Khi Chính phủ Singapore quá ưu ái sinh viên nước ngoài
Những năm gần đây, Singapore đẩy mạnh thu hút sinh viên nước ngoài nhằm đáp ứng sự phát triển trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, sự ưu đãi sinh viên quốc tế cũng gây lo ngại về khả năng tiếp cận đại học cho thanh niên Singapore. Và chính phủ nước này đang điều chỉnh lại chính sách để mở rộng cơ hội theo học đại học cho sinh viên trong nước.
Singapore vốn là một đất nước rất thành công trong phát triển kinh tế, từ một quốc đảo nghèo những năm 1960 đã vươn lên gia nhập vào nửa dưới của Thế giới thứ nhất, gồm các nền kinh tế phát triển và giàu có nhất thế giới. Góp phần vào thành công đó, Singapore được đánh giá là một trong những quốc gia có chính sách thu hút nhân tài nước ngoài bài bản nhất thế giới. Hiện tại, sinh viên du học Singapore rất lớn và nước này cũng là một trong những trung tâm đào tạo uy tín của thế giới. Có thể kể đến các trường đại học danh tiếng như Công nghệ Nanyang (NTU), Học viện Phát triển quản lý Singapore (MDIS), Đại học Quốc gia Singapore (NUS)... Trong những năm gần đây, việc thu hút nhân tài quốc tế càng được Singapore đẩy mạnh do xu hướng giảm sút trầm trọng tỷ lệ sinh, từ mức 1,6 năm 2000 (trung bình mỗi phụ nữ có 1,6 con) xuống còn 1,20 trong năm 2011.

Xác định giáo dục là một kênh hữu hiệu thu hút nguồn nhân lực từ nước ngoài, năm 2007, Chính phủ Singapore đã đề ra kế hoạch tăng ngân sách dành cho giáo dục từ 3,8% GDP lên 5% GDP vào năm 2015. Một phần quan trọng trong ngân sách giáo dục đó sẽ được dùng để cải tiến hệ thống giáo dục theo hướng quốc tế hóa, xây dựng chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho các giáo sư, tiến sỹ và tuyển chọn nhân tài, trao học bổng khuyến học...
Tuy nhiên, chính sách thu hút sinh viên nước ngoài của Singapore cũng làm cho một số người dân Singapore lo ngại. Mặc dù những năm gần đây số lượng sinh viên Singapore theo học các trường đại học gia tăng, nhưng nhiều người Singapore vẫn lo rằng quá trình quốc tế hóa sẽ khiến ngày càng nhiều sinh viên các quốc gia khác đến và có thể giành mất nhiều cơ hội học tập đại học của công dân Singapore. “Tôi hiểu rằng chúng ta cũng cần những tài năng nước ngoài cho nền kinh tế và chúng ta phải thu hút những sinh viên có nhiều tiềm năng, kỹ năng và kiến thức để tiếp tục đưa đất nước phát triển. Tuy nhiên, tôi không thể hiểu tại sao quyền lợi của giới trẻ Singapore lại bị hy sinh vì điều đó. Tại sao những sinh viên Singapore có tài năng không kém gì sinh viên nước ngoài lại không được trao học bổng?” - một sinh viên Singapore tại NUS nói. Sinh viên này không phải là người duy nhất phàn nàn về những ưu đãi của Chính phủ Singapore dành cho sinh viên quốc tế, trong đó có học bổng để theo học các trường đại học công lập mà nhiều người Singapore cho rằng chúng nên được dành cho sinh viên trong nước.
Thủ tướng Lý Hiển Long cũng đã phải thừa nhận vấn đề này trong bài phát biểu nhân dịp Quốc khánh Singapore năm 2011. “Có một điều không vui là xuất hiện những suy nghĩ cho rằng, có thể sinh viên nước ngoài đã giành mất chỗ của sinh viên Singapore trong các trường đại học”. Tuy nhiên, ông Lý Hiển Long nhấn mạnh, những nơi dành cho sinh viên nước ngoài không ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận giáo dục đại học của công dân Singapore, vì số chỗ trong các trường đại học Singapore dành cho sinh viên địa phương vẫn thực sự tăng lên.
Trong thập kỷ qua, Chính phủ Singapore đã quy định giới hạn số lượng sinh viên quốc tế trong mỗi trường đại học nước này ở mức 20% trở xuống. Năm 2011, ngành giáo dục đại học Singapore đã giảm tỷ lệ giới hạn này xuống 18%. Theo Bộ Giáo dục Singapore, nước này sẽ tiếp tục duy trì mức giới hạn sinh viên quốc tế hiện nay “để tạo điều kiện hòa nhập giữa sinh viên Singapore và sinh viên quốc tế tốt hơn”.
Mặt khác, Chính phủ Singapore đã lập ra Ủy ban về tiếp cận giáo dục đại học sau năm 2015 (Committee on University Education Pathways Beyond 2015) với nhiệm vụ tìm kiếm và xây dựng các chính sách để mở rộng cơ hội theo học đại học cho sinh viên trong nước. Ủy ban đã thảo luận một số biện pháp và đầu năm 2012 đã đưa ra khuyến cáo sơ bộ về những chính sách có thể đưa ra để mở rộng khả năng tiếp cận các trường đại học cho sinh viên, bao gồm việc tạo thêm nhiều nguồn giảng dạy tập trung vào giáo dục đại học. Ủy ban cũng đang nghiên cứu xây dựng những chính sách để tạo mối liên kết giữa các trường đại học và khu vực kinh tế tư nhân ở Singapore.
Theo Gs Lawrence Wong, Chủ tịch Ủy ban về tiếp cận giáo dục đại học sau năm 2015 của Singapore, trong khi các trường đại học công lập nước này tập trung nghiên cứu chuyên sâu, thì nhiều nước đã kết hợp các học viện nghiên cứu và trường đại học với “định hướng thực hành” được áp dụng nhiều hơn trong chương trình đào tạo. “Ủy ban tin có khả năng để phát triển những mô hình đại học mới ở Singapore - trong đó có mô hình đại học giảng dạy tập trung và định hướng thực hành, với những mối liên hệ chặt chẽ với các ngành kinh tế - công nghiệp cụ thể... Chúng tôi muốn đáp ứng nguyện vọng mạnh mẽ của giới trẻ Singapore về học vấn đại học. Ủy ban đang tìm cách để mở rộng khả năng tiếp nhận của các trường đại học Singapore để phục vụ cho nhiều đối tượng sinh viên rộng lớn hơn, trong khi vẫn duy trì chất lượng và các tiêu chuẩn giáo dục”, Gs Wong cho biết.