Tạo bước đệm thực hiện đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện

M.Hiếu thực hiện 26/09/2012 08:34

Bộ GD - ĐT được giao chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng đề án Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế để báo cáo Ban Cán sự Đảng, Chính phủ, trình Hội nghị lần thứá Sáu Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI). Xung quanh đề án này, chúng tôi có cuộc trao đổi với BỘ TRƯỞNG BỘ GD - ĐT PHẠM VŨ LUẬN.

PV: Thưa Bộ trưởng, tới thời điểm này, dự thảo Đề án được xây dựng đến đâu và những nội dung gì sẽ được đề cập?

BT Phạm Vũ Luận: Ngay sau Đại hội Đảng lần thứ XI, Bộ GD - ĐT đã chủ động, tích cực phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương thành lập ban nghiên cứu, tổ biên tập để xây dựng dự thảo Đề án; đồng thời, giao Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và một số trường đại học, một số địa phương nghiên cứu xây dựng dự thảo Đề án. Bộ cũng đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức nhiều hội thảo khoa học. Ban soạn thảo Đề án tham vấn ý kiến của nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và của ngành; tham vấn ý kiến các bộ, ngành Trung ương và địa phương, các chuyên gia trong và ngoài nước...

Tạo bước đệm thực hiện đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện ảnh 1
Nguồn: tin180.com

Dự thảo Đề án khẳng định 5 thành tựu, 7 bất cập yếu kém của giáo dục và đào tạo Việt Nam; xác định nguyên nhân khách quan, chủ quan, nhất là đối với khuyết điểm, hạn chế của giáo dục và đào tạo. Đề án đã cố gắng thực hiện, lý giải các vấn đề: Một là, vì sao phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo Việt Nam. Hai là, những nguyên tắc, quan điểm chỉ đạo, nội dung của đổi mới. Ba là, yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện phải đạt được. Bốn là, nhiệm vụ, giải pháp triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo. Năm là, một số đề xuất, kiến nghị và một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau để trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương thảo luận.

PV: Có thể thấy đổi mới giáo dục là rất cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, để thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện, rất cần nỗ lực lớn từ phía ngành giáo dục, thưa Bộ trưởng?

BT Phạm Vũ Luận: Đúng vậy. Năm học mới 2012 - 2013, nhiệm vụ tổng quát của ngành giáo dục là tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và các Nghị quyết trung ương, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan của Đảng và Chính phủ chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cần thiết để Ban Chấp hành Trung ương Đảng thảo luận và ra Nghị quyết về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo tại Hội nghị lần thứ Sáu vào quý IV năm nay.

Nhằm tạo bước đệm cho việc thực hiện Đề án, năm học này Bộ GD - ĐT dự kiến hoàn thành điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2011 - 2020 cho phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển nguồn nhân lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020. Bộ cũng đã thành lập Ban chỉ đạo đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015. Bộ đang tiếp tục triển khai các nghiên cứu cần thiết cho đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015, dự kiến tháng 12 tới sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Năm học này sẽ tiếp tục điều chỉnh, đổi mới một số nội dung, chương trình, phương pháp dạy học, thi - kiểm tra - đánh giá ở các cấp học, bậc học theo hướng chú trọng năng lực sáng tạo, tự học, tăng cường giáo dục đạo đức cho học sinh, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Bộ GD - ĐT cũng triển khai thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện các trường sư phạm, đặc biệt là các trường ĐH sư phạm trọng điểm đáp ứng yêu cầu đào tạo đội ngũ giáo viên chất lượng cao cho toàn ngành.

PV: Không ít người tỏ ra lo lắng cho chất lượng giáo dục phổ thông khi việc đánh giá thi cử ở nhiều nơi chưa thực chất. Bộ trưởng sẽ chỉ đạo thế nào để giải quyết những bức xúc này, khôi phục niềm tin trong xã hội?

BT Phạm Vũ Luận: Chúng tôi tập trung làm rõ nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại chậm được khắc phục trong ngành, từ đó có những giải pháp khắc phục triệt để. Tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề được xã hội quan tâm, dư luận bức xúc, có biện pháp tích cực để khắc phục những bất cập và tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GD - ĐT. Tiếp tục điều chỉnh, xử lý những bất hợp lý trong nội dung dạy học theo hướng tinh giản, tích hợp các môn học nhằm giảm tải cho học sinh, phù hợp với thời lượng dạy học và điều kiện thực tế các nhà trường. Khắc phục một bước tình trạng nội dung giảng dạy vượt quá khả năng nhận thức của học sinh và trùng lặp giữa các môn, giữa các lớp trong cùng môn ở tất cả môn học, để giáo viên có thời gian bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém.

Đổi mới công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo hướng giao quyền chủ động và nâng cao trách nhiệm của các Sở GD - ĐT. Đổi mới cách ra đề thi, nhất là các môn tự luận ở kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo hướng mở có chú ý phát huy tính sáng tạo, khả năng tổng hợp kiến thức của học sinh và gắn với các vấn đề thời sự của đất nước.

PV: Xin cám ơn Bộ trưởng!

M.Hiếu <I>thực hiện</I>