Cu Tít
Truyện ngắn của Mai Hương

07/11/2012 08:30

 Huệ dắt xe ra cổng, gặp thằng bé đứng lảng vảng ngoài sân, tiện mồm hỏi:

- Tít à, sao đêm qua khóc nhiều thế?

 Thằng bé mặt ráo hoảnh:

- Đấy là việc của cháu, không phải việc của cô.

Chưng hửng pha chút tẽn tò với hàng xóm, Huệ nổ máy, rồ xe đi thẳng. Nó mới hơn năm tuổi mà đối đáp ghê gớm phết. Thật chẳng cái dại nào giống cái dại nào. Mình bằng này tuổi, định chọc nó cho vui, nào ngờ nó lại chơi mình một vố.

Tít là cháu ngoại ông bà Phán. Ông Phán chạy xe ôm, bà Phán bán hàng vặt trước cửa nhà. Bố mẹ nó làm ăn bên Nga. Nó sinh bên Nga. Một lần về thăm nhà, vợ chồng con gái bà để nó lại nhà cho ông bà chăm, để tiện làm ăn bên đó.

Tít gầy nhẳng, dài và cong như quả bí đao. Hai mắt to thô lố, hai tai vểnh cao. Nó nghịch ngợm thì không ai bằng. Nghịch và lì lợm. Một ngày ăn mấy trận đòn. Có lần, bà Phán phạt nó, nhốt vào nhà kho. Chừng tiếng sau, thấy khói bốc lên nghi ngút, cả nhà kinh hoàng. Hóa ra nó đốt lửa. Sẵn có bao diêm trong túi quần nó vun giấy, gỗ vụn rồi châm lửa đốt, đến khi cháy sém sang cả cái giường cũ mọi người mới phát hiện. Mở cửa, thấy nó đứng nép một bên, mặt trân trân, không có biểu hiện sợ là gì. Lần khác, bà Phán bận việc lúi húi trong bếp, nó trông hàng cho bà. Bắc cái ghế, nó trèo lên cho vừa tầm với cái máy quay nước mía, một tay thò vào máy, tay kia kéo tay quay. Nghe tiếng Tít khóc ré lên, bà Phán vội bỏ mâm bát, chạy lên thấy tay nó máu chảy đầm đìa. Kết cục là ngón trỏ phải khâu bảy mũi. Hỏi sao ngu vậy, nó trả lời: Thử xem có ra nước mía không?

Cu Tít<br><i>Truyện ngắn của Mai Hương</i> ảnh 1
Minh họa của Thanh Huyền

Nhà Huệ sát vách nhà ông bà Phán nên nhất cử nhất động nhà bên kia, bên này nghe thấy hết. Cả đêm qua nó khóc, Huệ không ngủ được. Nó đòi bật ti vi to xem hoạt hình, ông Phán bảo tắt để ông ngủ, nó không chịu. Ông giằng lấy cái điều khiển trên tay nó rồi tắt cái phụt. Nó xông vào ông, giật lại cái điều khiển nhưng không được. Hai ông cháu giằng nhau. Nó thua, nó hậm hực, đứng chống nạnh hằm hằm nhìn vào mặt ông rồi buông câu chửi: đ. mẹ ông ngoại. Tức điên, ông Phán tét một phát thật đau vào mông nó. Nó lăn ra khóc, khóc lăn khóc lộn. Khóc vì bị đánh thì ít mà tức vì không được xem ti vi thì nhiều. Khóc ra rả, chán mệt nó chuyển sang i ỉ. Ông Phán bảo nín, nó vẫn khóc. Ngứa tiết, ông tét thêm phát nữa, nó lại ré lên. Bà Phán chạy vào dỗ dành, ông quát luôn vợ: Bà không phải rách thêm việc. Con cháu mất dạy, chửi cả ông. Bà Phán nguýt dài. Bực quá, ông quát to hơn: lườm nguýt đ… gì, đúng là con hư tại mẹ cháu hư tại bà. Chạy rông cả ngày mệt, muốn ngủ tý không yên. Tiện tay, ông lại cho nó thêm phát nữa. Thế là nó chuyển sang khóc hờn. Cả mấy tiếng đồng hồ, hai ông cháu cứ lên bổng xuống trầm. Nhà bên này, Huệ cố nhắm mắt ngủ, bỏ ngoài tai tiếng quát tháo, tiếng i ỉ bên kia, nhưng vẫn không thể nào ngủ lại được.

*

Mấy hôm trước, nó sang nhà Huệ chơi, đúng lúc có phim Mỹ, Nhà vô địch. Người cha thiếu tiền, buộc phải thi đấu đấm bốc. Cậu con trai nhỏ đứng dưới khán đài xem, thấy bố bị đánh trọng thương, kêu gào thảm thiết. Tít ngồi xem chăm chú, dường như xung quanh không có gì tác động được đến nó. Thỉnh thoảng, nó len lén gạt nước mắt. Thằng cu Bô gọi inh ỏi rủ chơi bóng, nó cũng chẳng trả lời. Bà ngoại gọi về, nó mặc kệ, không thưa. Thấy vậy, Huệ đành phải thương lượng với bà Phán để cho nó ngồi xem bên nhà Huệ. Phim hết, Tít lùi lũi ra về, chẳng chào hỏi ai. Như mọi lần, Huệ đã gọi lại, bắt chào nhưng lần này thì tha. Nó đang xúc động.

Nó ra cửa, loay hoay một lúc với đống dép nhưng cuối cùng vẫn xỏ nhầm dép. Cọc cạch, chân dép to chân dép nhỏ, nó phi thật nhanh ra cổng. Huệ nhìn theo định gọi lại nhưng nghĩ nó sợ bà ngoại, vội về nên lại thôi. Mở toang cánh cổng nhà Huệ, như không chịu được thêm phút giây nào nữa, nó trật quần ra đái luôn trước cổng nhà. Vừa đái nó vừa lấy tay quệt nước mắt, lẩm bẩm: thương đ… chịu được, thương đ… chịu được. Đái xong, kéo quần lên cũng là lúc nó òa lên tức tưởi. Đôi vai gầy của nó rung lên, co rúm lại theo từng cơn khóc.

Buổi chiều Huệ đi làm về, nó thường chạy ra đón: cô có gì cho Tít không? Nó thích kẹo và truyện. Hỏi là hỏi vậy thôi, chứ nó biết thỉnh thoảng mới được đáp ứng. Rồi nó chạy theo đẩy xe giúp Huệ. Nó tíu tít kể chuyện hôm nay ở nhà thế nào, ăn gì, chơi gì. Nhưng chủ yếu là dương vây mấy trò nghịch ngợm nó sáng tạo ra. Nó trồng cây chuối, rồi nhào lộn mấy vòng. Thấy nó có năng khiếu xiếc, mới đầu Huệ buột lời, khen liên tục. Được khen, nó sướng phổng mũi, càng bị kích động, dồn hết sức làm thêm vài chiêu nữa. Biểu diễn xong, mắt nó ngời sáng, mặt vênh lên chờ được tán thưởng. Sợ nguy hiểm nên về sau Huệ lờ đi, không khen nữa. Nó có vẻ cụt hứng. Tưởng Huệ không thích trò ấy, hôm sau nó lại biểu diễn trò khác. Lúc thì nó khoác tấm vải, hóa trang thành Bao Công xử án, lúc thì thành Triển Chiêu giắt kiếm chọc qua quần đùi, đi lại oai vệ quanh xóm. Nó còn vật cái xe ba bánh cũ ra trước sân. Bánh chổng lên trời. Nó kéo cái ghế ngồi bán hàng của bà Phán ra đặt cạnh xe, ngồi yên vị vào đó rồi bắt đầu hú còi, xoay bánh xe liên tục, giả làm bác tài, miệng din dỉn din dỉn, sùi hết cả bọt mép.

*

Có thằng bé đón đường, kể chuyện, đẩy xe mỗi buổi chiều khiến Huệ vui. Hôm nào không thấy nó, Huệ đâm thắc mắc. Mấy hôm rồi vắng tiếng, Huệ chạy sang hỏi bà Phán, thì ra nó về quê nội dưới Hưng Yên.

Buổi chiều hôm sau thấy người nhà bố Tít dừng xe trước cửa nhà bà Phán, bế nó xuống xe. Lúc sau, Huệ chạy sang, thấy Tít nằm trên giường nhắm mắt ngủ thiêm thiếp, trong tay vẫn cầm mấy đồng bạc lẻ nhàu nát và cái kẹo lạc. Mặt Tít xanh rớt, đã gầy lại gầy hơn. Bà Phán kể, nó về quê chơi, chắc chạy nắng nhiều nên ốm. Huệ sờ trán thấy hâm hấp sốt. Nhẹ nhàng, Huệ kéo vạt áo che cái bụng trắng xanh cho nó. Huệ định về nhưng nó khẽ mở mắt, đòi uống nước. Uống nước xong, nó lại thiêm thiếp, tay nắm chặt tay Huệ. Huệ dỗ dành nó ngủ, kể chuyện cho nó nghe. Được một lúc, nó mở mắt bảo: cháu mỏi chân lắm, cháu không đi được. Cô bế cháu được không? Mẹ cháu chẳng bao giờ bế cháu cả.

Nó nhớ mẹ. Ba năm nay không thấy mẹ nó về. Bà Phán kể, bố mẹ nó bên ấy cũng khó khăn lắm. Hai vợ chồng làm thợ may. Cái xưởng may, sâu dưới hầm. Có khi cả tháng không ra đường, không nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Thỉnh thoảng, có người về, gửi cho Tít vài cái đồ chơi, hộp sữa. Gọi điện về thăm con, hỏi Tít có nhớ mẹ không? Nó trả lời: không nhớ. Rồi buông máy chạy đi chơi.

Bế nó lên, áp vào cái thân hình nhăng nhẳng gầy guộc, Huệ thấy thương không tả xiết. Hàng ngày “chinh chiến trận mạc” thế, đến lúc ốm đau sao Tít yếu đuối vậy. Chợt nhớ, nó vẫn là một thằng trẻ con. Hơn lúc nào hết, nó cần có mẹ bên cạnh.

Mà mẹ nó giờ này chắc đang cặm cụi bên cái máy may, không biết có thấy nóng ruột không?

*

Giáp Tết. Bận bán hàng hơn mọi ngày nhưng bà Phán vẫn tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, chẳng là mẹ Tít sắp về. Nghe tin con gái năm nay về ăn Tết, bà mừng ra mặt. Gặp ai bà cũng khoe, cũng kể. Tít cũng vậy, nó chạy sang nhà Huệ khoe ngay.

Rồi cái ngày cả nhà bà Phán mong chờ cũng đến. Hai tám Tết, mẹ Tít về đến nhà. Cả nhà chạy ào ra đón, ông bà Phán, hai cậu và dì của Tít. Luấn quấn hỏi han, lúc sau mọi người mới bừng tỉnh nhận ra sự vắng mặt của nhân vật quan trọng. Quái, nó cũng chạy ra đầu ngõ đón cơ mà. Cả nhà thi nhau gọi, sang từng nhà hàng xóm hỏi mà Tít vẫn bặt âm vô tín. Các nhà hàng xóm cũng túa đi tìm giúp. Đến sẩm tối thì mọi người đều tuyệt vọng. Mẹ Tít khóc thút thít, thỉnh thoảng lại châm hương, khấn vái ông bà tổ tiên phù hộ độ trì. Đến nước ấy, cậu út đành phải chở ông Phán chạy ra công an phường trình báo sự việc. Khai báo xong, hai bố con lại lao đi tìm trong các khu nhà tập thể cao tầng lân cận. Vẫn chẳng thấy Tít đâu. Xưa nay, nó chỉ chơi quanh quẩn trong khu, nào có đi xa bao giờ. Quái lạ thật. Cả nhà cùng ùa ra đón mẹ Tít, rõ ràng có cả nó. Thế mà lại mất tích.

Đi lòng vòng đến cả chục lần quanh khu, phạm vi tìm kiếm càng ngày càng mở rộng nhưng vẫn không thấy tăm hơi Tít đâu cả. Bố con ông Phán về nhà lúc nửa đêm, thẫn thờ, mệt mỏi. Cả nhà ngồi bên nhau ủ rũ. Bữa cơm chiều dọn sẵn chờ đoàn tụ, giờ nguội tanh nguội lạnh. Cứ có tiếng xe máy, cả nhà lại đứng bật dậy, lao ra cửa, hy vọng các chú công an tìm được Tít.

Huệ cũng thoắt sang nhà ông bà Phán, thoắt về, rồi lại đi lòng vòng tìm kiếm. Mệt quá, Huệ về nhà ngả lưng chợp mắt tý cho đỡ căng thẳng. Bỗng thấy sột soạt dưới gầm giường, rồi tiếng sụt sịt. Huệ bật dậy, cúi xuống gầm giường, khua đống vỏ hộp ra, thấy cu Tít nằm sâu trong đó. Huệ kêu ầm lên cho nhà ông Phán nghe thấy. Mọi người huỳnh huỵch chen nhau chạy sang nhà Huệ. Lôi được Tít ra, mặt mày lấm lem. Tít cúi gằm mặt như những lần mắc tội bị phạt. Mẹ Tít mừng mừng tủi tủi, ôm chặt lấy Tít hôn hít, hỏi:

- Tít có nhớ mẹ không có thương mẹ không?

Ngập ngừng một lúc, như muốn trả lời nhưng rồi Tít lại quay mặt đi. Người mẹ nghẹn ngào, gặng hỏi:

- Tít có nhớ mẹ không thương mẹ không? Mẹ thương Tít nhiều nhiều lắm.

Tít ngẩng lên, môi nó run run:

 - Thương à, thương mà mẹ không bế cháu, không ở nhà với cháu. Sao mẹ đi lâu về thế?

Nó òa lên khóc nức nở. Bà Phán quay đi kéo vạt áo lau nước mắt. Các cậu các dì thi nhau dỗ dành, khen Tít ngoan Tít giỏi. Nó vẫn khóc, ôm chặt lấy mẹ, bắt mẹ hứa từ nay không được đi nữa.

Rồi bỗng dưng nó nói: cháu đói, mẹ đút cho cháu ăn nhé. Như mẹ Bô ý.

Nghe Tít nói thế, cả nhà mới sực tỉnh. Ai cũng đói.

Cả nhà bà Phán quay về, rồi rào rào tiếng mâm đũa. Nửa đêm về sáng.