Khi truyện cổ tích không còn là cổ tích

THÀNH NGUYÊN 22/11/2012 08:13

Các câu chuyện cổ tích luôn là đề tài bất tận đối với các nhà làm phim. Năm tới, hàng loạt phim cổ tích sẽ ra mắt khán giả, tuy nhiên không giống thông lệ thường kết thúc có hậu, phim cổ tích năm 2013 sẽ đem đến một thế giới ảm đạm và u ám, như thực tế đang diễn ra.

Khi truyện cổ tích không còn là cổ tích ảnh 1
Alice in wonderland

Từ nay đến năm 2013, nhiều phim đề tài cổ tích sẽ lần lượt ra mắt khán giả như Pinocchios, Peter Pans, Cinderellas và Wizards of Oz, hứa hẹn sự bùng nổ về chuyển thể truyện cổ tích thành phim. Tuy nhiên, dường như quả cầu thủy tinh dự báo không sáng sủa lắm về những bộ phim này, khi trang web điện ảnh hàng đầu thế giới IMDB cho biết, khán giả sẽ không thoải mái gì khi xem phim, bởi phần lớn đều đề cập đến những vấn đề đau đầu của người lớn. 

Chương trình phim The Dark Heart of Fairy Tales (Trái tim u ám của truyện cổ tích) tại rạp Barbican tập hợp những bộ phim cổ tích lâu nay, chiếu từ ngày 3 - 29.11 cho thấy, hóa ra Hollywood không có thêm gì mới cho phim cổ tích. Chương trình này được tổ chức để kỷ niệm 200 năm xuất bản các câu chuyện cổ tích của anh em nhà Grim - phiên bản rùng rợn và tối tăm nhất của bộ truyện, được coi là xuất phát từ những câu chuyện dân gian truyền miệng ở châu Âu, có nội dung quá gợi cảm, tàn bạo và không phù hợp với trẻ em. Chẳng hạn như Người đẹp ngủ trong rừng, nàng công chúa bị chàng hoàng tử đẹp trai cưỡng bức, và sau đó sinh ra một đám trẻ, trong khi nàng vẫn ngủ mê mệt. Còn trong chuyện Bạch Tuyết, hoàng hậu phù thủy nhăm nhe moi gan, tim và phổi của Bạch Tuyết để ăn. Những câu chuyện rùng rợn và đẫm máu kiểu như The Company of Wolves (Đàn sói) của Neil Jordan, hay A Tale of Two Sisters (Câu chuyện của hai chị em) của đạo diễn Hàn Quốc Kim Jee - woon, chứng minh rằng không phải lúc nào truyện cổ tích cũng đẹp.

Một số nhà làm phim đã đẩy những câu chuyện quen thuộc theo hướng khắc nghiệt hơn, ngược lại với truyền thống kết thúc có hậu của truyện cổ tích, với nhân vật nữ luôn ở thế thụ động và là nạn nhân. The Company of Wolves là bộ phim được chuyển thể từ loạt tác phẩm The Bloody Chamber (Căn phòng máu me) của tác giả Angela Carter với những câu chuyện về sự phóng túng của nhân vật nữ. Gần đây hơn, Bluebeard (Yêu râu xanh) của Catherine Breillat và Sleeping Beauty (Người đẹp ngủ trong rừng) của Julia Leigh đã lựa chọn một chiến thuật khác, thiên về xu hướng tối tăm, ảm đạm và có hơi hướng của tình dục hơn. Một điều đặc biệt là hầu hết người thực hiện các tác phẩm này là đạo diễn nữ.

Hollywood đang đứng trước câu hỏi rằng, liệu có phải họ đang chạy theo xu thế thịnh hành, quá phụ thuộc vào các ngôi sao và những khoản đầu tư lớn mà bỏ qua những điều gây hại cho sự tinh tế của các câu chuyện cổ tích? Joe Wright đã tuyên bố sẽ giải cứu The Little Mermaid (Nàng tiên cá) từ hóa thân Disney của cô, trong khi Angelina Jolie sẽ cho chúng ta một bà mẹ kế phù thủy làm việc chăm chỉ trong Maleficent (Hiểm ác). Aaron Eckhart đã ký hợp đồng đóng phim Captain Hook (Thuyền trưởng Hook), được viết lại như một thám tử theo dõi Peter Pan.

Không chỉ điện ảnh “xào nấu lại” truyện cổ tích, mà phim truyền hình cũng đặt truyện cổ tích vào thế giới hiện đại. Ngay cả tên phim cũng thay đổi: không còn Jack và cây đậu thần nữa, mà thay vào đó là Jack: Kẻ giết người khổng lồ - phim của đạo diễn Bryan Singer, không phải Hansel và Gretel mà là Kẻ săn phù thủy, không phải Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn mà là Bạch Tuyết và mật lệnh của bảy chú lùn…

Văn hóa phim bom tấn thường bị chỉ trích bởi tính thoát ly nửa vời. Việc các đạo diễn đổ xô làm phim chuyển thể từ truyện cổ tích trong thời gian gần đây có thể giải thích với lý do kinh tế. Thành công của Harry Potter hay Alice in Wonderland (Alice ở xứ sở diệu kỳ) đã kích thích các hãng phim. Giống như sau Chiến tranh thế giới thứ hai, các nhân vật siêu anh hùng nở rộ trong phim. Và bây giờ, khi tính bất khả xâm phạm của nước Mỹ trở thành một huyền thoại bị sụp đổ, không ai muốn câu chuyện cổ tích kết thúc. Đó là lý do cái kết kiểu “họ sống hạnh phúc bên nhau mãi mãi” vẫn còn quan trọng, không cần biết đến thực tế rằng hoàng hôn đang buông xuống, bóng đêm sắp bao phủ.

Đối với nhà tâm lý học Bruno Bettelheim, những khía cạnh đáng sợ và bất ổn của truyện cổ tích rất quan trọng. Ông phân tích, chiến thắng của cái thiện trước cái ác cho phép trẻ nhỏ đối đầu một cách an toàn với mặt tối của cuộc sống, đối diện với cái chết, sự sợ hãi và những suy nghĩ tiêu cực về cha mẹ, và hiểu rằng sự trưởng thành cả về thể xác lẫn tâm lý thực sự là một phần thưởng. Việc làm phim cổ tích giống như một liều thuốc tinh thần đối với Hollywood thì đúng hơn, nhưng không dễ gì có được sự thoải mái thực sự...

THÀNH NGUYÊN