Quy trình ở Mỹ
Điển hình của chế độ Tổng thống

Minh Thy 07/12/2012 08:26

Ở Mỹ, quyền phủ quyết của Tổng thống được coi là một trong những chế định chính trị quan trọng nhất. Khi thảo luận về quyền phủ quyết tại Hội nghị lập hiến, các nhà lập quốc của Mỹ muốn thiết lập một chế định để ngăn ngừa nguy cơ chuyên quyền trong lập pháp của Quốc hội, cũng như tránh việc thông qua những dự luật thiếu thận trọng.

Quyền phủ quyết được quy định tại Khoản 7, Điều I của Hiến pháp Mỹ 1789, theo đó, tất cả các dự án luật đã được Hạ viện và Thượng viện thông qua, trước khi trở thành luật đều phải trình lên Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Một đạo luật khi được cả hai viện thông qua, nhưng Tổng thống có thể dùng quyền phủ quyết để không ký lệnh ban hành nó. Tổng thống có 10 ngày để xem xét và quyết định phê chuẩn dự án luật (không tính các ngày chủ nhật). Trường hợp đồng ý, Tổng thống sẽ ký vào dự luật và ghi rõ “phê chuẩn” và ngày ký. Trong trường hợp ngược lại, Hiến pháp quy định, nếu Tổng thống muốn phủ quyết dự luật, sẽ phải trả lại dự luật với những lý lẽ phản đối cho Viện nơi dự luật được khởi xướng. Đây được gọi là “phủ quyết thông thường” (regular veto) hoặc “phủ quyết trả lại” (return veto).

Nếu trong vòng 10 ngày sau khi chuyển dự luật cho Tổng thống mà Quốc hội hoãn họp (do đó ngăn không cho Tổng thống trả lại dự luật), Tổng thống chỉ cần không ký thì dự luật cũng không trở thành luật, dự luật đó bị loại bỏ theo cách mà người ta vẫn gọi là “phủ quyết bằng cách bỏ túi” (pocket veto) hoặc “phủ quyết đương nhiên”. Điều này khác với việc nghỉ giữa nhiệm kỳ hoặc nghỉ vào đầu kỳ họp khi mà Nghị viện thông qua các cơ quan của mình, vẫn có khả năng nhận trở lại thông báo về ý kiến phủ quyết của Tổng thống. Trong trường hợp này, Quốc hội vẫn có thể vượt qua sự phủ quyết bằng cách trình lại dự luật từ đầu, thông qua dự luật ở cả hai Viện và chuyển lại cho Tổng thống ký.

Trong trường hợp Tổng thống dùng quyền phủ quyết toàn bộ dự luật, trong vòng 10 ngày lưỡng Viện sẽ xem xét lại dự luật đó. Nếu cả hai viện lại một lần nữa thông qua đạo luật này thì Tổng thống bắt buộc phải ký ban hành. Nếu có 2/3 số phiếu ở mỗi viện ủng hộ thông qua dự luật, thì dự luật đó trở thành luật của quốc gia mà không phụ thuộc vào ý kiến phản đối của Tổng thống. Một dự luật cũng vẫn có thể trở thành luật mà không cần Tổng thống ký, nếu Tổng thống không trả lại dự luật với những ý kiến phản đối của mình trong vòng 10 ngày sau khi dự luật đã được chuyển tới Tổng thống. Một dự luật bị Tổng thống phản đối và trả lại không cần phải bỏ phiếu ngay vì có thể chuyển lại cho ủy ban xem xét. Tuy vậy, dự luật bị phủ quyết luôn được ưu tiên biểu quyết tại Viện và kiến nghị để đưa dự luật đó ra thảo luận và biểu quyết luôn được xếp lịch vào bất cứ thời điểm nào. Thủ tục ở Thượng viện cũng như ở Hạ viện là cần có 2/3 số phiếu ủng hộ để bác bỏ những ý kiến phản đối của Tổng thống. Dự luật xuất phát từ Viện nào thì Viện đó xem xét dự luật bị phủ quyết trước, nếu Viện đó có được đủ 2/3 số phiếu bác bỏ sự phủ quyết thì mới chuyển cho Viện thứ hai xem xét, biểu quyết tiếp; ngược lại, nếu Viện thứ nhất thất bại trong việc bác bỏ phủ quyết, dự luật coi như đã “chết”, và Viện thứ hai không xem xét tiếp.

Khác với việc phủ quyết toàn bộ đạo luật, Tổng thống có thể phủ quyết một số vấn đề cụ thể của đạo luật, nhất là về các khoản ngân sách chi tiêu hàng năm. Việc phủ quyết này cần phải gửi lại cho hai Viện trong vòng 5 ngày và hai Viện phải thông qua một đạo luật phản bác lại những điểm phủ quyết của Tổng thống. Trường hợp Tổng thống vẫn giữ nguyên quan điểm của mình và phủ quyết cả đạo luật phản bác của hai Viện thì phải có hai phần ba số phiếu của mỗi Viện để bác bỏ lại ý kiến phủ quyết của Tổng thống.

Minh Thy