Một công cụ quyền lực

Lê Anh 07/12/2012 08:28

VETO - quyền phủ quyết theo tiếng Latin có nghĩa là “tôi cấm”; trong một nhà nước thường được trao cho Tổng thống hoặc Hoàng đế để ngăn chặn một phần hoặc toàn bộ đạo luật do cơ quan lập pháp thông qua. Quyền phủ quyết có nguồn gốc từ thời La Mã, khi các chức sắc đứng đầu chính quyền La Mã có quyền phủ quyết dựa vào các cuộc trưng cầu dân ý để chống lại các quyết định của Viện Nguyên lão.

Ngày nay, theo quy định của nhiều bản hiến pháp, sau khi cơ quan lập pháp thông qua một dự luật, Tổng thống có thể gây ảnh hưởng, gây khó khăn, thậm chí ngăn cản không cho dự luật đó trở thành luật. Đây được coi là một công cụ quyền lực mạnh của Tổng thống không chỉ trong quy trình lập pháp, mà trong nền chính trị nói chung. Có hai hình thức can thiệp của Tổng thống: Tổng thống có thể bác bỏ hoàn toàn một dự luật vì lý do chính trị, hoặc đề nghị xem xét lại tính hợp hiến của dự luật. Hình thức thứ nhất được gọi là phủ quyết mang tính chính trị, còn hình thức thứ hai được gọi là phủ quyết dựa trên tính hợp hiến của dự luật. Phủ quyết chính trị thường được áp dụng phổ biến hơn trong mô hình tổng thống và mô hình tổng thống bán phần, vì trong các mô hình này, cử tri chứ không phải nghị viện trực tiếp bầu ra Tổng thống. Nếu nghị viện có thể bác lại phủ quyết của Tổng thống với đa số phiếu bằng hoặc lớn hơn số phiếu tán thành thông qua dự luật (ví dụ ở Botswana, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ), thì khi đó quyền phủ quyết của Tổng thống yếu và chỉ có tác dụng như quyền trì hoãn việc ban hành luật. Phủ quyết của Tổng thống có thể yêu cầu nghị viện chỉ được xem xét lại một dự luật sau khoảng thời gian nhất định. Trong khoảng thời gian này, dự luật có thể được thảo luận thêm (ví dụ Uruguay). Tiêu chí để nghị viện bác phủ quyết của Tổng thống càng ngặt nghèo thì quyền phủ quyết của Tổng thống càng có ý nghĩa quan trọng. Tiêu chí này ở mỗi nước cũng khác nhau, từ đa số tuyệt đối (Peru), tới chỉ đòi hỏi 60% (Ba Lan), hoặc 67% (Chile) tổng số thành viên có mặt của nghị viện, hoặc 67% tổng số thành viên của nghị viện (Ai Cập). Tùy thuộc vào thành phần của nghị viện và thực lực của đảng đối lập, quyền phủ quyết của Tổng thống có thể tương đương với quyền phủ quyết tuyệt đối thực tế, tức là có thể ngăn cản mọi đề xuất lập pháp. Hiếm khi có quyền phủ quyết tuyệt đối luật định (de jure absolute veto); nếu có, nó chỉ được áp dụng hạn chế trong một số lĩnh vực (ví dụ ở đảo Síp).

Ngoài quyền “phủ quyết toàn thể”, tức là quyền của Tổng thống có ý kiến “có” hoặc “không” đối với toàn bộ dự luật, còn có quyền “phủ quyết từng phần” (Uruguay). Quyền phủ quyết từng phần cho phép Tổng thống tham gia sâu sát hơn vào quy trình làm luật bằng việc can thiệp, dù hạn chế, vào từng phần chi tiết của dự luật. Sự can thiệp hạn chế này nếu cộng dồn lại có thể có ảnh hưởng lớn đến bản dự thảo cuối cùng của đạo luật. Một lựa chọn khác cho phép Tổng thống can thiệp sâu vào quá trình xây dựng pháp luật là đặt ra điều kiện cao hơn để dự luật được phê chuẩn. Nhánh hành pháp có thể gây ảnh hưởng đến quy trình lập pháp bằng việc đưa dự luật ra trưng cầu ý dân để thông qua hoặc bác bỏ bằng đa số phiếu trực tiếp của cử tri (Pháp, Peru).

Hiến pháp có thể trao cho Tổng thống quyền đề nghị xem xét tính hợp hiến của dự luật bằng việc đưa vấn đề này ra một tòa án thích hợp để phán xét (Croatia, Nam Phi). Khi đó, việc Tổng thống nêu ra vấn đề tính hợp hiến của đạo luật sẽ làm trì hoãn, và thậm chí chấm dứt quy trình lập pháp dựa trên cơ sở pháp lý chứ không phải do những lý lẽ chính trị, nếu tòa án có thẩm quyền phán xét rằng dự luật đó là vi hiến.

Lê Anh