hỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như NHNN phải vươn lên đủ bản lĩnh, trình độ, trí tuệ và nghệ thuật điều hành để xử lý được quan hệ này, tham mưu cho Trung ương, Quốc hội và Chính phủ ban hành các chủ trương, quyết sách đúng đắn về kinh tế – xã hội.

Không chỉ đề cập tới những vấn đề mang tính chất lý luận, tại hai cuộc làm việc, Tổng bí thư đã thẳng thắn gợi mở và đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như NHNN phân tích, làm rõ những vấn đề cụ thể mà dư luận xã hội đang còn băn khoăn. Ví dụ, đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư là vấn đề quy hoạch dàn trải, kém hiệu quả, quy hoạch treo, hội chứng sân bay, bến cảng, nhà máy xi măng... Và có hay không cơ chế xin – cho, hay tình trạng chạy dự án trong cấp phép, cấp vốn đầu tư theo hướng anh nào xin nhiều kêu to thì được. Và đối với NHNN là có hay không vấn đề lợi ích nhóm trong ngành ngân hàng? Nếu có thì mức độ ra sao và hệ quả của nó đến đâu? Ngân hàng Nhà nước có giải pháp gì để khắc phục và có khắc phục được không?... Không chỉ là băn khoăn của dư luận nữa bởi thực tế trong Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, những thực trạng nêu trên đều đã được tổng kết và chỉ rõ.

Trên cơ sở ý kiến của đại diện các cơ quan, đơn vị của ngành ngân hàng tham dự cuộc làm việc, Tổng bí thư thu hoạch: trong vấn đề lợi ích nhóm phải có sự phân biệt. Theo đó, trong sản xuất kinh doanh thì việc các doanh nghiệp, tổ chức  bàn bạc, hợp tác, trao đổi, liên kết là hoạt động bình thường, lành mạnh của nền kinh tế. Nhất là trong điều kiện hiện nay, nếu đơn độc thì rất khó làm ăn. Còn nếu lợi ích nhóm theo nghĩa tiêu cực, có sự thông đồng, móc ngoặc, vì lợi ích cục bộ – là điều cần phê phán. Nguy hiểm hơn nữa nếu lợi ích nhóm ấy lại tác động vào chính sách, luật pháp, làm méo mó quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng.

Lợi ích nhóm có lẽ không phải là vấn đề mới mẻ (có khác chăng chỉ là cách dùng câu chữ). Bởi cách đây mấy trăm năm, K.Marx đã từng cảnh báo rằng, từ quyền lực kinh tế, đầu sỏ tài chính thâu tóm cả quyền lực chính trị, biến bộ máy Nhà nước thành công cụ phục vụ cho lợi ích của mình. Và nếu đầu sỏ tài chính kết hợp với quyền lực chính trị, lại cộng thêm thần quyền tôn giáo thì... Đảng này còn là Đảng của nhân dân lao động, của giai cấp công nhân và của toàn dân tộc không, hay chỉ vì lợi ích nhóm? – Tổng bí thư hỏi. Đây là vấn đề cần tuyệt đối chống và tránh. Muốn chống và tránh thì phải xây dựng Đảng, phải chấn chỉnh con người để con người làm việc với động cơ trong sáng, tránh tình trạng hoàn thành nhiệm vụ vì động cơ cá nhân, vì lợi ích cục bộ của dòng họ, địa phương, của ngành hay một nhóm lợi ích chi phối nào đó.

Trong chương trình làm việc thường xuyên của Người đứng đầu Đảng ta, năm nay, mỗi cuộc làm việc là một lần từ thực tế sinh động soi vào lý luận và từ lý luận mà đúc kết thành thực tiễn hành động – phương pháp ấy, từ lâu nhân dân ta quen gọi là phương pháp Hồ Chí Minh!

Thanh Tâm