Quyền phủ quyết - quân cờ mặc cả

Nguyên Lâm 07/12/2012 08:26

Quyền phủ quyết là một trong những công cụ quyền lực mạnh nhất của Tổng thống Mỹ. Nhận xét về quyền này, Woodrow Wilson cho rằng, Tổng thống “không còn hoạt động như một cơ quan hành pháp mà như một nhánh thứ ba của hoạt động lập pháp”. Không những thế, quyền này còn hiệu quả ở tính chất răn đe, có lúc buộc Quốc hội phải chỉnh sửa dự luật cho phù hợp trước khi chuyển cho Tổng thống. Vì vậy, Tổng thống có thể sử dụng quyền phủ quyết hoặc dọa phủ quyết để mặc cả, thúc đẩy các mục tiêu chính trị và lập pháp của mình.

Các nhà nghiên cứu gọi đây là trò mặc cả “chấp thuận hoặc bác bỏ một lần cho xong” giữa Quốc hội và Tổng thống. Có nghĩa là, Quốc hội chuyển dự luật cho Tổng thống, Tổng thống có thể “chấp thuận” và ký ban hành luật, hoặc có thể “bác bỏ” bằng cách sử dụng quyền phủ quyết, đưa nó trở về nguyên trạng. Tuy nhiên, Tổng thống cũng phải cân nhắc khi muốn sử dụng quyền phủ quyết của mình, vì vẫn có khả năng việc phủ quyết của Tổng thống lại bị Quốc hội bác bỏ với 2/3 số phiếu ở mỗi Viện. Như vậy, hoặc là Quốc hội phải có những nhượng bộ để Tổng thống chấp nhận dự luật; hoặc là dự luật phải đáp ứng được những điều kiện khác nhau để làm sao ít nhất 2/3 số nghị sỹ của cả hai Viện ủng hộ nó.

Trò mặc cả này giữa hai bên còn ẩn chứa những dích dắc khác, chứ không chỉ “chấp thuận hoặc bác bỏ một lần cho xong”. Ví dụ, Quốc hội Mỹ thường tìm cách gắn dự luật có nguy cơ bị phủ quyết với dự luật mà Tổng thống cho là cần thiết phải thông qua. Chẳng hạn, nguyên Chủ tịch Hạ viện Gingric đã gửi kèm dự luật bị đe dọa phủ quyết với dự luật về “mức trần nợ”. Trong trường hợp này, nếu Dự luật về mức trần nợ không được thông qua, Chính phủ sẽ không có quyền vay tiền để trang trải các hoạt động cơ bản, và như vậy sẽ làm cho hoạt động của Chính phủ bị đình trệ. Đây là áp lực đối với Tổng thống khi quyết định có sử dụng quyền phủ quyết của mình này không.

Hoặc như đã biết, Quốc hội có thể trình, xem xét, thông qua dự luật bị phủ quyết lại từ đầu và một lần nữa chuyển cho Tổng thống ký. Chu trình mặc cả liên tục này trên thực tế diễn ra khá nhiều đối với các dự luật quan trọng. Tổng thống cũng có thể chơi trò nghi binh, dọa phủ quyết dự luật mà ông/bà ta thực ra muốn chấp thuận nhằm đạt được những điểm nhượng bộ từ phía Quốc hội. Trên thực tế, cách thức này được vận dụng rất nhiều lần và tỏ ra hiệu nghiệm trong việc đạt được các điểm nhượng bộ. Tuy nhiên, đây là một chiến thuật mạo hiểm, vì sự thương lượng, mặc cả có thể bế tắc, khiến cho việc thông qua dự luật bị thất bại.

Liên quan đến quyền phủ quyết của Tổng thống còn có thể ẩn chứa trò chơi đổ lỗi (blame game). Khi đặt Tổng thống vào tình thế phủ quyết một dự luật quan trọng, đảng đối lập có thể biến Tổng thống thành người có quan điểm chính sách cực đoan và không được ưa chuộng trong con mắt cử tri. Cho dù Tổng thống có làm gì thì điều đó cũng phải trả giá: hoặc phải chấp nhận một dự luật không mong muốn, hoặc phủ quyết nó nhưng phải đánh đổi sự ủng hộ của dân chúng. Trò chơi đổ lỗi này thường diễn ra khi có sự khác biệt lớn trong quan điểm giữa hai đảng ở Mỹ. Một ví dụ điển hình về trò chơi đổ lỗi là Đạo luật nghỉ phép vì lý do sức khỏe gia đình (Family Medical Leave Act) bị Tổng thống G.H.W. Bush phủ quyết hai lần vào đầu những năm 1990. Dưới thời Bush có hiện tượng thú vị là các thượng nghị sỹ đảng cộng hòa chiếm thiểu số ở Thượng viện thường hay sử dụng chiến thuật ngăn chặn việc thông qua nhiều dự luật để tránh cho ông Bush khỏi phải phủ quyết có thể ảnh hưởng đến hình ảnh vốn đã bị sứt mẻ ít nhiều của ông.

Nguyên Lâm