Thị trường ô tô khổ vì chính sách thuế, phí

Anh Tú 02/10/2012 08:25

Theo tính toán của Hiệp hội - Vận tải ô tô Việt Nam, mỗi chiếc xe đang phải chịu tới 5 loại thuế và 9 loại phí. Không những thế, thời gian vừa qua, lệ phí trước bạ đối với ô tô ở Hà Nội đã tăng lên 20%, ở TP Hồ Chí Minh là 15%. Điều đó khiến cho việc sở hữu một chiếc xe ô tô ở Việt Nam trở nên đắt đỏ nhất thế giới. Các chuyên gia và nhà sản xuất, phân phối cho rằng, thị trường ô tô nướác ta đang bị hạn chế bởi chính sách thuế, phí.

Thị trường ô tô <I>khổ</I> vì chính sách thuế, phí ảnh 1
Nguồn: dddn.vn

8 tháng năm 2012, sản lượng ô tô do các thành viên của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) bán ra thị trường giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm 2011. Dự báo cả năm 2012, sản lượng tiêu thụ ô tô của cả nước giảm khoảng 40% so với năm trước. Một phần nguyên nhân do kinh tế khó khăn, nhưng quan trọng hơn là do lệ phí trước bạ được nâng lên 15% tại TP Hồ Chí Minh và 20% tại Hà Nội, phí cấp biển xe tăng lên 20 triệu đồng. Cùng với đó là thông tin từ Bộ Giao thông - Vận tải hồi đầu năm về đề xuất thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đã làm nản lòng người dân muốn sắm một chiếc xe làm phương tiện đi lại. Mặc dù theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Việt Nam, thuế nhập khẩu ô tô giảm dần, nhưng các loại thuế, phí khác lại tăng dần theo năm. Phó tổng thư ký Hiệp hội - Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Khánh Toàn cho biết, Hiệp hội đã có công văn gửi đến các bộ có chức năng đề nghị rà soát lại vì hiện nay có quá nhiều loại thuế, phí đối với một chiếc ô tô. Một chiếc ô tô nhập khẩu vào Việt Nam phải chịu thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế môi trường… vì thế, có ít nhất tới 5 loại thuế và 9 loại phí. Điều này tác động rất lớn đến thị trường ô tô. Hiệp hội kiến nghị, loại nào không phù hợp thì bỏ, giảm thuế VAT từ 10% xuống 5%, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 20%...

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội kỹ sư ô tô Việt Nam Đỗ Hữu Hào, so với các nước, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam vẫn là ngành non trẻ. Trong phát triển ngành, chính sách thuế, phí đóng vai trò rất quan trọng, hoặc là khuyến khích, hoặc là kìm hãm. Trong 15 năm qua, đã có một số hãng sản xuất ô tô lớn trên thế giới vào Việt Nam, nhưng chính sách của chúng ta đối với lĩnh vực này luôn thay đổi. Trước đây, giao thông của nước ta chưa phát triển, nên Nhà nước đánh thuế cao để hạn chế xe ô tô cá nhân, khiến cho ngành công nghiệp ô tô đứng giữa khó khăn, muốn phát triển nhưng lại chịu thuế cao. Năm nay kinh tế khó khăn, lượng xe bán ra giảm nghiêm trọng, không phải do người tiêu dùng không có tiền hay giao thông tắc nghẽn quá mức, mà do chính sách thuế. Chính sách thuế ở Việt Nam chưa theo kịp quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, chưa thúc đẩy được ngành công nghiệp hỗ trợ  cho ngành sản xuất ô tô phát triển. Theo ông Hào, chính sách thuế và phí của Bộ Tài chính không kịp thời. Phải có chính sách thuế, phí để khuyến khích tăng tỷ lệ nội địa hóa. Phải nghiên cứu để chính sách thuế đi theo và phù hợp với tình hình hiện nay, dùng chính sách thuế để kích cầu. Ví dụ tăng được tỷ lệ nội địa hóa thì giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp… sẽ tiêu thụ được nhiều hơn.

Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty cổ phần ô tô Xuân Kiên Bùi Ngọc Huyên dẫn chứng từ thực tế của Malaysia, đó là cứ tỷ lệ nội địa hóa trong sản xuất ô tô tăng lên bao nhiêu thì thuế giảm đi bấy nhiêu, bởi vì khi nội địa hóa là sử dụng tài nguyên trong nước, tạo việc làm, mang lại rất nhiều lợi ích cho nền kinh tế và người dân. Mặt khác, ông Bùi Ngọc Huyên cho rằng, chính sách thuế, phí ở nước ta đối với ô tô hiện còn nhiều điểm bất hợp lý. Chính sách có sự bất hợp lý ở chỗ, xe to, nhỏ hay sang xe sang trọng và bình dân đều cùng một mức thuế. Xe to, đắt tiền thì phải đánh thuế cao, xe nhỏ thì thuế phải giảm dần, xe nội địa hóa được thì phải giảm thuế.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rõ khía cạnh thực tế của việc đánh thuế cao đối với ô tô trong thời gian qua có liên quan mật thiết tới cơ sở hạ tầng giao thông. Theo nhận xét của ông Andreas Klinger - Tổng giám đốc Porche Việt Nam, trong khi cơ sở hạ tầng được cải thiện rất chậm, thì có vẻ như giải pháp duy nhất để bảo đảm lưu lượng giao thông vừa phải trên đường phố ở hai thành phố lớn Hà Nội và TP Hồì Chí Minh là giảm bớt lượng ô tô cá nhân và lưu thông của phương tiện này. Các chính sách của Chính phủ đang thể hiện điều này, với thuế phí cao và những biện pháp hạn chế, duy trì giá xe ở mức cao, dẫn đến ngày càng ít người dám mơ đến việc sở hữu một chiếc xe ô tô. 

Một số chuyên gia cho rằng, điều này là không đúng và tương đối hạn chế. Chính phủ cần kích thích mức tiêu thụ ô tô nội địa, nhờ đó sẽ khuyến khích đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông và kết quả là hệ thống sẽ tạo ra cơ chế tự điều chỉnh. Nhằm nâng cao mức sống hơn nữa, Việt Nam cần cải thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng hệ thống giao thông công cộng hiện đại hơn và cùng lúc giảm thuế ô tô tới mức chấp nhận được.

Anh Tú