Đưa sáo diều ra thế giới bằng chính bản sắc văn hóa Việt

Thanh Nguyên thực hiện 24/11/2012 08:51

Một trong những điểm nhấn trong chuỗi hoạt động Ngày Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ VIII với chủ đề Khám phá văn minh sông Hồng đang diễn ra tại Triển lãm Vân Hồ là những cánh diều sáo vùng đồng bằng Bắc bộ. Nhân dịp này, PV Báo ĐBND đã có cuộc trò chuyện với nghệ nhân Quan Hằng Cao - người nổi tiếng với con diều chú Tễu đạt kỷ lục guiness.

Đưa sáo diều ra thế giới bằng chính bản sắc văn hóa Việt ảnh 1

- Lý do nào khiến ông nghĩ đến việc khôi phục và quảng bá di sản văn hóa dân gian Việt Nam, cụ thể là diều sáo truyền thống ra thế giới?

- Tôi sinh và lớn lên tại Hà Nội. Tuổi thơ của tôi gắn liền với sáo diều truyền thống. Đó là thú đam mê cho nên dù lập nghiệp ở nước ngoài trên 30 năm sáo diều vẫn là thứ tôi yêu thích nhất. Trong nhiều năm liền, tôi là thành viên Hiệp hội Diều thế giới và Hiệp hội Diều Đông Nam Á. Có một điều đặc biệt, mỗi khi tham gia các festival diều trên thế giới, người ta luôn nhắc đến diều sáo. Mặc dù, hiện nay, trên thế giới nhiều nước đã khôi phục lại diều truyền thống. Và mỗi nước đều có nét văn hóa riêng, lòng tự hào riêng. Và Việt Nam là nước duy nhất mà người xem có thể nhìn thấy cánh diều và nghe được tiếng sáo. Trên thế giới các nhà khoa học rất quan tâm đến sáo diều của Việt Nam. Nhiều người cho rằng, trên thế giới hiện nay có hai thứ âm thanh mang tính tự nhiên là âm thanh đàn organ nhà thờ và thứ hai có thể chính là tiếng sáo diều của Việt Nam. Thứ âm thanh khiến người nghe có thể nghỉ ngơi, thư giãn tinh thần. Chính vì đặc trưng cũng là niềm đam mê nên tôi luôn trăn trở làm thế nào để đưa sáo diều của nước ta ra nước ngoài.

- Khó khăn trong giai đoạn đầu đưa di sản văn hóa dân gian ra thế giới với ông là gì?

- Lúc đầu, khó nhất là sáo diều truyền thống được làm bằng tre không gấp lại được. Điều này khó cho việc vận chuyển. Khắc phục khó khăn này, tôi đã tìm phương pháp làm sao tháo rời cũng như lắp ghép được trong quá trình vận chuyển sáo diều. Tôi đã dành khá nhiều thời gian cho công việc này và đã lắp ghép thành công diều Việt Nam. Và khi trở về Việt Nam tôi lặn lội đến các vùng miền, tìm đến những làng nghề làm diều, những nghệ nhân làm diều sáo tốt nhất để truyền bá cách làm diều như thế nào để lắp ghép được. Ngoài ra, tôi nghĩ rằng, muốn hòa nhập với thế giới thì diều phải đẹp về hình thức, đa dạng màu sắc. Bởi theo truyền thống xưa, diều của nước ta chỉ làm bằng thứ giấy một màu đơn giản như bằng giấy báo, giấy xi măng… Trong khi trên thế giới hằng năm, thi diều cũng đều theo chủ đề đòi hỏi sự sáng tạo, khéo léo cao. Tôi đã dành khá nhiều thời gian, chia sẻ kinh nghiệm cho các nghệ nhân làm diều truyền thống để họ hiểu hơn tinh thần hội nhập văn hóa.  Bởi thực tế, để phát triển cũng như bảo tồn nghề truyền thống thì các nghệ nhân không thể chỉ loanh quanh rập khuôn với cách làm cũ.

- Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng cũng như khả năng hội nhập của sáo diều Việt Nam với thế giới

- Tại Ngày Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ VIII này, BTC đã mời được 10 câu lạc bộ sáo diều của đồng bằng Bắc bộ. Họ là các nghệ nhân làm diều ở các làng quê. Chúng tôi cũng đã có buổi chia sẻ giao lưu tìm ra giải pháp làm sao đưa cánh diều hội nhập với thế giới. Tôi cho rằng, các nghệ nhân làm diều đều có khả năng hòa nhập vì họ đều có khả năng cầu tiến. Có những câu lạc bộ sáo diều, cách đây 2 năm tôi đến thăm thì những chiếc diều như thế khó tham gia vào các chương trình quy mô nhưng đến nay nhiều chiếc sáo diều đã có hình thức mẫu mã đẹp, bắt mắt.

Tuy nhiên, các làng nghề sáo diều hiện nay vẫn hoạt động theo kiểu mạnh ai nấy làm. Theo tôi, phải có một tổ chức đứng ra mang tính cơ sở pháp lý. Qua đó sẽ có chiến lược, chính sách bảo vệ phát huy nó một cách bài bản. Diều sáo là nét văn hóa độc đáo của Việt Nam, song tài liệu về nó chưa nhiều. Hiện nay, diều sáo Việt Nam đã được thế giới biết đến phần nhiều là do cuốn giáo trình của hai giáo sư nước ngoài tự tìm hiểu và viết.

- Theo ông làm thế nào để giữ được bản sắc Việt trong quá trình sáo diều hội nhập với thế giới?

- Cánh diều trang trí cái gì là trăn trở của chúng tôi mỗi khi sáo diều Việt Nam tham gia các lễ hội thế giới. Trên thế giới, việc vẽ hay in hình ảnh lên cánh diều là chuyện bình thường. Vậy để làm nên một tác phẩm đặc biệt, theo tôi nên dùng chính những chất liệu dân gian mang đậm văn hóa Việt.

Tôi đã làm thành công và được bạn bè thế giới thích thú với những tác phẩm như thế. Mới đây, tại Lễ hội Diều thế giới được tổ chức ở miền Bắc nước Pháp, với khoảng 34 nước tham gia, chú Tễu là chiếc sáo diều rất Việt Nam được bạn bè quốc tế nồng nhiệt đón nhận.

- Xin cảm ơn Ông!

Thanh Nguyên thực hiện