Kịch hình thể bao giờ hết phận tầm gửi?

Cao Sơn 10/12/2012 08:24

Sự tìm tòi, khám phá, phát hiện bao giờ cũng cần sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng, ngay cả khi chúng ta chưa thấy lợi ích vật chất trước mắt. Thế nhưng, gần 10 năm kể từ khi ra đời đến nay, Đoàn Kịch hình thể của Nhà hát Tuổi trẻ vẫn phải chấp nhận phận tầm gửi để tiếp tục sáng tạo nghệ thuật.

Cảnh trong vở kịch hình thể Nguyễn Du với Kiều Ảnh: Thế Toàn
Cảnh trong vở kịch hình thể Nguyễn Du với Kiều              Ảnh: Thế Toàn

Đoàn Kịch hình thể của Nhà hát Tuổi trẻ có tiền thân từ Câu lạc bộ Kịch hình thể và chính thức trình làng từ năm 2005. Phải thừa nhận rằng, kịch hình thể đã mang đến một luồng sinh khí mới, nhất là trong bối cảnh đìu hiu, già cỗi của sân khấu kịch phía Bắc. Thế nhưng, qua gần 10 năm thử nghiệm, nói như NSƯT Lê Chức thì kiếp phận của kịch hình thể vẫn long đong, mờ mờ nhân ảnh.

Tại buổi tọa đàm Kịch hình thể đương đại: Thực trạng và phát triển tổ chức ngày 7.12, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Trương Nhuận cho biết, sau khi có thêm Đoàn Kịch hình thể, kinh phí Nhà nước cấp cho hoạt động của Nhà hát vẫn không có gì thay đổi. Do đó phải săn siu, tiết kiệm giữa các đoàn để có kinh phí dàn dựng và Đoàn Kịch hình thể luôn thiệt thòi hơn các đoàn khác, vì cái thử nghiệm luôn phải xếp vị trí thứ 2 để ưu tiên cho những vở diễn bán được vé. Đoàn Kịch hình thể sống và sáng tạo nghệ thuật chủ yếu bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, dàn dựng các tác phẩm mang tính phục vụ cộng đồng. Trong 15 vở đoàn thực hiện được thì có đến 10 vở diễn hoàn toàn bằng nguồn xã hội hóa.

Theo Ts Nguyễn Đình Thi, kịch hình thể của Nhà hát Tuổi trẻ có xu hướng vận dụng chất liệu của vũ đạo sân khấu truyền thống Việt Nam để sáng tạo ngôn ngữ hình thể của diễn viên, vì vậy nên gọi đây là kịch hình thể Việt Nam và cần khuyến khích phát triển. “Sự tìm tòi, khám phá, phát hiện bao giờ cũng cần đến sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng, ngay cả khi chúng ta chưa tìm thấy lợi ích vật chất trước mắt. Các nghệ sỹ cần nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các cơ quan chức năng và sự cộng tác của các nhà nghiên cứu, lý luận để đúc kết hệ thống lý luận xác định sự hình thành của một thể loại sân khấu mới” - Ts Nguyễn Đình Thi nói.

Từng tiếp cận với kịch hình thể từ những năm 80 của thế kỷ trước, Phó chủ tịch thường trực Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam NSƯT Lê Chức nhìn nhận: Kịch hình thể của Nhà hát Tuổi trẻ là do mình sáng tạo, rất Việt Nam, có múa, có kịch câm, có kịch nói, có động tác vũ đạo kết hợp giữa các loại hình và mong muốn để khán giả thưởng thức, chấp nhận. Nhưng đến lúc này thì kịch hình thể đương đại chưa thể là thể loại có người xem đại trà nên phải chọn những người xem trẻ tuổi trong các trường đại học và cũng phải ươm mầm người xem tương lai từ lứa tuổi học sinh. Đã đến lúc cần tạo dựng cho kịch hình thể một vị thế chính thức và chuyên nghiệp.

Với quan điểm nghệ thuật phải hướng tới khán giả, PGs, Ts Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng: “Kịch giời kịch đất gì thì cũng phải hướng tới người xem. Người xem của Nhà hát Tuổi trẻ chính là tuổi trẻ, ngoài ra còn đối tượng thiếu nhi, người cao tuổi. Nhưng người già hay người trẻ đều thích kịch hay, mà kịch hay càng ngày càng hiếm”. Như vậy, vấn đề ở đây chính là tài năng của các nghệ sỹ, mà trong kịch hình thể là tài năng của đạo diễn (kịch hình thể là cuộc chơi của các đạo diễn) trong sáng tạo nghệ thuật để tạo ra các vở kịch hay, hấp dẫn khán giả.

Đồng quan điểm ấy, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam Lê Tiến Thọ nhấn mạnh: đừng đổ lỗi cho cơ quan quản lý mà trước hết kịch hình thể phải có những vở diễn hay, hấp dẫn được khán giả. Để có những vở diễn hay, hấp dẫn khán giả, Nhà hát Tuổi trẻ phải đầu tư sao cho kịch hình thể thì phải thực sự là hình thể. Cần phải bắt đầu từ khâu đào tạo vì đào tạo cho kịch hình thể vô cùng khó khăn. Ngôn ngữ hình thể không giúp giấu được những hạn chế và tính hấp dẫn của nó chính là sự điêu luyện, chuyên nghiệp.

Có thể nói, gần 10 năm qua, kịch hình thể đã trở thành một thực thể tồn tại bên cạnh những hình thức trình diễn khác của sân khấu Việt Nam hiện đại. Dẫu biết rằng không dám đương đầu với khó khăn thì không có nghệ thuật mới nhưng kịch hình thể Việt Nam sẽ tồn tại và phát triển thế nào nếu chỉ dựa vào nỗ lực của nghệ sỹ?

Cao Sơn