Tiềm năng khảo cổ học dưới nước

Hương Sen 04/10/2012 08:12

Thực tế khai quật các con tàu đắm trên biển và việc người dân khai thác được cổ vật, di vật từ sông ngòi, cho thấy tiềm năng to lớn của khảo cổ học dưới nước tại Việt Nam và nhu cầu thành lập ngành khảo cổ học dưới nước để quản lý khối di sản to lớn mà ông cha để lại.

Một số cổ vật trong tàu cổ tại vùng biển Cù Lao Chàm
Một số cổ vật trong tàu cổ tại vùng biển Cù Lao Chàm

Vào những ngày đầu tháng 9 vừa qua, một số tàu cá của ngư dân trong tỉnh Quảng Ngãi tình cờ phát hiện con tàu cổ chở đồ sành, sứ bị đắm hàng trăm năm trước tại khu vực biển thuộc thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn. Theo báo cáo từ cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi, chiếc tàu bị đắm có chứa cổ vật chỉ nằm cách bờ 200m, ở độ sâu 4m. Được biết, trước khi lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi gửi văn bản lên Bộ VH, TT và DL xin phép khai quật tàu đắm và đưa ra những phương án khai quật cụ thể thì đã có hàng trăm người dân kéo đến tự ý khai thác trái phép cổ vật từ con tàu này, sau đó đem đi cất giấu hoặc bán cho thương lái.

Tại hội nghị thông báo kết quả khảo cổ học Việt Nam lần thứ 47 cuối tháng 9 vừa qua, Ts Phạm Quốc Quân - Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia, một trong ba chuyên gia được cử về hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi nghiên cứu tàu cổ nhằm đưa ra phương án khai quật khảo cổ nơi con tàu bị đắm - cho biết, trước mắt chưa thể xác định được kích thước tàu và số lượng cổ vật hiện có là bao nhiêu nhưng tin đồn ngư dân kiếm tiền tỷ từ con tàu cổ đắm là có cơ sở. Vì những khó khăn nên thời gian tới, khối tài sản khổng lồ trên tiếp tục được lực lượng công an, bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi bảo vệ. “Việc khai quật dự kiến rất khó thực hiện trong mùa biển động 3 tháng cuối năm, do đó gần như chắc chắn tàu cổ Bình Châu sẽ được tạm niêm phong ngay sau đợt khảo sát thăm dò 5 ngày (từ 28.9) của UBND tỉnh Quảng Ngãi. Sau đó, để ngăn chặn nạn mò cổ vật của ngư dân, một lồng sắt khổng lồ sẽ được thiết kế, hạ thủy và “trùm” ra ngoài tàu cổ Bình Châu” - Ts Phạm Quốc Quân thông tin.

Có thể nói, biển Việt Nam sôi động trong mọi thời kỳ lịch sử, với những hoạt động hàng hải lâu đời. Chưa có khảo sát cụ thể, nhưng theo dự đoán của giới nghiên cứu khảo cổ học chắc chắn có rất nhiều con tàu đắm trong quá trình vận chuyển trên biển. Công ty Seabed Exploration đã từng công bố từ năm 2007, thông tin Việt Nam có 40 điểm tàu đắm có khả năng tìm kiếm được. Trước sự kiện xuất lộ con tàu cổ tại vùng biển Bình Châu nói trên cùng với thông báo của Sở VH, TT và DL TP Tuyên Quang về con tàu cổ trên dòng sông Lô và việc Bảo tàng Nghệ An có tiếp nhận 2 khẩu súng thần công lớn thời Lê - Trịnh đắm trong lòng sông Lam gần đây cho thấy tiềm năng to lớn của khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam. Kể từ năm 1990, khi Việt Nam trục vớt con tàu cổ đầu tiên tại biển Vũng Tàu, trải qua hơn 20 năm, khảo cổ học dưới nước chưa có một bước tiến gì nếu không nói là quá lạc hậu so với thế giới. Theo PGs, Ts Nguyễn Lân Cường, Phó tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, nếu chúng ta có ngành khảo cổ học dưới nước sẽ tránh được tình trạng “cứ một món đồ cổ được lấy lên nguyên vẹn, ít nhất 20 đồ vật khác đã bị phá vỡ”. Đây là một cảnh báo về nạn khai thác cổ vật trái phép, thiếu hiểu biết dẫn đến những hư hại đáng tiếc đối với những cổ vật có giá trị. Việc chúng ta chưa có ngành khảo cổ học dưới nước là một tồn tại lớn nhất của ngành khảo cổ học Việt Nam.

Cùng quan điểm trên, PGs, Ts Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học cho rằng, phần lớn các cuộc khai quật tàu cổ được tiến hành trong tình thế “chữa cháy”, sau khi ngư dân đã dùng lưới cào quét chán chê và hàng ngàn cổ vật đã bị thất thoát. Trong khi đó, mọi hoạt động liên quan đến khảo cổ học dưới nước từ trước đến nay đều chưa có gì thay đổi. “Chúng ta không có chuyên gia, không máy móc, không kinh phí thì làm được việc gì?” - PGs, Ts Tống Trung Tín đặt câu hỏi. Tính đến nay, các nhà khảo cổ học trong nước mới khai quật dạng trục vớt 5 con tàu cổ bị đắm. Số tàu cổ khác được phát hiện không ít, nhưng chính xác là bao nhiêu thì chưa có ai đứng ra thống kê. Và Việt Nam cũng không có đủ năng lực để thăm dò, thám sát những con tàu này.

“Việt Nam là một cường quốc biển, có thế mạnh về biển nhưng lâu nay chúng ta chưa quan tâm xứng tầm tới hoạt động khảo cổ này, hơn lúc nào hết cần thành lập ngành khảo cổ học dưới nước để quản lý khối di sản to lớn mà ông cha để lại” - Gs, Ts Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện KHXH Việt Nam nêu quan điểm. Được biết, sắp tới Viện Khảo cổ học sẽ trình Chính phủ Đề án xây dựng ngành khảo cổ học dưới nước, nhưng từ chủ trương, ý tưởng thành hiện thực không phải chuyện ngày một ngày hai mà phải có một lộ trình chuẩn bị. Trước mắt là chuẩn bị về nhân lực, đội ngũ, đặc biệt là chú trọng tới việc đào tạo đội ngũ trẻ, tiếp cận với công nghệ, kỹ thuật hiện đại.

Hương Sen