Xây dựng cơ chế chính sách tài chính phục vụ đổi mới công nghệ
Muốn đổi mới công nghệ thì cần đổi mới cơ chế tài chính; xây dựng chính sách hỗ trợ tài chính phù hợp, minh bạch, rõ ràng… Đó là những chia sẻ của các chuyên gia tại Hội thảo Kinh nghiệm xây dựng cơ chế chính sách tài chính quốc gia phục vụ các hoạt động đổi mới công nghệ do Cục ứng dụng và phát triển công nghệ (Bộ KH-CN) phối hợp tổ chức mới đây, tại Hà Nội.
Kinh nghiệm từ quốc tế
Chủ tịch Trung tâm Chuyển giao công nghệ châu Á-Thái Bình Dương Ts.N. Srinivasan cho biết: có 10 thành tố then chốt của hệ thống đổi mới quốc gia, trong đó đặc biệt là chiến lược nghiên cứu và phát triển (R-D), cơ sở hạ tầng KH-CN, nguồn nhân lực, thương mại hóa kết quả nghiên cứu phát triển, cơ sở ươm tạo công nghệ, mạng lưới thông tin KH-CN… Tuy nhiên, tùy vào điều kiện thực tế mà mỗi quốc gia xây dựng một khung chính sách đổi mới công nghệ với tầm nhìn chiến lược và sự ưu tiên cho mỗi thành tố là khác nhau.
Tại Việt Nam, đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển chỉ chiếm khoảng 0,7% GDP (tương đương khoảng 700 triệu USD), trong đó từ Chính phủ chiếm 70%. Việt Nam có khoảng 300 nghìn doanh nghiệp, trong đó có 98% là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phần lớn doanh nghiệp sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới 2 - 3 thế hệ. Tỷ lệ đầu tư đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam chỉ đạt dưới 0,05% doanh thu...
|
Một số kết quả từ các cuộc điều tra cho thấy, hoạt động R-D và đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam là rất thấp so với các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ, Indonesia, Philippines. Cố vấn kỹ thuật cao cấp Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ (Liên bang Đức) Michael Braun cho biết, chỉ có 23% các doanh nghiệp được điều tra có hoạt động đổi mới, cải tiến công nghệ và 77% các doanh nghiệp không theo đuổi hoạt động nghiên cứu và phát triển hay đổi mới làm chủ công nghệ. Đặc biệt, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ít có khả năng được tham gia vào nghiên cứu và phát triển hơn là những tập đoàn lớn.
Cùng chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam, chuyên gia đến từ Hàn Quốc cho biết: sở dĩ Hàn Quốc có được những thành tựu vượt bậc về phát triển kinh tế và KHCN như hiện nay một phần là nhờ những định hướng đúng đắn từ rất sớm của Chính phủ Hàn Quốc trong thúc đẩy đầu tư cho R-D. Để thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ tài chính cho R-D, điều kiện cần đầu tiên là Bộ KH-CN cùng Bộ Tài chính phối hợp xác định rõ mục tiêu đầu tư; nhân sự; trang thiết bị phục vụ R-D… Khi có một hệ thống khái niệm minh bạch, rõ ràng về đầu tư R-D, chúng ta có thể bắt đầu xây dựng hệ thống chính sách tài chính hỗ trợ ưu đãi. Hệ thống khái niệm càng rõ ràng thì việc áp dụng càng nhanh chóng, chính xác, giảm thời gian thủ tục hành chính cho cơ quan chức năng lẫn đối tượng thụ hưởng hỗ trợ. Hàn Quốc có một hệ thống chính sách đa dạng hỗ trợ tài chính cho R-D, từ hỗ trợ trả lương chuyên viên nghiên cứu tới giảm thuế thu nhập, giảm thuế nhập khẩu thiết bị phục vụ nghiên cứu. Đây là những chính sách hoàn toàn khả thi và khá gần gũi với các chính sách tài chính hỗ trợ cho các ngành công nghiệp của Việt Nam mà chúng ta có thể áp dụng.
Cấp bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp công nghệ
Ở Việt Nam, việc vay vốn từ các tổ chức tài chính, đặc biệt là các ngân hàng thương mại, là không dễ dàng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là các doanh nghiệp KHCN, vì các khoản vay này luôn bị các ngân hàng coi là có tính rủi ro cao, do các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều bất trắc và dễ tổn thương trước các biến động từ thị trường và nền kinh tế. Để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ vay vốn đầu tư cải tiến công nghệ, các quỹ đổi mới công nghệ quốc gia cần đưa vào vận hành cơ chế cấp bảo lãnh cho các khoản vay phục vụ R-D. Cơ chế này cần có một quy trình xét duyệt bảo lãnh đòi hỏi linh hoạt, nhưng không được thiếu tính chính xác, chặt chẽ và được kiểm toán đầy đủ.
Theo Thứ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh, trong thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều chính sách thu hút đầu tư, thúc đẩy đổi mới công nghệ. Cùng với việc ban hành các nghị định quốc gia với trọng tâm nâng cao năng lực công nghệ của doanh nghiệp thông qua các hoạt động đổi mới quy trình, sản phẩm công nghệ, Việt Nam cũng đã nỗ lực hình thành thêm một số kênh hỗ trợ tài chính đổi mới công nghệ theo hình thức quỹ như Quỹ phát triển KHCN quốc gia, Quỹ phát triển KHCN địa phương, Quỹ phát triển KHCN doanh nghiệp, đặc biệt gần đây là Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia. “Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng cũng nhìn nhận thẳng thắn rằng Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm để vận hành các kênh tài chính có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ hoạt động đổi mới của doanh nghiệp. Nói cách khác đây là nội dung khá mới mẻ và đặc thù mà các nhà quản lý, nhà hoạt động chính sách, các chuyên gia và nhà doanh nghiệp chưa có nhiều thông tin và kinh nghiệm thực tiễn để có thể triển khai thực hiện ở Việt Nam” - Thứ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.
Về vấn đề này Việt Nam cần tham khảo Quỹ Kotex của Hàn Quốc. Năm 1989, Kotex được Chính phủ Hàn Quốc thành lập để triển khai thực hiện Luật Hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp công nghệ mới. Luật này được hoàn chỉnh lần cuối vào năm 2002 với tên gọi là Luật Hợp tác tài chính công nghệ Hàn Quốc (Korea Technology Finance Coperation Act). Nhiệm vụ của Kotex là cấp bảo lãnh để hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), doanh nghiệp đầu tư các lĩnh vực mới. Nhiệm vụ của Kotex là đóng góp cho nền kinh tế quốc gia bằng việc cung cấp các bảo lãnh tín dụng nhằm tạo điều kiện thuận lợi về tài chính cho các doanh nghiệp công nghệ mới, thúc đẩy sự phát triển mạnh của các doanh nghiệp công nghệ SME và các doanh nghiệp liên doanh.
Quy trình chung cho phương pháp bảo lãnh công nghệ của Kotex được tiến hành theo các bước: xin vay vốn; tư vấn và nộp đơn xin bảo lãnh công nghệ; đánh giá và điều tra tín dụng; phê duyệt bảo lãnh công nghệ; cấp giấy bảo lãnh; quyết định cho vay. Ví dụ, một doanh nghiệp công nghệ nhỏ, không thể có các tài sản thế chấp hữu hình ứng dụng cho bảo lãnh công nghệ. Kotex sẽ đánh giá khả năng trả nợ và giá trị công nghệ của công ty đó và đứng ra đầu tư. Phần lớn, các ngân hàng đều dựa trên sự nghiên cứu và phê duyệt của Kotex để quyết định cho doanh nghiệp đó vay hoặc tăng thêm các khoản vay.
Phó cục trưởng Cục ứng dụng và Phát triển công nghệ Nguyễn Hoàng Hải cho biết, những chia sẻ của các chuyên gia quốc tế sẽ giúp cán bộ quản lý, hoạch định chính sách của Việt Nam có thêm kinh nghiệm trong việc đề xuất, xây dựng và hoàn thiện các chính sách về tài chính cho đổi mới công nghệ, góp phần triển khai hiệu quả, đồng bộ các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của Bộ KH-CN trong thời gian tới. Đặc biệt, các viện nghiên cứu, doanh nghiệp có thể tiếp thu thêm kiến thức và rút ra được những bài học hữu ích phục vụ hoạt động nghiên cứu và vận dụng vào thực tiễn ở Việt Nam…
- Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hàn Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển cao nhất, bên cạnh Thụy Điển, Phần Lan và Nhật Bản. Trong vòng mười năm, tỷ lệ đầu tư cho KHCN của Hàn Quốc đã tăng từ 2,3% lên 3,7% GDP vào năm 2010. Ngân sách nhà nước dành cho nghiên cứu năm 2011 và 2012 tăng lần lượt là 8,7% và 7,3%. Theo kế hoạch tài chính trung hạn thì mức tăng năm 2013 là 6,0%, 2014 là 4,9% và 2015 là 3,0%. Những lĩnh vực được đặc biệt quan tâm là công nghệ thông tin, công nghệ nano, kỹ thuật môi trường và kỹ thuật năng lượng cũng như công nghệ sinh học. ______________________ Việt Nam đang xây dựng Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 với mục tiêu tăng số doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ đạt 10%/năm; giai đoạn 2015 - 2020 tăng 15%, trong đó 5% doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. 100% doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, sản phẩm quốc gia làm chủ được công nghệ, giai đoạn 2015 - 2020 doanh nghiệp tạo ra được công nghệ. |