Cường cá kình (Phần 1)
Truyện ngắn của Mai Hương

19/11/2012 08:19

>> Cường cá kình (Phần cuối)

Tên khai sinh của gã là Lê Nam Cường nhưng biệt danh của gã thì rất nhiều. Hồi trẻ, gã gầy lẻo khoẻo, đi lại có phần lả lướt nên bạn bè gọi gã là Cường cò lả. Tin đồn, hồi mới đi lính, ba tháng đầu huấn luyện gã chẳng bắn phát nào trúng mục tiêu. Lần đầu, mắt gã ngắm mục tiêu mà cả tay và chân đều run bắn. Huấn luyện viên hô bắn cũng là lúc gã đái ra quần. Chẳng hiểu thực hư ra sao nhưng câu chuyện về gã cứ âm ỉ lan truyền nên cái tên Cường cò lả cứ vậy mà đeo đẳng gã khá lâu. Có đứa nói với gã rằng vì anh cao như tụi Tây nên em gọi anh là Wiliam Cường. Mới đầu không biết, gã thấy thích cái tên Tây sang trọng. Sau này, thấy vài đứa trong cơ quan bụm mồm cười, gọi gã như vậy, gã sinh nghi. Tìm hiểu, hóa ra là chúng nó đểu, viết tắt của Wiliam Cường là W.C. Mẹ cha lũ mất dạy. Sau này, thân hình gã có của ăn của để một tý thì mọi người hay gọi là Cường cá kình. Gã có vẻ thích cái biệt danh đó hơn cả. Chính vì thế, mà có ai gọi điện, gã thường cao giọng trả lời: a lô, Cường cá kình nghe! Lâu dần, cái tên đó được mọi người chấp nhận vì nghe có vẻ chuẩn hơn cả.

Cường cá kình (Phần 1)<br><i>Truyện ngắn của Mai Hương</i> ảnh 1
Minh họa của Thúy Hằng

Dáng lòm khòm nhưng Cường cá kình vẫn cao hơn tất thảy trong cơ quan. Mái tóc xoăn bốc cao lại càng làm cho gã cao hơn. Cái miệng rộng, nói toang toác liên hồi khiến gã trở thành tâm điểm chú ý những nơi gã có mặt. Không có gã, cuộc nhậu trở nên nhạt nhẽo, vô duyên, anh em tản mát. Có gã, cốc bia hình như cũng sủi bọt nhiều hơn, câu chuyện cũng râm ran hơn. Ở cơ quan cũng vậy, có hôm gã ngồi bất động trong phòng làm việc, chẳng nói năng gì nhưng không khí xung quanh vẫn có gì khác lúc gã đi vắng. Chỉ nhìn bộ dạng của gã thôi, người ta cũng thấy buồn cười. Gã hay mặc áo hoa sặc sỡ, đeo kính râm. Thỉnh thoảng, nhìn gã, tôi lại liên tưởng đến Maicơn Giắcxơn. Ấn tượng nhất là đôi giày của gã, đen bóng lộn và dài như một chiếc phi thuyền. Có lần, đèn đỏ gã dừng xe ở ngã tư, gã thả dàn hai chân dài ngoằng xuống đường. Một chiếc xe buýt trờ tới, nghiến qua chân gã. Mọi người dừng xe bên cạnh thót tim, kêu oái lên. Còn gã vẫn đứng trơ trơ. Chả là chân gã chỉ chiếm hơn nửa phần giầy.

Gã có một điểm yếu, cấm đứa nào phạm húy. Gã bị vẩu nặng. Hội già, sống lâu với gã thỉnh thoảng bâng quơ “Ăn đu đủ không cần nạo” hay “Chân chưa đến Bờ Hồ, răng đã vồ Tổng hợp”, cái bách hóa tổng hợp ngày trước ở bên hồ mà. Những tưởng cái tên Cường vổ, Cường vẩu, Cường xicavâu một thời đã lùi vào quá khứ thì nay lại được bọn nó bóng gió, văn vẻ. Sợ đụng chạm, bọn trẻ trong cơ quan thường phải tránh từ “không cần nạo” và “tổng hợp”, tất nhiên là cả những từ vâu, vẩu, vổ. Gã mà giận thì mất vui.

Hôm nào sếp đi vắng, bọn trẻ thường chạy mua quà vặt, phục vụ cả phòng. Khi thì bánh rán, lúc thì hoa quả. Rôm rả ra phết nhưng có lẽ màn ăn kem là thú vị nhất. Gã rất thích kem, gã ăn một cách say sưa. Một tay gã giơ cái kem ngang trán, tay kia cầm sẵn giẻ lau. Vì răng gã như thế nên khi ăn kem gã thường dùng lưỡi. Gã thè lưỡi, uốn lên cao để mút, mắt nhắm tịt trong khi tay kia liên tục cầm giẻ lau kem rớt trên mặt bàn.

Cơ quan tuyển nhân viên mới, gã là chủ tịch công đoàn nên cũng có chân trong hội đồng. Một bà ở phòng thí nghiệm có đứa cháu thi tuyển đợt này, lo lắm. Mai là vòng sơ khảo, phỏng vấn trực tiếp, bà gọi thằng nhỏ đến dặn dò:

- Mày đạt hết các tiêu chuẩn nhưng tao vẫn lo, vì mày học Đại học Tổng hợp.

- Sao cô lại lo thế? - Thằng cháu không hiểu thế nào.

Bà đành phải nói thật và dặn đi dặn lại thằng cháu:

- Trong hội đồng có một lão rất ghét từ “tổng hợp”. Mày cứ biết thế. Mà câu đầu tiên hội đồng hỏi bao giờ cũng là tốt nghiệp trường nào? Mày mà trả lời học Tổng hợp thì phạm húy. Vì vậy, nếu họ có truy thì mới được nói nghe chưa?

Thằng cháu bắt đầu lờ mờ hiểu cơ sự nên khi vào phỏng vấn, chủ tịch hội đồng hỏi:

- Anh tốt nghiệp đại học gì?

- Dạ, tôi tốt nghiệp Đại học Vật lý hạt nhân.

Thằng nhỏ cố tình dõng dạc.

- Trường nào?

Thằng nhỏ lúng búng:

- Dạ, dạ… đại học… Tổng hợp ạ.

Một vài người khẽ nhếch mép cười. Còn gã, mặt cứng đờ. Thằng nhỏ hú hồn, may cũng qua được vòng sơ khảo.

 
*

Học xong đại học, gã đi bộ đội theo lệnh tổng động viên. Hết thời gian quân ngũ, gã đi xuất khẩu lao động ở Nga. Hết thời hạn làm việc, gã ở lại buôn bán ở chợ Vòm. Có chút vốn liếng tích cóp được, gã cũng buôn bán lăn lộn lắm nhưng phập phù lúc được, lúc mất. Đến lúc trắng tay, gã trở thành kẻ làm thuê ở chợ. Ai thuê gì gã cũng làm, miễn là kiếm được tiền. Bản năng con người là kiếm sống. Bản năng ấy còn mạnh mẽ, khốc liệt hơn khi đằng sau gã còn cha mẹ nghèo và một đàn em nheo nhóc. Nhờ cái duyên ăn nói mà các chủ hàng thích thuê gã chở. Xe thường chạy trong đêm nhưng có gã lái, gã tán đủ chuyện, hết cả căng thẳng và buồn ngủ. Ban đêm chở hàng thuê. Ban ngày gã bốc vác. Có đoàn sang công tác ngắn ngày, cần mua tủ lạnh, nồi áp suất… nhờ manh mối biết gã có năng khiếu mua hàng thì tìm đến gã. Thế là gã làm dịch vụ đi mua hàng. Năng khiếu của gã là đóng vai người tàn tật. Gần đến cửa hàng, gã bắt đầu lệch pha, méo miệng, tay khèo, chân đi cà thọt cà nhắc. Gã nhích từng bước rồi ngoan ngoãn xếp vào hàng người dài dằng dặc. Ai cũng tưởng gã là bệnh nhân đột quỵ. Sẵn có dòng máu lịch sự và đạo đức xã hội, tụi Tây không ai bảo ai nhường gã hết. Cứ thế, nghiễm nhiên gã lên vị trí số một. Nhân viên bán hàng thấy gã vừa ngọng ú ớ, vừa chỉ trỏ mà ái ngại, đáp ứng hết nhu cầu của gã. Mỗi lần như thế, gã kiếm được cũng khá.

Gã dành dụm, dè sẻn, chẳng dám phung phí lấy một đồng kôpếch, thế gã mới có tiền gửi về cho cha mẹ ở quê nhà, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Còn chút ít, gã giắt lưng, sau bốn năm về nước, gã mua được cái nhà nhỏ trong ngõ Lò Lợn, lấy chỗ chui ra chui vào, lấy vợ đẻ con, rồi cưu mang cả đùm ở quê, mỗi lần ra Hà Nội khám bệnh, đi chơi có chỗ mà tá túc.

 Tôi giúp gã về cơ quan. Thời đó, biên chế khó khăn lắm. Lúc đầu, chưa sắp xếp được công việc, gã làm bảo vệ hai năm. Chồn chân như gã mà ngồi một chỗ làm bảo vệ, quả là thử thách. Thời gian đầu, gã có vẻ bứt rứt tợn, sau cũng quen dần. Làm bảo vệ, gã áp dụng nguyên tắc nhà binh với tất cả mọi người trong cơ quan và khách đến công tác. Ai cũng phải tắt máy, xuống xe, dắt bộ. Các bà, các chị là khổ nhất, xe to xe nhỏ, váy ngắn váy dài, guốc cao gót nhọn đều phải dừng xe ở cổng, dắt xe tuốt. Là khách, còn bị gã vặn vẹo chán chê, trình đủ các loại giấy tờ, gã mới cho vào cơ quan. Việc gã hắc xì dầu, giám đốc biết hết nhưng cũng chẳng làm gì được, vì gã làm đúng nguyên tắc. Chẳng qua cái thái độ của gã làm người ta khó chịu, mà thái độ thì trừu tượng, khó bắt bẻ.

Đến khi có người về hưu, trống chỗ gã mới được chuyển lên phòng nghiệp vụ. Gã không làm bảo vệ nữa, khách đến liên hệ công tác vào ra, thở phào nhẹ nhõm. Nhưng khách nào đến làm việc ở bộ phận của gã thì không thoát, vẫn phải gặp gã, vẫn bị nguyên tắc cứng đờ của gã hành hạ khổ sở. Nhiều người trong cơ quan cũng muốn góp ý gã nhưng lại ngại vì gã chẳng làm gì sai, vẫn chỉ là đúng nguyên tắc.

Ngoài điểm đó thì gã là người nhiệt tình, vui vẻ, thẳng thắn nên anh em tín nhiệm bầu gã làm chủ tịch công đoàn mấy khóa liền. Trong cơ quan ai ốm ai đau hoặc đám ma đám cưới đều có tay gã góp vào chăm chút. Nhưng, dù tôi có yêu quý gã đến mấy cũng phải nói thật: gã xicavâu thế, làm chủ hôn thì được nhưng làm trưởng ban lễ tang thì có phần hơi thất lễ. Gã biết thế, nên đám ma nào gã cũng trang phục rất cẩn thận, đi lại nghiêm ngắn, đặc biệt hạn chế nói nhiều. Những lúc như thế gã trở nên một người khác hẳn mọi ngày.

Mùa hè, công đoàn đứng ra tổ chức cho anh em đi nghỉ mát. Sau khi lo xong xuôi chỗ ăn ở cho mọi người trong đoàn, gã dành thời gian chơi đá bóng với lũ trẻ. Đứa nào cũng yêu bác Cường, nhất nhất bác Cường. Đến khi xuống biển, gã ngồi trên bờ, ôm quần áo cho mọi người xuống tắm. Thế mà có đứa còn xỏ lão: bố già cá kình ơi, không về với nước à? Bố sợ nhảy ngược sóng, mất quần đùi Ôlympic à?

(Số sau đăng hết)