Nguyên nhân cháy, nổ ô tô, xe máy bắt nguồn từ đâu?

Tự Cường 14/11/2012 10:13

Bước đầu nghiên cứu của Đề tài khoa học cấp Nhà nước “Nghiên cứu xác định nguyên nhân và các giải pháp kỹ thuật phòng chống cháy, nổ đối với ô tô và xe gắn máy”, các nhà khoa học thực hiện đề tài đã chỉ ra một số nguyên nhân nhân chính gây cháy nổ ô tô, xe máy là do hệ thống điện hở, đứt, chập, hệ thống nhiên liệu bị rò rỉ, hệ thống tản nhiệt làm mát và hệ thống xả khí của động cơ phát nhiệt cao, nhiên liệu không đảm bảo chất lượng, người sử dụng phương tiện chưa đúng cách…

Cháy, nổ ô tô, xe máy do nhiều nguyên nhân khác nhau
 
Theo thống kê, từ năm 2011 đến tháng 9/2012 trên phạm vi cả nước đã xảy ra 252 vụ cháy xe ôtô trong đó cháy do va chạm 6 xe, do chập điện 11 xe, hỏa hoạn tại nơi để xe 3 xe, ma sát lốp với mặt đường là 1 xe, chưa rõ nguyên nhân gồm 74 xe; chiếm 0,168% lượng xe ô tô đang lưu hành. Đối với xe máy xảy ra 300 vụ cháy, trong đó, cháy do va chạm hoặc đổ là 9 xe, do chập điện 10 xe, hỏa hoạn tại nơi để xe là 132 xe, cố ý đốt là 6 xe, rò rỉ xăng 6 xe, chưa rõ nguyên nhân 98 xe, chiếm 0,08% tổng số xe máy lưu hành. 
 
Nhóm các nhà khoa học thực hiện đề tài sau 6 tháng nghiên cứu đã chỉ ra một số nguyên nhân chính gây cháy, nổ xe máy, ô tô thời gian vừa qua. Về nghi vấn xe cháy nổ do nhiên liệu và phụ gia mà dư luận nghi ngờ thời gian vừa qua, Pgs Ts Vũ Thị Thu Hà thuộc Phòng Thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc, hóa dầu, Bộ Công thương khẳng định, nhiên liệu chính ngạch đạt tiêu chuẩn không phải nguyên nhân gây cháy, nổ ôtô, xe máy. Tuy nhiên, Pgs Ts Vũ Thị Thu Hà chỉ rõ, những nhiên liệu được pha chế với mục đích gian lận thương mại bằng cách lạm dụng phụ gia tăng RON đối với xăng, hoặc phối trộn diesel chất lượng tốt với diesel có lượng lưu huỳnh cao có thể ăn mòn và gây hỏng những thiết bị động cơ tiếp xúc trực tiếp. Cụ thể, việc sử dụng một số phụ gia tăng RON trong pha chế nhiên liệu dẫn đến thành phần phụ gia vượt tiêu chuẩn hoặc có các thành phần khác với phụ gia thông dụng dễ làm nhiên liệu biến chất. Từ đó, làm trương nở hoặc phá hủy các chi tiết bằng vật liệu polymer hay tạo nên hợp chất trung gian không có lợi như các màng polymer làm kẹt bơm xăng, vòi phun, oxit kim loại làm hỏng bugi, hình thành các hợp chất FeS tự bắt cháy… Mặt khác, theo Pgs Ts Vũ Thị Thu Hà hầu hết các dung dịch, viên tiết kiệm nhiên liệu đều không có hiệu quả như quảng cáo. Việc sử dụng các loại chất này có chứa hợp chất của sắt, mangan một cách tùy tiện có thể tạo ra hợp chất FeS, làm tăng nguy cơ cháy.
 
Về nguy cơ cháy nổ từ kết cấu và đặc tính của phương tiện, Ts Phạm Hữu Tuyến thuộc ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, qua nghiên cứu cho thấy, nhiều trường hợp cháy xe là do hệ thống điện phát sinh nguồn nhiệt, nguồn lửa từ những nguy cơ như dây dẫn bị hở, đứt do tiếp xúc với vật nóng, chuột cắn, quá tải trong hệ thống như cháy đèn, kẹt bơm xăng, lắp thêm hệ thống bảo vệ, thay thế đèn nguyên bản bằng đèn có công suất lớn hơn… Ngoài ra, hệ thống điện còn phát sinh tia lửa do dây điện có khả năng chịu tải nhỏ gây chập, rơle phát sinh tia lửa điện trong quá trình làm việc đối với phụ tùng không rõ nguồn gốc, chất lượng kém, nứt dây cao áp, lỏng đầu chụp bugi. Nhiệt độ sinh ra trên bộ sạc điện lớn và nếu tản nhiệt không tốt dễ gây chập cháy dây điện, nóng chảy chi tiết bằng nhựa xung quanh.
 
Theo Ths Nguyễn Văn Phương thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, hệ thống dẫn nhiên liệu bị rò rỉ cũng là một trong những nguyên nhân khiến phương tiện bị cháy nổ khi gặp nguồn nhiệt.  Bên cạnh đó, khi hệ thống tản nhiệt làm mát bị hư hỏng dẫn đến nhiệt độ của động cơ và các hệ thống phụ trợ tăng quá cao, làm lão hóa nhanh hoặc nóng chảy, thậm chí cháy các bộ phận bằng nhựa và dây dẫn điện, gây chập điện. Nhiệt độ một số bộ phận tăng quá cao là nguyên nhân có thể gây cháy khi có chất dễ cháy như xăng dầu bám vào. Mặt khác, nhiệt độ ống xả của xe tăng cao, khi tiếp xúc các vật liệu như rơm rạ, giấy, nilon, vải, hơi xăng sẽ dễ dàng bắt cháy.
 
Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng nguy cơ cháy nổ còn có nguyên nhân từ phía người sử dụng phương tiện giao thông chưa đúng cách. Rất nhiều người còn chưa có thói quen chăm sóc, bảo dưỡng xe định kỳ hoặc tự ý thay đổi kết cấu của xe, lắp thêm các loại "đồ chơi" không đồng bộ với phương tiện. Ngoài ra, việc thay thế phụ tùng không đúng nguồn gốc, xuất xứ; tự ý sử dụng phụ gia tiết kiệm nhiên liệu; thiếu thận trọng khi lái xe tại các khu vực có nhiều rơm, rạ phơi trên đường hoặc có nhiều rác dễ cháy…
 
Chủ phương tiện cần chủ động giảm nguy cơ cháy nổ

Hiện tại, để khắc phục nguyên nhân gây cháy, nổ phương tiện từ việc sử dụng nhiên liệu pha chế không hợp chuẩn, Bộ Công thương và Bộ Khoa học và Công nghệ đã kiến nghị  Chính phủ cấm lưu hành loại xăng A83 nhằm ngăn chặn các hành vi pha chế phụ gia vào loại xăng này. Đồng thời, tăng cường kiểm soát chất lượng nhiên liệu trong việc sử dụng phụ gia tăng RON để pha chế xăng nhiên liệu và quá trình biến dầu nhờn thải, cặn dầu thành dầu DO đạt tiêu chuẩn thương phẩm. Những loại xăng dầu kém chất lượng trôi nổi trên thị trường có một số thành phần vượt quá tiêu chuẩn đều tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao.
 
Theo Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Trịnh Ngọc Giao, bên cạnh việc xóa bỏ xăng A83, các cơ quan quản lý cũng cần quản lý chặt chẽ mặt hàng xăng dầu trên thị trường. Vấn đề đặt ra là, xăng dầu nhập về đến các đầu mối hoặc xăng dầu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất chuyển về các đầu mối thì đạt tiêu chuẩn, nhưng từ đầu mối đến các cơ sở kinh doanh xăng dầu lại có vấn đề, khiến nhiều người mua phải xăng dầu rởm, kém chất lượng. Điều này chứng tỏ đang xảy ra tiêu cực ở phân đoạn này. Các cơ quan chức năng phải xem xét và quản lý chặt chẽ, tăng cường thanh tra, kiểm tra, đồng thời xử phạt nghiêm minh các cá nhân, chủ cửa hàng xăng dầu vi phạm thì mới hy vọng hạn chế được xăng dầu kém chất lượng lưu hành trên thị trường.
 
Đối với người sử dụng xe máy, ô tô, Cục trưởng Trịnh Ngọc Giao khuyến cáo, người dân nên mua xăng dầu ở những cây xăng, dầu uy tín, đạt tiêu chuẩn, tránh mua nhiên liệu trôi nổi trên thị trường. Đồng thời, khi sử dụng phương tiện, người dân cần rèn thói quen đọc sách hướng dẫn sử dụng một cách cẩn thận, khi sử dụng phương tiện nên định kỳ bảo dưỡng theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Trong quá trình sử dụng, việc sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện nên thực hiện tại những cơ sở bảo dưỡng chính hãng, sử dụng phụ tùng thay thế chính hãng, đồng thời định kỳ kiểm tra phương tiện trong quá trình sử dụng để kịp thời phát hiện những hư hỏng và khắc phục. Mặt khác, người dân không nên lắp thêm các loại "đồ chơi", thiết bị không phải do nhà sản xuất phương tiện cung cấp bởi các loại "đồ chơi", thiết bị này làm sai khác thiết kế phương tiện, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.
 
Như vậy, nguyên nhân cháy, nổ ô tô, xe máy được các nhà khoa học bước đầu xác định bắt nguồn từ 3 nhóm chính là do các chi tiết của phương tiện, do nhiên liệu không bảo đảm tiêu chuẩn và ý thức sử dụng phương tiện của người dân. Từ đó, để hạn chế nguy cơ cháy, nổ phương tiện cần bắt đầu từ thói quen sử dụng phương tiện, bảo dưỡng và thay thế phương tiện theo khuyến cáo của nhà sản xuất; cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm soát chống việc pha chế các loại nhiên liệu không đạt chuẩn và các nhà sản xuất cần nghiên cứu, tăng cường độ an toàn và đồng nhất các chi tiết của phương tiện.

Tự Cường