Hiến pháp 1958 - xác lập nền cộng hòa lưỡng tính
Cơ cấu quyền lực ở Pháp hiện nay được xây dựng trên cơ sở Hiến pháp năm 1958 và được gọi là nền Cộng hòa Thứ V. Bản Hiến pháp này đã đánh dấu bước chuyển từ chế độ Cộng hòa nghị viện sang cộng hòa lưỡng tính: vừa mang những đặc tính cơ bản của chế độ đại nghị truyền thống, nhưng dành cho cơ quan hành pháp (Tổng thống và Chính phủ) quyền ấn định chính sách. Vì vậy, có thể gọi Cộng hòa đệ ngũ là “chính thể tổng thống được tăng cường”, hay “chính thể đại nghị được hợp lý hóa”. Việc xác lập vai trò hoạch định chính sách và quyền lập quy của cơ quan hành pháp là một trong những thành công lớn nhất của chính thể này trong lịch sử lập hiến của nhân loại.

Bản Hiến pháp 1958 ra đời trong bối cảnh nền chính trị Pháp vừa trải qua giai đoạn đặc biệt bất ổn dưới thời Cộng hòa Thứ IV. Vào thời kỳ đó, Nghị viện được trao quá nhiều quyền lực, dẫn đến tình trạng mỗi năm có tới một hoặc hai Chính phủ sụp đổ do Nghị việån bỏ phiếu bất tín nhiệm. Chính vì vậy, Hiến pháp mới dưới sự chủ trì của Tướng De Gaulle đã tìm cách khắc phục hạn chế này.
Hiến pháp năm 1958 bên cạnh việc giữ lại những đặc trưng của chế độ nghị viện, còn thiết lập một chế độ chính quyền cá nhân của Tổng thống. Trung tâm của bộ máy chính quyền là Tổng thống. Tổng thống không do nghị viện hoặc dựa trên cơ sở nghị viện bầu ra như các nước theo chính thể cộng hòa đại nghị, mà do nhân dân trực tiếp bầu ra. Tổng thống có nhiệm vụ quyền hạn rất lớn, kể cả quyền giải tán nghị viện của cộng hòa đại nghị, và quyền tự thành lập chính phủ của cộng hòa tổng thống. Hiến pháp năm 1958 của Pháp tăng cường sự chịu trách nhiệm của bộ trưởng trước tổng thống, và giảm tính chịu trách nhiệm của bộ trưởng trước nghị viện.

Nếu như ở mô hình đại nghị, Chính phủ chỉ chịu trách nhiệm trước Nghị viện và ở mô hình chính thể cộng hòa tổng thống, Chính phủ lại chỉ chịu trách nhiệm trước Tổng thống, thì ở cộng hòa lưỡng tính, Chính phủ bao gồm các bộ trưởng và thủ tướng không những chỉ phải chịu trách nhiệm trước Nghị viện, mà còn chịu trách nhiệm thực sự trước Tổng thống.
Giống như chính thể cộng hòa đại nghị, chính phủ Pháp có Thủ tướng đứng đầu. Nhưng, thực ra Chính phủ đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tổng thống. Tổng thống chủ tọa các phiên họp Hội đồng Bộ trưởng để quyết định các chính sách quốc gia. Thủ tướng chỉ được quyền lãnh đạo các phiên họp này khi Tổng thống cho phép. Ngoài ra Thủ tướng chỉ được quyền chủ tọa các phiên họp Nội các để chuẩn bị cho các phiên họp chính thức của Hội đồng bộ trưởng (chính phủ) dưới sự chỉ đạo của Tổng thống.
Sau khi chính sách của Tổng thống được thông qua, Thủ tướng phải có trách nhiệm lãnh đạo Chính phủ thực thi các chính sách đã được Tổng thống hoạch định, và phải chịu trách nhiệm trước Nghị viện và Tổng thống việc thực thi các chính sách này. Trong trường hợp không thực thi được thì Thủ tướng và các bộ trưởng phải từ chức, Tổng thống không phải chịu trách nhiệm, theo quy tắc “không chịu trách nhiệm” của nguyên thủ quốc gia trong chế độ đại nghị.
Việc Tổng thống trực tiếp lãnh đạo cơ quan hành pháp là một đặc điểm quan trọng của chính thể tổng thống cộng hòa. Đây cũng là biểu hiện quan trọng của chính thể tổng thống trong chính thể cộng hòa lưỡng tính. Thủ tướng vẫn được hiến pháp quy định là người đứng đầu hành pháp, nhưng có trách nhiệm tổ chức việc thực thi các chính sách của Tổng thống. Trong trường hợp không thực thi được chính sách, có thể bị Nghị viện giải tán theo thể thức của chế độ đại nghị. Chính phủ, mà đứng đầu là Thủ tướng, phải chịu trách nhiệm trước lập pháp và có thể bị lật đổ và Nghị viện có thể bị giải tán. Chính đây lại là đặc điểm quan trọng của chính thể đại nghị.
Tổng thống được quyền bổ nhiệm Thủ tướng và các bộ trưởng, nhưng cũng giống như chế độ đại nghị, Tổng thống không thể bổ nhiệm một người khác nếu như người đó không là thủ lĩnh của liên minh cầm quyền. Sau đó, Thủ tướng được quyền đứng ra thành lập chính phủ.