Chủ thể và mục đích trong lời nói đầu của hiến pháp
Hiến pháp là sự thể hiện ý chí đồng thuận về việc thành lập một nhà nước và trao quyền cho bộ máy nhà nước. Thỏa thuận này được luật tư gọi là hợp đồng. Và một nhân tố của hợp đồng cần được thể hiện là mục đích của hợp đồng. Mục đích của hợp đồng hay mục đích của hiến pháp, là lý do để các bên của hợp đồng đến với nhau, là lý do của nhân dân ủng hộ nhà nước.

Mục đích hiến pháp sẽ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giải thích hiến pháp. Khi ngôn từ trong từng điều khoản của hiến pháp có chỗ chưa rõ thì mục đích của hiến pháp là ngọn hải đăng dẫn đường cho quá trình giải thích. Mục đích của hiến pháp cũng đòi hỏi việc giải thích hiến pháp phải mang tính hệ thống, các điều khoản không được tách rời nhau; khi hai điều khoản của hiến pháp cùng liên quan một vụ việc nhưng có nội dung mâu thuẫn nhau thì không thể nói rằng điều A có hiệu lực cao hơn điều B mà chỉ có thể nói rằng điều A phù hợp với mục đích của hiến pháp, còn điều B thì không.
Chính vì vai trò quan trọng như vậy của mục đích hiến pháp, nên lời nói đầu của các bản hiến pháp văn minh thường thể hiện rất rõ nét.
Lời nói đầu Hiến pháp Liên bang Hoa Kỳ năm 1787 vỏn vẹn một câu như sau:“Chúng tôi, nhân dân Hợp chúng quốc, với mục đích xây dựng một Liên bang hoàn hảo hơn, thiết lập công lý, đảm bảo an ninh trong nước và sự phòng thủ chung, thúc đẩy sự thịnh vượng trong liên minh, giữ vững nền tự do cho bản thân và các thế hệ mai sau, quyết định xây dựng và ban hành bản Hiến pháp này cho Hợp chúng quốc Mỹ châu”.

Hoàn toàn tương tự, lời nói đầu của Hiến pháp Cộng hòa Liên bang Đức, cũng tóm gọn mục đích và chủ thể của hiến pháp trong một câu: “Ý thức về trách nhiệm trước Thượng đế và loài người, với mong muốn gìn giữ hòa bình thế giới với tư cách là một thành viên bình đẳng trong một liên minh châu âu, thông qua cơ quan lập hiến của mình, nhân dân Đức đã tự ban hành nên bản hiến pháp này”.
Hiến pháp cũng như hợp đồng đều thể hiện sự thống nhất ý chí giữa các bên liên quan. Và vì vậy trong hiến pháp cũng như trong hợp đồng không thể nào thiếu thông tin về các chủ thể liên quan. Trong hợp đồng theo luật tư thì thông tin về bên A, bên B được ghi rất chi tiết, nhưng trong hiến pháp thì thông tin về bên A rất ngắn gọn: nhân dân; có thể trực tiếp như Lời nói đầu Hiến pháp Liên bang Hoa Kỳ, Liên bang Đức: “chúng tôi, nhân dân Hợp chủng quốc Hoa Kỳ”, “nhân dân Đức” hoặc gián tiếp như Lời nói đầu Hiến pháp 1946 của Việt Nam: “Được quốc dân giao cho trách nhiệm thảo bản Hiến pháp đầu tiên”.
Việc thể hiện thông tin về chủ thể của hợp đồng liên quan chặt chẽ tới hiệu lực hợp đồng. Theo Điều 127 Khoản 1 điểm a và Điều 410 Bộ luật dân sự Việt Nam năm 2005, thì một hợp đồng dân sự khi không rõ chủ thể, nhầm lẫn chủ thể, chủ thể không đủ năng lực đều có thể bị tòa án tuyên bố vô hiệu. Đối với hiến pháp cũng vậy, những khiếm khuyết liên quan chủ thể lập hiến có thể dẫn đến một bản hiến pháp không còn giá trị.
Bằng ngôn ngữ gián tiếp, nhưng lời nói đầu của Hiến pháp 1946 đã thể hiện thành công cả chủ thể và mục đích của hiến pháp.
Chủ thể quyền lập hiến theo Hiến pháp 1946 là “quốc dân” (nhân dân), và được thể hiện như sau: “Được quốc dân giao cho trách nhiệm thảo bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Còn mục đích của hiến pháp được ghi nhận trong Hiến pháp 1946 là “độc lập và thống nhất tiến bước trên đường vinh quang, hạnh phúc, cùng nhịp với trào lưu tiến bộ của thế giới và ý nguyện hòa bình của nhân loại”.