Sự ra đời của Luật Phòng, chống rửa tiền

Ngọc Minh
Theo nclp.org.vn
02/11/2012 08:38

Trước tình hình tội phạm rửa tiền ngày càng gia tăng, năm 1997, Liên bang Nga đã tội phạm hóa hành vi rửa tiền trong Luật Hình sự. Năm 2001, trong bối cảnh đẩy mạnh hoạt động đấu tranh phòng chống rửa tiền trên phạm vi toàn cầu, cùng với những khó khăn gặp phải trong thực tiễn đấu tranh phòng chống rửa tiền trong nước, Liên bang Nga đã xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền, sơ bộ hình thành hệ thống pháp luật nền tảng trong lĩnh vực này.

Điều 174, Bộ luật Hình sự Liên bang Nga (BLHS) năm 1997 quy định tội rửa tiền việc “hợp pháp hóa (tẩy rửa) tiền hoặc tài sản có được một cách bất hợp pháp”, đồng thời quy định hành vi “tiến hành các nghiệp vụ tài chính và các giao dịch khác liên quan đến tiền, tài sản có được một cách bất hợp pháp, cũng như sử dụng tiền, tài sản đó vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động kinh tế khác” là hành vi phạm tội. Hình phạt áp dụng đối với tội danh này mức thấp nhất là phạt tiền từ 500 - 700 lần mức lương, mức thu nhập tối thiểu hoặc thu nhập khác của người bị kết án trong thời gian từ 5 đến 7 tháng và cao nhất là 10 năm tù giam.

Mặc dù hành vi rửa tiền bước đầu đã được tội phạm hóa trong BLHS, nhưng việc áp dụng luật trong thực tiễn đã gặp phải nhiều khó khăn. Thứ nhất, điều luật không chỉ rõ đối tượng tác động của tội phạm là tiền, tài sản do phạm tội mà có, mà chỉ quy định chung là tiền, tài sản có được một cách phi pháp. Thứ hai, hàm ý của các thuật ngữ “nghiệp vụ tài chính” hoặc “các giao dịch khác” cũng không được định nghĩa và giải thích rõ ràng. Những khiếm khuyết này khiến cho điều luật không bao hàm được một số lượng lớn hành vi rửa tiền đang xảy ra ở Nga hoặc có khả năng xuất hiện trong quá trình chuyển đổi kinh tế, dẫn đến việc thực thi điều luật không chỉ kém hiệu quả mà còn không phù hợp.

 

Trước tình hình đó, Duma Quốc gia Nga đã nỗ lực đưa ra một chế định pháp luật mang tính tổng hợp về chống rửa tiền. Tháng 7.1999, Hội đồng Liên bang và Duma Quốc gia Nga tiến hành hiệp thương thông qua Dự luật Phòng, chống rửa tiền. Tuy nhiên, sau khi Dự luật được Quốc hội Liên bang thông qua, Tổng thống Yeltsin đã phủ quyết đạo luật trên trước khi nó có hiệu lực, vì cho rằng: “Luật về chống rửa tiền vừa được thông qua mâu thuẫn với nghĩa vụ quốc tế của Liên bang Nga theo Công ước của Liên minh châu Âu về chống rửa tiền mà Nga là thành viên từ năm 1999, cũng như các quy định về bảo hộ quyền tự do lưu thông hàng hóa, dịch vụ và bảo vệ quyền tài sản được quy định trong Hiến pháp Liên bang Nga”.

Năm 2000, Lực lượng Đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF) đã lên tiếng trước tình trạng kiểm soát thiếu hiệu quả hoạt động rửa tiền ở Nga. FATF cho rằng, các quy định cụ thể về chống rửa tiền của Liên bang Nga chưa thực sự phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, nhất là không có các cơ chế phòng chống rửa tiền như: quy định về nghĩa vụ nhận biết khách hàng, chế độ báo cáo các giao dịch đáng ngờ của các tổ chức tài chính; thiết lập đơn vị tình báo tài chính (FIU) vận hành một cách toàn diện trên phạm vi quốc gia; thiết lập hữu hiệu một trình tự cung cấp kịp thời các chứng cứ trong hợp tác quốc tế về chống rửa tiền. Với những nhận định trên, FATF đã đưa Nga vào danh sách 15 quốc gia “không có hệ thống biện pháp ngăn ngừa và chống rửa tiền hữu hiệu”, đồng thời khuyến nghị các tổ chức quốc tế, các công ty của các quốc gia, các tổ chức tài chính áp dụng các biện pháp phòng bị cần thiết khi có các giao dịch liên quan tới 15 quốc gia nói trên. FATF dự định sẽ tiến thêm một bước, áp dụng các biện pháp đối kháng thích hợp, trong trường hợp nước Nga sau tháng 9.2001 không thể giải quyết các vấn đề tồn tại.

Các biện pháp nói trên đã dẫn đến những khó khăn cho công dân và pháp nhân Nga trong tiến hành các hoạt động kinh doanh và mở các tài khoản giao dịch ở các nước công nghiệp. Mặt khác, chế độ tài chính thiếu hoàn thiện và không ổn định của nước Nga thời kỳ này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường Nga. Đồng thời, việc bị đưa vào danh sách các quốc gia “không có hệ thống biện pháp ngăn ngừa và chống rửa tiền hữu hiệu” đã ảnh hưởng đến vị thế chính trị của nước Nga trên trường quốc tế. Áp lực về các biện pháp đối kháng của FATF và những ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế Nga, đã buộc Tổng thống Nga Putin tiến hành một loạt sửa đổi, trong đó quan trọng nhất là sửa đổi các quy định trong Điều 174 BLHS Nga về hành vi rửa tiền, đồng thời thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền.

 Những sửa đổi chủ yếu
trong Bộ luật Hình sự

Căn cứ Luật sửa đổi chế định pháp luật chống rửa tiền liên bang số 121-FZ năm 2001, Điều 174, Bộ luật Hình sự đã được sửa đổi như sau:

Điều 174, quy định về hành vi rửa tiền là việc “hợp pháp hóa (tẩy rửa) các nguồn tài chính hoặc tài sản khác do người khác thông qua hoạt động phạm tội mà có”. Khoản 1 điều 174 giải thích cụ thể và đưa ra mức chế tài như sau: “Thực hiện các hoạt động tài chính và các giao dịch khác liên quan đến các nguồn tài chính hoặc tài sản khác biết rõ do người khác có được thông qua hoạt động phạm tội (…), với mục đích tạo một bề ngoài hợp pháp để sở hữu, sử dụng hoặc quản lý các các nguồn tài chính hoặc tài sản khác nói trên thì bị phạt đến 120.000 rúp hoặc số tiền tương đương với mức lương, mức thu nhập tối thiểu hay thu nhập khác của người bị kết án trong thời gian đến một năm...”. Khoản 2, 3, 4 quy định về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự với khung hình phạt cao nhất đến 15 năm tù.

Ngoài ra, Bộ luật Hình sự Nga bổ sung Điều 174.1 quy định về hành vi tự rửa tiền cụ thể như sau: “Hợp pháp hóa (tẩy rửa) các nguồn tài chính hoặc tài sản khác do chính mình thông qua hoạt động phạm tội mà có”. Khoản 1 của Điều 174.1 quy định: “Thực hiện các hoạt động tài chính hoặc các giao dịch khác liên quan đến các nguồn tài chính hoặc tài sản khác có được từ kết quả hoạt động phạm tội của chính mình (…) hoặc sử dụng các nguồn tài chính hoặc tài sản này tiến hành hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động kinh tế khác, thì bị phạt tiền đến 120.000 rúp, hoặc số tiền tương đương với mức lương, mức thu nhập tối thiểu hay thu nhập khác của người bị kết án trong thời gian đến một năm...”.

Các quy định sửa đổi này trong Bộ luật Hình sự là những bước tiến quan trọng trong xây dựng và hoàn thiện các quy định của pháp luật hình sự về chống rửa tiền, được đánh giá là phù hợp ở mức độ cao với yêu cầu tại Điều 3 Công ước Viên, Điều 6 Công ước Palermo và Khuyến nghị số 1 trong 40 Khuyến nghị của FATF về chống rửa tiền.

Ngọc Minh<br>Theo <i>nclp.org.vn</i>