Nhà đầu tư chứng khoán nên làm gì khi nghe tin xấu?

Thu Liên 27/09/2012 08:37

Vừa qua, thị trường chứng khoán đã chao đảo khi một loạt cổ phiếu ngân hàng xuống giá vì tin thay một loạt chức vụ cao cấp trong ban quản trị Ngân hàng ACB. Đây không phải lần đầu tiên xảy ra tình trạng này. Vậy nhà đầu tư cần làm gì mỗi khi nghe tin xấu? Cơ quan quản lý nhà nước cần làm gì để những tin xấu không gây hệ quả dây chuyền cho cả hệ thống ngân hàng lẫn thị trường chứng khoán?

Bản chất của thị trường chứng khoán là luôn phải chịu tác động từ tin tức liên quan đến thị trường, đến hoạt động của doanh nghiệp. Và chuyện gặp tin xấu là không tránh khỏi. Tuy nhiên, tiếp nhận tin xấu như thế nào, hành xử như thế nào trước tin xấu lại là một thao tác tư duy mà không phải cổ đông nào cũng lựa chọn đúng. Thực tế hoạt động của thị trường chứng khoán nước ta đã cho thấy cứ mỗi lần có tin xấu, dù đúng hay không đúng sự thật, là thị trường lại dậy sóng, nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu để rồi sau đó, khi bình tĩnh lại thì thấy tiếc cho quyết định vội vàng của mình. Đặc biệt những người không có khả năng phân tích thị trường mà chỉ mua vì a dua, bán theo phong trào thì lại càng thiệt thòi sau mỗi lần bán chạy như vậy.

Lần này là tin xấu liên quan đến  hoạt động của ngân hàng. Tin xấu này có thể không chỉ ảnh hưởng đến nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán mà còn có thể gây hoảng cho người gửi tiền, nếu như người gửi tiền không biết cách phân tích thông tin để có được quyết định đúng đắn.

Nguồn: ITN
Nguồn: ITN
Liên quan đến việc thay đổi ít nhất 3 chức vụ cao cấp của Ngân hàng ACB vừa qua, một câu hỏi đặt ra là người gửi tiền, và cả nhà đầu tư chứng khoán có nên lo ngại trước sự việc này hay không? Và nên lo ngại đến mức độ nào? Câu trả lời là vừa có lo và không cần lo. Trước hết, người gửi tiền vào đây không phải lo ngại quá mức do ban quản trị Ngân hàng ACB và cả Ngân hàng Nhà nước nữa sẽ không để cho sự kiện thay đổi nhân sự cấp cao ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng này. Việc này đã được kiểm chứng bằng sự việc xảy ra tháng trước khi tin tức về nguyên phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB, rồi sau đó là Tổng giám đốc Ngân hàng này bị bắt. Thực tế, nhiều người phát hoảng chạy vội đi rút tiền, chấp nhận bỏ lãi, rồi chỉ sau đó ít ngày lại gửi vào rồi tiếc hùi hụi. Thứ hai, các khoản tiền gửi tại Ngân hàng ACB đều đã được Bảo hiểm tiền gửi – một tổ chức phi lợi nhuận của Chính phủ đảm bảo, nên người gửi tiền cũng không cần quá lo ngại. Tuy nhiên, với các cổ đông mua cổ phiếu của Ngân hàng này với mục tiêu đầu tư dài hạn thì lại cần phải lo ngại, khi ngân hàng này liên tiếp thay nhân sự cấp cao. Bởi lẽ, trong kinh tế thị trường, và theo Luật Doanh nghiệp, cũng như Luật Chứng khoán, thì các công ty đại chúng niêm yết trên thị trường chứng khoán phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Và người thực hiện giám sát đầu tiên đối với hoạt động của Ban Điều hành chính là Đại hội đồng cổ đông. Vì thế, các cổ đông muốn giám sát được cách thức hoạt động, chiến lược kinh doanh của Ban Điều hành thì phải hiểu luật và có kiến thức về lĩnh vực mà mình đầu tư. Đặc biệt, khi tham gia các Đại hội cổ đông và bỏ phiếu các vấn đề liên quan đến chủ trương, định hướng kinh doanh, thay đổi nhân sự cấp cao... thì cần nâng cao trách nhiệm với lá phiếu của mình, thay vì chỉ quan tâm đến tỷ lệ cổ tức được chia. Vì nếu như cổ đông không nắm vững, không am hiểu và cũng không nêu cao tinh thần trách nhiệm với chính đồng tiền mình góp vào công ty đại chúng đó, thì sẽ phó mặc cho sự điều hành của Hội đồng Quản trị. Và ai biết hậu quả sẽ ra sao nếu như Hội đồng Quản trị này đi sai hướng, thậm chí còn vi phạm pháp luật? Đầu tư vào một công ty kinh doanh đơn thuần đã cần phải vậy, thì khi đầu tư vào một ngân hàng - một loại doanh nghiệp đặc biệt, thì càng cần phải hiểu biết và tăng cường khả năng giám sát của mình. Sẽ là sai lầm nếu như nghĩ rằng cứ phó thác tiền bạc của mình cho Hội đồng Quản trị, rồi cuối năm sẽ chia lãi với mức lợi tức mà mình đòi hỏi. Nếu không tự kiểm soát tốt, nhiều công ty đại chúng sẽ bốc hơi với số vốn cả nghìn tỷ đồng.

Trở lại với việc xử lý tin xấu. Nhà đầu tư trước hết cần phải bình tĩnh trước mọi thông tin liên quan đến hoạt động doanh nghiệp hoặc diễn biến của thị trường; phải rèn luyện bản lĩnh; thêm vào đó, nhà đầu tư cần học cách xử lý thông tin, phân tích và đối chiếu chéo để kiểm tra tính xác thực của thông tin, từ đó rút ra cho mình cách thức hành xử trước các loại thông tin khác nhau. Tất cả những điều này đều đã được các chuyên gia về chứng khoán tổng kết từ thực tiễn và xây dựng thành giáo trình để truyền đạt tới nhà đầu tư. Vì thế, muốn đầu tư thành công, nhà đầu tư đừng ngại đi học. Khi đã học được phương thức thao tác tư duy hợp lý và khoa học để xử lý thông tin thành công, nhà đầu tư sẽ không bị phát hoảng mỗi khi thị trường có tin xấu.

Thu Liên