Tiếng nói (Phần 2)
Truyện ngắn của Hạo Nguyên

25/12/2012 08:30

>> Tiếng nói (Phần 1)

>> Tiếng nói (Phần cuối)

7.

Tivi vẫn đang đưa các tin tức thời sự. Tôi nhìn nhưng không nghe được gì. Tai ù đi. Đầu óc váng vất. Toàn thân lạnh ngắt, mồ hôi tươm ra nhớp nháp.

Nó đã hoàn thành việc đào tẩu khỏi cơ thể tôi. Không, nói như thế cũng bất công cho nó. Chính xác hơn là tôi đã hoàn thành việc giúp nó tự giải phóng khỏi cơ thể tôi, nơi nó bị giam cầm suốt mấy mươi năm nay.

Tôi nhìn tivi, rồi lại nhìn vào lọ thủy tinh. Nó nằm đấy. Không có hình thù gì cụ thể. Không sờ nắm được. Nhưng rõ ràng là nó đang nằm trong lọ thủy tinh. Mãn nguyện và ngơ ngác trước không gian mới. Tôi có thể nghe rất rõ những tiếng ư ư tràn đầy khoái cảm của nó.

Minh họa của Thúy Hằng
Minh họa của Thúy Hằng
Tôi lại rùng mình.

Nó cựa quậy giữa bốn bề thủy tinh long lanh. Nhìn nó xênh xang và thô bỉ như một con sứa lửa đang yên vị trên tấm lưng trần của một người tắm biển bất cẩn. Nhìn này, tớ đang trên lưng hắn ta đấy nhé. Tuyệt phải biết.

- Thật dễ chịu.

Nó thì thầm. Tôi không nghĩ là nó nói với tôi.

- Chưa bao giờ tôi được như thế này. Thật tuyệt. Rất tuyệt.

Hừ, bất giác tôi nổi cáu. Một tiếng nói sẽ chả là cái quái gì trong một chiếc lọ thủy tinh ngớ ngẩn.

- Cảm ơn! Bây giờ chúng ta đã thực sự bình đẳng với nhau.

Nó nói với tôi, giọng thì thầm nhưng vẫn không giấu sự vênh váo.

- Tôi muốn nghỉ ngơi một lát. Có lẽ là nên tắt tivi đi. Tôi không thích một tiếng nói khác ở bên cạnh mình.

Nó dừng lại, tự mãn:

- Cho dù là tiếng nói đã được tín hiệu hóa.

Thôi được. Tôi lầm bầm trong họng. Nhưng đó chỉ là những âm thanh quái đản.

Tôi tắt tivi và ra ban công hút thuốc. Tôi cũng cần yên tĩnh để trải qua những giây phút kỳ quặc này, những giây phút của một con người không còn tiếng nói.

8.

Những đêm đầu tiên không còn tiếng nói trong mình, thực sự trống rỗng. Giống như ta đã quen đeo một chiếc đồng hồ đến mức không có cảm giác về sự tồn tại của nó, chỉ khi ta cần xem giờ thì mới nhìn vào nó, và cảm giác lạ lùng như nó đang trồi ra từ da thịt, nhưng khi không đeo nó nữa thì ta bỗng cảm thấy nhẹ bâng và trống huơ ở cổ tay. Một sự thiếu vắng khó chịu. Tôi không còn tiếng nói cũng vậy. Thấy mình hẫng đi rất nhiều, không cụ thể là ở bộ phận nào, nhưng rất khó chịu, như thể mất thăng bằng trọng lượng, cứ bồng bềnh, ngay cả khi nằm trên giường.

- Được rồi, mọi thứ sẽ ổn thôi.

Tôi tự động viên như thế.

- Dù sao thì mình cũng không cần nó vào ban đêm. Dù sao thì cũng để nó nghỉ ngơi.

Tôi gật gù với ý tưởng đó.

- Đúng vậy. Như thế mới phải đạo.

Trong lúc xem tivi, tôi vẫn liếc nhìn xem tiếng nói làm gì trong lâu đài thủy tinh của nó. Tôi không nghĩ rằng nó sẽ nói chuyện với nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn. Thứ nhất là vì đó chỉ là các hình vẽ. Hình vẽ rõ ràng không biết nói. Mà cho dù các hình vẽ ấy biết nói, thì chắc hẳn phải nói bằng tiếng Đức. Mà tiếng nói của tôi thì rõ ràng không biết ngôn ngữ ấy. Vả lại, tôi chẳng hề nghe động tĩnh gì từ lọ thủy tinh. Có thể nó đang suy nghĩ chăng? Một tiếng nói có thể có tư duy để suy nghĩ không? Hay là nó đang làm một số việc như nó nói, nghỉ ngơi, hít thở không khí trong lành, ngắm nhìn phong cảnh? Thực sự là tôi không thể đoán ra được.

Những đêm đầu tiên, sự thoát ly của tiếng nói khiến tôi khá bối rối. Tôi hầu như không thể tập trung vào bất cứ việc gì, xem tivi, đọc sách hay lên mạng. Lúc nào tôi cũng bị quấy rầy với câu hỏi: nó đang làm gì?

Mấy lần vì tò mò, tôi lại đến bên lọ thủy tinh, nhòm vào. Có thể hành động đó là lố bịch, bất lịch sự, nhưng tôi tự bỏ qua cho mình. Dù sao thì cũng không đáng trách lắm khi một con người đến thăm nom tiếng nói của anh ta đang nghỉ ngơi trong một lọ thủy tinh. Điều đó, nếu nhìn nhận theo hướng tích cực, có thể thấy là biểu hiện của sự thủy chung và tinh thần trách nhiệm.

Nhưng chắc chắn tiếng nói không thích biểu hiện của các tình cảm cao thượng ấy.

Mỗi khi thấy tôi đến bên lọ thủy tinh, nó lại phát ra những tiếng làu bàu. Tôi khó chịu. Những tiếng làu bàu ấy hệt như một mụ đàn bà đang nhăn nhó về mớ cá mua bị hớ, hoặc vì đám con hay phá phách, hoặc vì ông chồng xấu tính và nát rượu. Nó không có vẻ gì là tiếng nói của tôi, của một thanh niên có học thức, có quan điểm sống khá đứng đắn.

Không, hoàn toàn không giống tiếng nói của tôi.

9.

Trưa hôm đó, tôi có một sự kiện đáng kể.

Số là tôi làm nhân viên cho một hãng bảo hiểm nhân thọ. Suốt năm năm nay, tôi luôn làm việc cật lực và có một lượng khách hàng kha khá. Mỗi năm hai lần, tôi lại đến gặp họ để thu tiền bảo hiểm. Đó không chỉ là sự phục vụ tận tình, mà còn là sự bảo đảm tốt nhất để họ phải đóng tiền. Và với phương thức như thế, tôi trở nên thân thiết với khá nhiều khách hàng. Mặc dù không hoạt bát và lợi khẩu cho lắm, nhưng nhờ sự chân thành và nhiệt tình, tôi luôn tạo được thiện cảm với các khách hàng của mình.

Trong số họ, có một phụ nữ độc thân. Chị lớn hơn tôi hai tuổi, và là khách hàng của tôi đã hơn hai năm nay. Đều đặn hai lần một năm, tôi đến công ty chị để thu tiền.

Sáng hôm đó, tôi gọi điện hẹn trước với chị. Chị bảo:

- Sao trưa nay mình không đi ăn cơm nhỉ? Tôi vừa lên lương. Có lẽ nên làm gì đó. Dù sao thì chúng ta cũng đã gặp nhau lần thứ năm rồi.

Chúng tôi dùng cơm ở một nhà hàng cao tầng ven sông. Vừa ăn trưa, vừa ngắm cảnh. Câu chuyện bữa cơm khá giản dị và thân mật. Chị kể về những dự án mình làm. Tôi kể về những khách hàng thân thiết của tôi. Chúng tôi ăn, kể chuyện và cười một cách tế nhị. Một bữa cơm điển hình giữa đàn ông và đàn bà đang ở giữa hai mối quan hệ bạn bè và khách hàng.

Trong lúc tráng miệng, chị nói:

- Nhiều khi tôi rất thắc mắc. Tại sao tạo hóa cho chúng ta nhiều thứ trên cơ thể có đôi, ví dụ như mắt, như tai, như tay, như chân, nhưng lại có những thứ chỉ có một.

Tôi cười. Những thứ có một thì rất nhiều. Miệng. Não. Tim. Gan.

- Và có những thứ có thể thay thế khi hư hỏng. Ví dụ chân giả, tay giả. Ví dụ ghép tim, ghép thận. Nhưng có những thứ không thể thay thế. Lúc đó sẽ ra sao?

Chị nhìn thẳng vào tôi, nheo mắt đầy thú vị:

- Có lúc tôi tưởng tượng, nếu một sớm mai thức dậy, bỗng dưng ta mất tiếng nói của mình thì sao?

Tôi chột dạ nhìn chị. Không phải là chị đang ám chỉ tôi đấy chứ? Câu chuyện này tôi không hề kể với ai. Mà nãy giờ, tiếng nói của tôi vẫn tuyệt đối trung thành.

Thấy tôi nhìn chằm chằm, chị cười to:

- Ồ, đừng nghĩ tôi dở người. Chẳng qua là rảnh rỗi quá nên nghĩ vẩn vơ như vậy.

Tôi im lặng, không dám nói gì. Trong hoàn cảnh này, có thể tiếng nói sẽ manh động, và bí mật của tôi có nguy cơ bị bại lộ.

- Tôi cứ bị ám ảnh với viễn cảnh đó suốt. Nhỡ chúng ta bị mất tiếng nói, có thể nào thay thế bằng một tiếng nói nhân tạo được không? Rõ ràng là ta không thể ghép tiếng nói của ai đó vào mình. Vì đó là thứ độc bản, không thể đem của người này ghép vào người kia. Mà cho dù có ghép vào thì nó vẫn là tiếng nói của ai đó, hoàn toàn không phải của mình. Đúng không? Vậy thì chỉ có thể là tiếng nói nhân tạo. Mà khoa học thì chắc chưa đạt đến trình độ đó. Và giả thiết là đạt đến đi chăng nữa, tôi vẫn không hiểu tiếng nói nhân tạo có thể thay thế tiếng nói đích thực của con người hay không.

Chị nhấp một ngụm nước, nói tiếp:

- Cho nên tiếng nói là cái gì đó rất ít được quan tâm nhưng vô cùng quan trọng. Phải, cực kỳ quan trọng.

Chị lại cười:

- Cậu đừng nhìn tôi như thế. Trông tôi kỳ cục lắm sao?

Tôi mỉm cười, lắc đầu. Da mặt tôi tê tê vì câu chuyện của chị. Tôi có cảm giác mình sắp bị lột truồng và bêu ra ngoài đường trước bàn dân thiên hạ.

Tạm biệt nhau rồi, tôi vẫn đầy hoài nghi. Lẽ nào những điều chị nói chỉ là ngẫu nhiên?

10.

Buổi tối về, tôi chán nản đến mức chẳng buồn xem tivi.

Tiếng nói đã yên vị trong lọ, thì thầm những điều gì không rõ.

Liệu nó có buồn không? Một tiếng nói, khi xa rời con người, liệu có thấy cô đơn và trống vắng? Điều đó có thể xảy ra ở đâu đó, nhưng chắc không phải ở đây, với tiếng nói của tôi.

Bị nỗi tò mò pha lẫn mặc cảm thúc đẩy, tôi rón rén lại gần tiếng nói. Bỗng nó lên tiếng:

- Tôi đã phát chán với sự soi mói của anh rồi.

Nó dừng lại, như để câu nói rơi vào tai tôi, nằm lại đó một lát, để tôi cảm nhận trọng lượng đáng kể của nó.

- Một kẻ có học thức không có thói quen soi mói đời sống người khác.

Tôi cáu tiết. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, nóng giận chả ích gì. Đành đứng im.

Nó nhìn sự yên lặng của tôi, chắc rất khoái trá, rồi lại lên tiếng, vẻ kẻ cả:

- Chúng ta cần tôn trọng nhau. Anh hiểu chứ? Như khi trưa, lẽ ra tôi đã có thể nói với cô bạn anh rằng điều cô ta tưởng tượng lại chính là thực tế của anh. Nhưng tôi biết, cần tôn trọng nhau để sống. Sự tôn trọng, nói sao nhỉ, chính là ranh giới cuối cùng của các cuộc chiến. Bởi vậy, tôi nghĩ chúng ta cần thống nhất một số nguyên tắc cơ bản. Thứ nhất, anh không được nhòm ngó tôi khi tôi đang nghỉ ngơi. Thứ hai, đừng gây ồn ào, cho dù là tivi hay youtube hay đài FM khi tôi đang cần yên lặng để suy nghĩ về mọi điều. Thứ ba, buổi sáng khi mang tôi đi, anh vui lòng gõ vào bình, giống như người văn minh biết gõ cửa phòng người khác trước khi vào. Thứ tư, chúng ta tôn trọng bí mật này của nhau, tôi không muốn bị xem là kẻ phản bội, và không muốn anh bị xem là kẻ vô bản sắc vì mất tiếng nói. Thứ năm, nếu anh có ý định thay tôi bằng tiếng nói nhân tạo, cho dù khả năng đó rất khó xảy ra, thì vui lòng bàn bạc với tôi trước. Tôi không muốn mình bị một kẻ không ra gì thay thế.

Nói xong một mạch, nó im lặng. Hẳn nhiên là nó không chờ tôi trả lời. Tôi không nói được. Mà cũng không thể bút đàm với nó, đơn giản là nó không có khả năng đọc chữ như đôi mắt của tôi.

- Thỏa thuận như thế. Giờ tôi phải suy nghĩ vài việc.

Lòng đầy phiền muộn, tôi định quay đi, nó lại nói:

- À, việc anh không xem tivi tối nay cũng làm tôi vui chút ít. Chúc ngủ ngon!

11.

Tôi đang ở công ty thì giám đốc gọi điện xuống:

- Cậu lên phòng tôi có việc gấp.

Nghe giọng căng thẳng, tôi vội vã đi lên. Vừa đi vừa tự rà soát lại tất cả các hợp đồng vừa ký, xem thử có sai sót gì. Tuyệt đối không. Tôi tự tin như thế. Tất cả hợp đồng đều soạn theo mẫu có sẵn, tất cả các điều khoản đều đúng. Việc thu tiền của khách hàng cũng đúng quy định, nộp cho công ty có đầy đủ giấy tờ. Vậy thì là việc gì?

Tôi đứng chờ thang máy. Giám đốc ở tầng bảy, tôi ở tầng hai. Thang máy đang chạy từ tầng trệt lên. Đến tầng hai, cửa mở, tôi bước vào. Trong thang máy có một khách. Tôi nhìn kỹ, ngờ ngợ là đã gặp anh ta ở đâu rồi. Thấy tôi có vẻ ngờ ngợ, vị khách lên tiếng:

- Cậu không nhận ra tôi à?

Tôi ớ người ra, rồi gật đầu như phát rồ. Đó chính là giám đốc. Mà không, chính xác hơn là đó chính là tiếng nói của giám đốc. Nhưng rõ ràng ông ấy vừa gọi tôi từ số điện thoại bàn làm việc ở tầng bảy, sao bây giờ tiếng nói của ông lại đi từ tầng trệt lên? Tôi ngơ ngác, nhưng không dám hỏi nhiều. Ông đang bực bội, hỏi nhiều là dại. Thế là tôi khép nép đứng bên cạnh tiếng nói của giám đốc cho đến tầng bảy.

- Anh vào đi. Tôi phải lên tầng thượng có việc.

Tiếng nói của giám đốc bảo tôi như thế, rồi bấm nút đóng cửa. Tôi ngơ ngác đứng trước phòng ông. Ông ta gọi tôi lên, rồi bảo tôi vào, trong khi tiếng nói của ông ta lại lên tầng thượng. Vậy tôi vào thì ông ta dùng cái gì để nói?

Phân vân như vậy, nhưng tôi vẫn gõ cửa. Và lạ chưa, trong phòng vang ra tiếng nói đầy uy lực của giám đốc:

- Vào đi.

Tôi đẩy cửa bước vào. Giám đốc ngồi đó, khuôn mặt nặng nề.

- Cậu ngồi xuống đi.

Tôi im lặng ngồi xuống, thâm tâm vẫn rối bời vì phát hiện ra giám đốc của mình có hai tiếng nói. Nghĩ đi, nghĩ đi. Một người mà có hai tiếng nói. Đó chẳng phải là điều đáng kinh ngạc nhất thế giới ư? Tôi đọc rất nhiều về kỷ lục Guiness, nhưng tuyệt nhiên chưa nghe kỷ lục nào như thế.

- Cậu bị đuổi việc.

Giám đốc lạnh lùng nhìn tôi. Cái tin như sét đánh với tôi được tiếng nói của ông thể hiện nhẹ nhàng như tuyết rơi.

- Cuối giờ cậu xuống phòng tài vụ để thanh toán tất cả các khoản lương thưởng. Cậu có ý kiến gì không?

(Số sau đăng hết)