Shinzo Abe - vị cứu tinh của kinh tế Nhật Bản?
Cách đây một tuần, các cử tri Nhật Bản đã trao cho ông Shinzo Abe và đảng LDP cơ hội trở lại cầm quyền bằng một chiến thắng vang dội. Tuy nhiên, liệu vị Thủ tướng tương lai có khôi phục được triển vọng tăng trưởng của Nhật Bản theo như mong mỏi của cử tri hay không thì chỉ có thời gian mới trả lời được.
Có thể nói chiến thắng của ông Shinzo Abe, Chủ tịch đảng LDP, là nhờ cam kết lấy lại tương lai cho Nhật Bản trong quá trình tranh cử. Còn đối với Thủ tướng vừa bị đánh bại Yoshihiko Noda của Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ), cuộc bỏ phiếu vừa qua là phản ứng dữ dội của người dân đối với các chính sách của ông, trong đó có nỗ lực tăng thuế tiêu dùng. Thất bại của ông Noda gợi nhớ đến cuộc thảm bại của cựu Thủ tướng Ryutaro Hashimoto hồi năm 1997.
Trong một chiến thắng “long trời, lở đất”, LDP đã trở lại sau khi bị “soán ngôi quyền lực” hồi năm 2009. LDP và đối tác liên minh của mình là đảng Tân Komeito dự kiến được 325/ 480 ghế tại Hạ viện, hội tụ đủ 2/3 đa số tuyệt đối cần thiết để có thể thông qua bất cứ luật nào tại cả hai viện của Quốc hội Nhật Bản. Ngược lại, số ghế Quốc hội của DJP giảm xuống chỉ còn 57 ghế, thấp hơn nhiều so với con số 230 trước đây. Thất bại trên khiến ông Noda phải từ chức Chủ tịch Đảng DJP để nhận trách nhiệm.

Thực tế là Thủ tướng Noda đã buộc phải kêu gọi tổ chức bầu cử sớm vì đây là một phần trong thỏa thuận với phe đối lập nhằm thông qua luật tăng thuế tiêu dùng. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh các triển vọng thắng cử của DPJ đã bị tổn thất nhiều do đấu đá nội bộ, việc xử lý hậu quả trận động đất kinh hoàng hồi tháng 3.2011, những tranh cãi trong chính sách ngoại giao với các nước láng giềng và sự áp đảo của phe đối lập tại Thượng viện.
Tuần tới, ông Abe sẽ chính thức trở thành vị Thủ tướng thứ 7 trong vòng 6 năm qua của xứ sở Phù tang. Ông đã cam kết đẩy mạnh chi tiêu chính phủ nhiều hơn, mở rộng chính sách tiền tệ để đưa nền kinh tế ra khỏi đà giảm phát, suy thoái. Phát biểu ngay sau chiến thắng, ông Abe tuyên bố kinh tế sẽ là ưu tiên hàng đầu của mình. Ông nói: “Điều đầu tiên và tiên quyết mà chúng ta phải làm là phục hồi kinh tế, kéo Nhật Bản ra khỏi tình trạng giảm phát” . Thậm chí kinh tế được ông nói trước cả việc phải tăng cường liên minh Nhật - Mỹ và cải thiện quan hệ với Trung Quốc.
Hồi đầu tuần, trong một buổi họp báo với giới truyền thông địa phương, ông Abe cho biết ông đang khôi phục Hội đồng chính sách kinh tế và tài khóa để tạo điều kiện làm việc thuận lợi hơn với Ngân hàng Nhật Bản (BOJ). Nhiều người tin rằng ông sẽ tìm cách tạo sức ép lên BOJ để theo đuổi các chính sách nới lỏng kinh tế mạnh mẽ hơn và cho phép tỷ lệ lạm pháp tăng gấp đôi lên 2%. Ông cũng thể hiện mong muốn thành lập Bộ Tái cơ cấu kinh tế Nhật Bản do chính mình kiêm nhiệm chức Bộ trưởng. Ngoài ra, vị tân lãnh đạo còn xem xét bổ sung thêm ngân sách “quy mô lớn” cho năm tài khóa 2012, với mục tiêu đạt tăng trưởng kinh tế danh nghĩa vào khoảng 3%/năm. Đối với vấn đề trao đổi thương mại với bên ngoài, ông Abe đã nhất trí tham gia Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình dương (TPP), một hiệp định thương mại tự do do Mỹ khởi xướng và có sự tham gia của nhiều nước châu Á - Thái Bình dương nhưng không có Trung Quốc.
Nhà kinh tế học Jesper Koll, Giám đốc nghiên cứu về Nhật Bản tại JP Morgan, cho rằng, ông Abe sẽ may mắn hơn trong nhiệm kỳ Thủ tướng thứ hai của mình. Nhiệm kỳ Thủ tướng trước đây của ông Abe chỉ kéo dài chưa đầy 1 năm. Hồi năm 2007, ông buộc phải từ chức vì những lý do sức khỏe trong bối cảnh uy tín bản thân bị giảm sút tệ hại sau khi kế nhiệm nhà cải cách thị trường tự do Junichiro Koizumi. Không giống bất cứ lãnh đạo nào kể từ thời Kozumi, Thủ tướng tương lai Abe là một người rõ ràng, đơn giản, và thẳng thắn trong việc xây dựng các mục tiêu chính sách của mình và làm thế nào để đạt được chúng, trong đó mục tiêu đầu tiên và tiên quyết là tuyên chiến với tình trạng giảm phát.
Không chỉ là chính sách kinh tế, ông Abe cũng đi theo tư tưởng của huyền thoại LDP, cựu thủ tướng Kakuei Tanaka. Cụ thể, ông muốn xây dựng lại quần đảo Nhật Bản và đề xuất một chương trình công trình công cộng trị giá 200 nghìn tỷ yen, tương đương với 2,4 nghìn tỷ USD để tái xây dựng đường sá công cộng, tăng cường khả năng chống động đất và sóng thần ở tất cả các trường công, bệnh viện và các công trình khác trong vòng hơn 10 năm.
Theo quan điểm của ông Abe, gia tăng chi tiêu cho các công trình công cộng và đưa ra một chính sách tiền tệ dễ dãi sẽ giúp đưa nền kinh tế một thời sinh động của Nhật Bản ra khỏi tình trạng suy thoái lần thứ 4 trong 12 năm qua. Tuy nhiên, các cơ quan xếp hạng tín dụng, từng cảnh báo Nhật Bản về tình trạng nợ chính phủ của nước này đang tăng mạnh, ước tính đạt 245% GDP vào năm 2013, tỏ ra lo lắng trước chương trình nghị sự kinh tế của ông vì nó có thể khiến đất nước mặt trời mọc lại bị chìm sâu hơn trong vòng xoáy nợ công.
Trong vài năm gần đây, Nhật Bản đã phải nhường “ngôi vị” nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cho Trung Quốc, với tỷ lệ nợ trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vượt quá 200%. Điều đó khiến Nhật Bản rơi vào tình trạng kinh tế “hụt hơi”, ngoại giao “mất tiếng nói” và làm lu mờ hình ảnh một nước Nhật vốn nhận được sự nể trọng và khâm phục về sức mạnh công nghiệp, phương pháp sản xuất và công nghệ phát minh. Tình cảnh này rất đáng lo ngại bởi vì ảnh hưởng của Nhật Bản trên thế giới chủ yếu dựa vào sức mạnh kinh tế.
Chính vì vậy, việc cử tri Nhật Bản đã một lần đặt kỳ vọng vào Shinzo Abe và đảng LDP đã thể hiện niềm tin tưởng rằng chính phủ mới sẽ thành công trong việc đưa kinh tế Nhật Bản trở lại quỹ đạo tăng trưởng.